Đúng 7h sáng 6/9, con gái chị Bích Ngọc (quận Bình Tân) bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học mới bằng phương thức trực tuyến. Để chuẩn bị cho con, chị đã dậy thật sớm để nấu bữa sáng, đồng thời kiểm tra lại pin điện thoại, dụng cụ học tập và phần mềm trực tuyến xem có bị trục trặc hay không. Sau đó, chị "reo hò", hối thúc con dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng để chuẩn bị học.
Được biết, bé Uyên Nhi - con gái chị Ngọc vừa tốt nghiệp tiểu học và bước vào lớp 6 trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Bình Tân).
Sau bao ngày hồi hộp chờ đợi, buổi học trực tuyến đầu tiên cũng bắt đầu. Chị Ngọc cho biết, vì con gái chị không được sử dụng điện thoại hay máy tính nên rất "gà" công nghệ. Chị phải ngồi kế bên để thi thoảng hỗ trợ cho con khi gặp sự cố, cũng nhờ vậy mà rất nhiều chuyện dở khóc dở cười trong buổi học chị được chứng kiến.
Chị kể, đến giờ học, sau khi cả lớp đăng nhập tài khoản vào ứng dụng Google Meet, cô giáo sẽ điểm danh từng bạn. Đa số học sinh đều có mặt và điểm danh đầy đủ, tuy nhiên, vẫn có học sinh "già khằng" ngồi điểm danh hộ. Cô giáo nhắc nhở thì học sinh "ngồi nhầm lớp" này thỏ thẻ "xin lỗi cô giáo, bé M.T ngủ dậy muộn, đang vệ sinh cá nhân nên phụ huynh điểm danh hộ ạ". Thế là cả lớp cười ồ lên.
Được thể, các bạn học sinh bắt đầu "nhoi" và hỏi cô giáo đủ các thứ như "con mặc đồ này học được không cô?; con dùng viết màu này được không ạ?; con cho em ngồi học cùng có được không"... Cô giáo phải quán triệt và phổ biến lại quy tắc, đồng thời yêu cầu học sinh tắt mic để buổi học bắt đầu. Chỉ khi nào cô giáo mời phát biểu mới được mở mic. Đến đây, 1001 câu hỏi của cả lớp lại tiếp tục nhao nhao "tắt mic ở chỗ nào ạ?; mở mic ra sao cô? con nhờ mẹ tắt được không..."
Chị Ngọc cho biết, sau "màn dạo đầu" khá rối thì buổi học online cũng được bắt đầu. Chị cho biết, theo quan sát thì trong 2 tiết toán đầu tiên, nhìn chung lớp học đã khá ổn định, nghiêm túc và mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Tương tự, chị Minh Thi (quận Bình Thạnh) cho biết, chị không nhịn được cười trong buổi học đầu tiên của con. Dù đã là học sinh lớp 6 (trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh) nhưng hầu hết học sinh đều đang "rất tồ", chưa chủ động, tự giác học. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh vẫn phải kè kè bên cạnh.
Sáng nay, trong lúc cô giáo đang say sưa giới thiệu môn Ngữ văn thì một bạn giơ tay xin phép đi ăn sáng. Bạn học sinh này rất lễ phép nói "Thưa cô, cho con xin đi ăn sáng một chút, vì con dậy trễ quá nên chưa kịp ăn gì. Bây giờ bụng con nó cứ kêu gào".
Cô giáo chưa kịp ý kiến thì một bạn khác cũng mở mic nói: "Thưa cô, tiện thể cho con đi vệ sinh một chút ạ …". Ngoài ra, vì sử dụng điện thoại của phụ huynh để học trực tuyến, nên trong buổi học có nhiều học sinh đã phải cắt ngang bài dạy của cô giáo, xin phép đưa điện thoại cho mẹ vì có cuộc gọi, tin nhắn đến…
Chị Thi cho biết, đó chỉ là một vài trường hợp trong khoảng 30 phút bắt đầu học trực tuyến sáng nay. Quan sát cả buổi học, chị thấy có nhiều trường hợp khác như học sinh vừa học vừa chơi game, đang học thì điện thoại hết pin nên "mất hút" 5 phút, sau đó vào giải trình và nhờ cô giảng lại…
"Thực sự, tôi thấy dạy online các thầy cô sẽ vất vả hơn rất nhiều. Đồng thời, việc học có hiệu quả hay không cũng nhờ vào sự nghiêm khắc, quan sát và quản lý lớp của giáo viên. Có thể một hai buổi đầu học sinh chưa quen nên còn lộn xộn, nhưng chắc chắn sẽ thích nghi và vận hành trơn tru" - chị Thi cho biết.
Trao đổi với Dân Việt, một giáo viên tại trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12) cho biết, trong thời gian đầu dạy trực tuyến học sinh sẽ có nhiều bỡ ngỡ, cần thời gian để thích ứng. Chính vì vậy, thầy cô sẽ phối hợp với phụ huynh động viên cũng như nhắc nhở để học sinh học online nghiêm túc. Ngoài ra, nếu có bất cứ vấn đề nào phát sinh trong quá trình học online, giáo viên sẵn sàng cùng phụ huynh tháo gỡ để học sinh được học hành một cách tốt nhất trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Sự cố phần mềm, đường truyền khi dạy trực tuyến
Cũng trong sáng nay, một số trường trên địa bàn TP.HCM dạy trực tuyến qua hệ thống K12online đã bị trục trặc nên phải chuyển qua ứng dụng khác. Do đó, buổi học đầu tiên đã có khởi đầu không suôn sẻ.
Theo học sinh Trần Mỹ Anh, học sinh lớp 10, trường THPT Trưng Vương (quận 1), trong buổi học đầu tiên đã gặp sự cố vì ứng dụng không hoạt động. "Theo thời khóa biểu thì lớp học của em bắt đầu lúc 7h15, nhưng mãi đến hơn 8h, cả lớp và giáo viên mới có thể bắt đầu. Tuy nhiên, vừa bắt đầu học thì hệ thống K12online bị ngưng, không thể tiếp tục học. Do đó, thầy cô phải chuyển lớp qua ứng dụng Zoom để học tạm".
Tương tự, tại trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cũng gặp trục trặc với hệ thống K12online. Theo một số giáo viên nhà trường, khi sử dụng hệ thống K12online để dạy học, thầy cô và học sinh phải "chật vật" mãi mới vào được. Do đó, lớp học không thể ổn định, người vào người ra liên tục. Để "chữa cháy", các giáo viên đã chuyển qua ứng dụng khác dạy tạm, đồng thời quay video bài giảng để cho những em không vào được lớp hay đường truyền không ổn định có thể xem lại.