Các tin tặc hàng đầu trên thế giới đến từ các hoàn cảnh và vị trí địa lý khác nhau với điểm chung là có niềm đam mê công nghệ từ rất sớm. Và những lần tấn công mạng kinh điển của họ đã làm phát sinh thêm quy định pháp lý, và đạo đức trong lĩnh vực an ninh mạng. Và cái kết của mỗi hacker lại là một câu chuyện rất đáng suy ngẫm nếu suy xét ở nhiều góc độ. Và câu chuyện về số phận và cuộc đời bi kịch của hacker Aaron Swartz là một ví dụ.
Được biết, Aaron Swartz (8/11/1986-11/1/2013) sinh ra tại Chicago, Illinois trong một gia đình gốc Do Thái. Anh là lập trình viên và nhà hoạt động Internet người Mỹ được sự hỗ trợ đắc lực từ người cha Robert Swartz. Từ năm mới 14 tuổi, anh đã là thành viên trong nhóm tác giả của RSS - tính năng rất phổ biến hiện nay giúp người dùng theo dõi và cập nhật nội dung từ các trang web và blog.
Tới năm 2002, khi mới 15 tuổi, A. Swartz cùng với người đồng nghiệp Lawrence Lessig đã là đồng tác giả của hệ thống Creative Commons, đang được trang từ điển trực tuyến Wikipedia cũng như trang web của nhiều tổ chức khác áp dụng, giúp mọi người biết cách làm sao để chia sẻ những tài liệu có giới hạn do mình tạo ra.
Đến năm 19 tuổi, anh thành lập Infogami, về sau sáp nhập vào Reddit và trở thành một trong những người đồng sở hữu website này. A. Swartz còn đảm nhiệm vai trò là một trong những biên tập viên chủ chốt giúp cấu thành các tự điển mở như Wikipedia và Wikimedia...
Ngoài ra, thiên tài tin học Aaron đã lên tiếng nhận xét hệ thống luật pháp tụt hậu so với những bước tiến của kỷ nguyên công nghệ thông tin. Đồng thời, Aaron còn là một trong những người đi tiên phong phản đối dự luật về bảo vệ bản quyền trên mạng Internet (SOPA), vốn tạo điều kiện cho việc đóng cửa các trang web bị cáo buộc vi phạm tác quyền.
Tại buổi mít tinh quy tụ tới 115.000 người nhằm chống lại dự luật SOPA, Aaron phát biểu: "Hiện chúng ta đang tiến hành cuộc tranh đấu không khoan nhượng trong thế giới Internet. Cách ứng xử cố hữu của luật pháp đã dập tắt mọi tiến trình phát triển của công nghệ cao, thay vì mang lại nhiều tự do hơn cho người sử dụng Internet và triệt tiêu những quyền tự do cơ bản của công dân". Kết quả là đạo luật SOPA đã không được Chính phủ Mỹ ban hành, vì gặp phải quá nhiều sự phản đối. Trong quá trình đấu tranh chống lại dự luật SOPA, Swartz không ngừng phải hứng chịu những đòn tinh thần đả kích khốc liệt.
Aaron Swartz giống như một người hùng, tin rằng Internet là công cụ giúp con người dễ dàng tiếp cận kho kiến thức khổng lồ của nhân loại
Vào ngày 6/1/2011, Aaron Swartz bị Cảnh sát thành phố Boston bắt quả tang khi đang đột nhập khuôn viên Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), dùng máy tính xách tay nối mạng truy cập trái phép vào kho dữ liệu JSTOR, nơi lưu trữ hàng triệu tác phẩm khoa học, bài báo, bản thảo... của MIT theo dạng kỹ thuật số, tải xuống 4,8 triệu bài viết mang tính học thuật trong cơ sở dữ liệu của JSTOR. Bởi Swartz cảm thấy bất công khi JSTOR thu phí đọc tài liệu, nhưng số tiền đó chỉ được trả cho nhà xuất bản chứ không phải cho các tác giả. Anh muốn phân phát tài liệu này đến càng nhiều người càng tốt.
Với nhiều người, Aaron Swartz giống như một người hùng, người luôn tin rằng Internet là công cụ giúp con người dễ dàng tiếp cận kho kiến thức khổng lồ của nhân loại. "Thông tin là quyền lực, nhưng giống như các loại quyền lực khác, nó đang bị một số người chỉ muốn giữ cho riêng họ", Swartz từng nói. "Chia sẻ dữ liệu không phải là việc trái đạo đức".
Lập tức, A. Swartz bị tống giam bởi các tội danh như truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu có bản quyền và sử dụng chúng nhằm mục đích vụ lợi. Sau khi đã đóng 100.000 USD tiền bảo lãnh, A. Swartz được cho tại ngoại, chờ ngày mở phiên tòa chính thức xử tội vào năm 2013. Chiếu theo các tội danh truy tố, hacker này sẽ phải đối mặt với khoản bồi thường lên tới cả triệu USD và 35 năm tù giam, nhưng đột nhiên Aaron Swartz đã treo cổ tự vẫn vào ngày 11/1/2013 tại căn hộ của mình ở khu Brooklyn, New York.
Hành động lấy tài liệu chia sẻ cho cộng đồng có phải việc làm chính nghĩa hay không còn gây nhiều ý kiến trái chiều, "nhưng vấn đề là phải chăng bên nguyên đơn đã đòi hỏi quá nhiều so với mức độ có tội của bên bị đơn", Giáo sư Lawrence Lessig tại Đại học Luật Harvard (Mỹ), từng mô tả Swartz là một thiên tài web nhận xét. "Câu hỏi mà chính phủ Mỹ cần trả lời là sao lại phải gán cho Swartz là người phạm tội nghiêm trọng".
Mặc dù Aaron từng thổ lộ mình bị trầm cảm nhưng gia đình và bạn bè của anh đều cho rằng, nguyên nhân dồn ép Aaron đi tới con đường tự tử là bởi MIT và các công tố viên đã làm quá tay trong vụ này. Theo ông R. Swartz (cha đẻ của Aaron), cũng là một chuyên gia phần mềm cự phách, chính những điều luật cứng nhắc đã gây ra cái chết tức tưởi của con trai ông. Họ cố tình đối xử với một lập trình viên tài năng như một tên tội phạm tin học thực thụ.
Aaron chủ yếu quan tâm tới việc phổ biến những thành tựu khoa học, chứ không phải là kẻ lừa đảo tin học như lời buộc tội từ giới chức tư pháp. Ông R. Swartz nói: "Con trai tôi chính là người đại diện cho một xu thế đã tồn tại suốt nhiều thập niên qua trong giới khoa học máy tính, nó đòi được quyền tiếp cận thông tin rộng rãi cho mọi người. Còn luật pháp lại quy chụp những ai có hành vi xâm nhập vào hệ thống máy tính, rồi chia sẻ thông tin cho những người khác đích thị là đám tin tặc muốn làm giàu bất chính".
"Với thế giới, chúng ta mất đi một người thông thái; Hãy để chúng ta cùng khóc thương"
Ngay sau tin về cái chết của Swartz được phát đi, cộng đồng mạng đã bày tỏ niềm thương tiếc và sự bất ngờ. Hiệp sĩ Tim Berners-Lee viết trên Twitter: "Aaron chết. Với thế giới, chúng ta mất đi một người thông thái. Với những hacker chính nghĩa, chúng ta có một người nằm xuống. Với các bậc cha mẹ, chúng ta mất đi một người con. Hãy để chúng ta cùng khóc thương".
"Người ta đã áp dụng thứ luật tương tự tội cướp ngân hàng thời kỹ thuật số đối với một tài năng tin học trẻ tuổi", ông Chris Sogoyan, một chuyên viên công nghệ kiêm nhà phân tích chính sách thuộc Hiệp hội về quyền tự do công dân, có trụ sở đặt tại Washington D.C nhận xét "vụ A. Swartz".
Còn Giáo sư Kelly Caine của Trường đại học Tổng hợp Clemson ở tiểu bang Nam Carolina, cũng là nhà nghiên cứu lâu năm về thái độ của công chúng đối với kỹ thuật công nghệ cao, cũng như bảo vệ sự riêng tư cá nhân trên mạng Internet quả quyết: "A. Swartz thực sự không làm tổn thương đến bất cứ ai, cũng không vì lợi ích cá nhân, bởi anh ấy luôn tin rằng những thông tin sẵn có sẽ mang lại lợi ích cho mọi người".
Riêng luật sư nổi tiếng Elliot Peters đã nêu quan điểm rằng trường hợp của A. Swartz bị "thổi phồng thái quá" hòng có lợi cho sự lưu giữ bản quyền cứng nhắc trong thế giới ảo.
Báo Wired đã gói gọn chuyện này trong 5 từ: "His death is a tragedy" (Cái chết của anh là một bi kịch)
Tấn bi kịch kết thúc cuộc đời của một nhà tin học trẻ đầy tài năng đã khiến Ban lãnh đạo MIT không thể ngồi yên. Thay mặt nhà trường, Chủ tịch Leo Rafael Reif đã gửi một bức thư ngỏ chia buồn đến gia đình nạn nhân, đồng thời cho biết toàn thể giới học thuật tại MIT sẽ lấy đó làm bài học sâu sắc, góp phần thúc đẩy nhanh chóng việc tự do tiếp cận thông tin khoa học cho những ai có nhu cầu.
Cái chết của Swartz cũng khiến bạn bè và người hâm mộ cảm thấy đau buồn vô hạn, đồng thời cũng làm họ giận dữ. Dù việc Swartz tự sát có nhiều nguyên nhân, nhưng không ít người cho rằng, anh đã quên mình vì một phong trào đấu tranh không mệt mỏi cho tự do thông tin, báo Wired đã gói gọn chuyện này trong 5 từ: "His death is a tragedy" (Cái chết của anh là một bi kịch).
Lý do thực sự dẫn đến hành động của Swartz có thể không bao giờ được giải đáp và những việc anh đã làm còn gây nhiều tranh cãi, nhưng điều người ta không thể phủ nhận là Swartz thực sự là một tài năng.