Dân Việt

Những chuyện chưa kể về Trung đoàn tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam

Thu Lan - Nguyễn Minh 11/09/2021 16:30 GMT+7
Ít người biết rằng, cách đây 25 năm (8/1996), trước khi Việt Nam có Lữ đoàn tàu ngầm 189 sở hữu những “hố đen đại dương” lớp Kilo 636, đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam đã được thành lập và mang phiên hiệu Trung đoàn 196.
Những chuyện chưa kể về Trung đoàn tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 1.

Bảo quản, sửa chữa trang bị kỹ thuật ở Trung đoàn Tàu ngầm 196. Ảnh: Tiền Phong

Một trong 5 cánh sao biển

Trung tá Nguyễn Ngọc Dương, Chính ủy Trung đoàn Tàu ngầm 196 cho biết, là đơn vị tàu ngầm đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam, Trung đoàn 196 mang vinh dự và trọng trách lớn, làm cơ sở để xây dựng lực lượng tàu ngầm Hải quân tiến lên chính quy, hiện đại, góp phần cùng với các lực lượng trong Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Được ví như một trong 5 cánh sao biển của Hải quân, tàu ngầm là một trong năm lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, lực lượng tác chiến chủ yếu, làm nòng cốt trong thế trận chiến tranh Nhân dân trên biển. Vì thế mỗi cán bộ, thủy thủ của Trung đoàn đều được tuyển chọn kỹ trước khi vào đơn vị.

"Thủy thủ tàu ngầm là những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, được thừa hưởng những giá trị truyền thống từ quê hương, gia đình. Đây là vấn đề có tính cốt lõi để trong bất luận hoàn cảnh nào, các thủy thủ cũng sẵn sàng xuống tàu, ra khơi thực hiện nhiệm vụ", Trung tá Dương nhấn mạnh.

Những chuyện chưa kể về Trung đoàn tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 2.

Thủy thủ Trung đoàn 196 huấn luyện chèo xuống trên biển trong một tình huống luyện tập. Ảnh: Tiền Phong

Hoạt động trong môi trường đặc thù giữa mênh mông đại dương nhiều giờ, nhiều ngày. Chính vì vậy, thủy thủ hầu như không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, cảm giác ngày cũng như đêm. Họ chỉ "bầu bạn" với các loại vũ khí, trang bị máy móc bên cạnh, nhiều khi chỉ nói chuyện với nhau bằng khẩu lệnh với các bảng bố trí chiến đấu và phải tập trung theo dõi các thông số đảm bảo an toàn cho con tàu…

"Vì thế, chúng tôi luôn làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật để mỗi con tàu hoạt động một cách đồng bộ và tin cậy. Đồng thời, chú trọng rèn luyện thể lực với các bài tập đặc thù như là hệ thống cầu sóng, đu quay, vòng quay trụ… để rèn luyện tiền đình, sức chịu đựng sóng gió của bộ đội". Chính ủy Nguyễn Ngọc Dương chia sẻ.

Rèn thể lực, sức bền mỗi ngày

Gắn bó với đơn vị và tàu ngầm nhiều năm, Thượng úy Đặng Hồng Quân, Thuyền trưởng tàu P cho biết, nhiệm vụ của thủy thủ tàu ngầm luôn đặt ra những áp lực thử thách, yêu cầu phải tập trung cao độ mới có thể vượt qua được.

Thường xuyên hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, thiếu dưỡng khí, mỗi chuyến đi biển lại rất khẩn trương, dài ngày và trong các điều kiện thời tiết, khí tượng thủy văn khác nhau nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ, những người lính tàu ngầm 196 phải tuân thủ tính kỷ luật và có tinh thần đoàn kết đặc biệt.

"Nhờ trải qua các đợt kiểm tra, sát hạch khắt khe, đã giúp chúng tôi nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là luôn duy trì sức khỏe, trạng thái tinh thần tốt nhất", Thượng úy Quân nói.

25 năm (1996-2021) xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trung đoàn Tàu ngầm 196 đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, vun đắp nên truyền thống "Đoàn kết sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm chủ trang bị, hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Theo Trung úy Trần Văn Vinh, Máy trưởng Tàu 41, bên cạnh huấn huyện chuyên sâu thì luyện tập thể lực là điều kiện tiên quyết giúp thủy thủ tàu ngầm có sức khỏe dẻo dai.

Những bài tập bắt buộc chạy ngắn 100m, hay chạy dài 3.000m được anh em khối tàu thực hiện vào các buổi sáng sớm, trong bầu không khí trong lành để tiếp nhận năng lượng cho một ngày làm việc mới. Còn buổi chiều, thủy thủ tập trung luyện tập các môn như bơi, đi cầu sóng, vòng quay trụ, bóng chuyền, bóng đá, tập thể hình…

Chia sẻ thêm về việc rèn thể lực, sức bền, Trung úy Trương Thanh Tùng, Thuyền trưởng Tàu 42 nói: "Nếu các bài tập chạy dài, bơi góp phần rèn luyện tính dẻo dai, thì các bài tập vòng quay trụ, đu quay, cầu sóng sẽ tạo sức bền, rèn luyện tiền đình, tăng sức chịu đựng sóng gió… cho anh em".

Trung tá Vũ Quảng, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 196 cho biết: Do tính chất nhiệm vụ đặc biệt, để có thể đi biển nhiều ngày và lặn nhiều giờ theo từng độ sâu khác nhau… thì công tác rèn luyện, chăm sóc sức khỏe là nội dung rất quan trọng, quyết định khả năng hoàn thành nhiệm vụ của kíp tàu.

"Căn cứ kế hoạch nhiệm vụ trong năm, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm nề nếp công tác huấn luyện, rèn luyện thể lực cho bộ đội thường xuyên, liên tục, đúng quy trình, giáo án", Trung tá Quảng nói.

Huấn luyện "cách đánh mới"

Theo Trung đoàn trưởng Trung đoàn 196 - Thượng tá Trịnh Thăng Long, trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc huấn luyện làm chủ vững chắc các loại vũ khí, trang bị hiện có và chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận các loại vũ khí trang bị mới là điều kiện để đơn vị tiếp tục phát triển.

Đồng thời, cũng đặt ra cho Trung đoàn yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, nhiều khó khăn. Song với những kinh nghiệm được tích lũy trong 25 năm xây dựng và phát triển, Trung đoàn 196 đã có nhiều giải pháp cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Thượng tá Long khẳng định, bám sát phương châm huấn luyện "cơ bản, thiết thực, vững chắc", coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu "sát nhiệm vụ, sát thực tiễn, sát vũ khí trang bị, sát đối tượng, sát chiến trường", Trung đoàn tiếp tục nghiên cứu các phương án huấn luyện theo "cách đánh mới".

Qua đó, nhằm khai thác tối đa tính năng của phương tiện, vũ khí trang bị, tham mưu cho cấp trên việc sử dụng tàu ngầm trong các trận đánh trên biển nhằm phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, huấn luyện đêm, rèn đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp có bản lĩnh, sức khỏe, trình độ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đáp ứng được nguồn nhân lực cho sự phát triển lực lượng của Quân chủng Hải quân trong quá trình xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

"Các thủy thủ trong từng khoang, từng kíp phải thật sự có được một tinh thần kỷ luật thép ở trình độ cao, tuân thủ một cách đồng bộ để đảm bảo tính thống nhất và trên hết là để đảm bảo an toàn cho chính những thủy thủ thực hiện trên tàu. Nếu chỉ một cá nhân, một mắt xích vô tổ chức, vô kỷ luật sẽ dẫn đến những sai lầm, thảm họa mà không thể có cơ hội sửa sai", Thượng tá Long chia sẻ.