Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có quyết định chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Mức chi hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, chi trả 1 lần cho người lao động, bắt đầu từ ngày 9/8, kết thúc vào ngày 31/12/2021.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là lao động các điểm du lịch, quán bar, vũ trường, karaoke, bida, rạp chiếu phim, game, internet công cộng, massage, thẩm mỹ, tập thể hình, thể dục dụng cụ, hồ bơi, yoga, sân bóng đá, dịch vụ ca hát tập trung đông người, bán lẻ vé số lưu động và các dịch vụ ăn, uống hàng quán (trừ hình thức bán hàng mang về)... công việc bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan thẩm quyền để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Và mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định bổ sung đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ, theo quy định tại Nghị quyết số 68 của Chính phủ.
Theo ông Từ Hoàng Ân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, đối tượng được bổ sung là lao động không giao kết hợp đồng lao động, dịch vụ tự làm không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế tại các nghề, công việc chính bị dừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, bị mất việc làm, mất thu nhập.
Trong đó, có ít nhất 11 nghề, công việc được bổ sung hỗ trợ đợt này như thu gom phế liệu, xe ôm, bán hàng rong, thợ hồ, đò dọc… “Qua rà soát ban đầu, có khoảng 52.000 người bị mất việc làm trong nhóm này. Nhóm này trước đây không nằm trong đối tượng hỗ trợ do chưa ảnh hưởng nhiều. Sau khi dịch Covid-19 kéo dài thì các đối tượng này đã bị tạm dừng việc, đời sống bị ảnh hưởng không nhỏ nên đủ điều kiện để được hỗ trợ”, ông Ân cho biết thêm.
Theo đó, mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người. Hiện Sở LĐTBXH đã triển khai chủ trương hỗ trợ đến các địa phương và rà soát lại cụ thể đối tượng. Khi có hồ sơ, đơn vị sẽ trình UBND tỉnh duyệt kinh phí hỗ trợ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trương Văn Hải (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết, ông sống bằng nghề xe ôm đã hơn 10 năm. Lúc chưa có dịch, mỗi ngày ông có nguồn thu nhập tạm đủ sống.
“Từ khi có dịch bệnh xảy ra đã hơn 2 tháng qua, nghề xe ôm tạm dừng hoạt động nên tôi mất luôn thu nhập, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nếu được nhà nước quan tâm hỗ trợ thì những người làm nghề xe ôm như tôi mừng lắm, có thêm một ít tiền để trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn vì dịch bệnh”, ông Hải bộc bạch.
Ngoài nhóm lao động tự do, lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau cho biết cũng bổ sung đối tượng hỗ trợ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020).
Anh Trần Minh Tân (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho hay, gia đình anh có 11 nhân khẩu, trong đó hiện chỉ có anh là còn đi làm, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Tôi có 2 đứa em, đứa làm thợ hồ, đứa làm công nhân, đều đã mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gia đình cũng thuộc diện cận nghèo và hiện chỉ có tôi mỗi tháng đi làm được khoảng 6 triệu đồng; nên cuộc sống gia đình rất khó khăn”, anh Tân cho biết.
Anh Tân cũng bày tỏ: “Nếu gia đình được Nhà nước hỗ trợ thì tôi rất mừng. Phần chi phí đó tuy không quá lớn, nhưng nó giúp gia đình vượt qua cảnh khốn khó trong lúc này. Tôi cũng như nhiều gia đình có lao động bị mất việc rất mong mỏi khoản tiền hỗ trợ đó”.
Theo ông Từ Hoàng Ân, các đối tượng (hộ nghèo, cận nghèo) được hỗ trợ là những người chưa hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quyết định trước đó của UBND tỉnh.
Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (50.000 đồng/ngày x 10 ngày) và được chi một lần. Qua rà soát, dự kiến nhóm này có khoảng 34.000 người.
"Trong trường hợp người lao động vừa thuộc diện được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa là hộ nghèo, cận nghèo thì sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất (tức là mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho người lao động)", ông Ân thông tin thêm.
Sau khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục từ xã và huyện, Sở LĐTBXH tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và kinh phí hỗ trợ theo quy định.