Tối 6/9, Hà Nội phát đi Công điện 20 của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn Hà Nội để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Cùng với đó, hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn Hà Nội trước ngày 15/9 trên cơ sở số vaccine được phân giao của Bộ Y tế.
Chiều 7/9, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), cho rằng việc tổng lực xét nghiệm 100% người dân toàn địa bàn là "quyết định thiếu hiệu quả và lãng phí kinh khủng".
"Việc lấy 8.000.000 mẫu xét nghiệm cả thành phố chỉ trong 6 ngày (từ 6 – 12/9) rất khó khăn bởi lấy từng mẫu một chứ không lấy gộp, khó khả thi. Thứ 2, lúc cập rập như vậy, việc xét nghiệm rất dễ xảy ra sai sót, gây gánh nặng lên ngành y tế", ông Nga chia sẻ.
Ông Nga cho rằng, Hà Nội không phải giai đoạn đầu chống dịch nữa mà dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng. Chính vì vậy, việc xét nghiệm có thể hôm nay âm tính nhưng ngày mai dương tính, rất khó đánh giá bức tranh tổng thể không thể bóc tách được F0. Nếu chủ quan có thể dịch bệnh âm thầm bùng lên, thêm nữa chi phí tốn kém như chi phí lấy mẫu xét nghiệm, bảo hộ, tiền công lấy mẫu, …
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, tốt nhất nên tiến hành tiêm vaccine chống Covid-19 cho người dân, đẩy nhanh việc tiêm chủng.
"Việc Hà Nội hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn Hà Nội trước ngày 15/9, tôi nghĩ không kịp. Việc vừa lấy mẫu vừa tiêm vaccine, lấy đâu nhân viên y tế để đáp ứng đủ, dịch còn kéo dài phải dưỡng sức. Thứ 2, không biết việc thực hiện thế nào nhưng tôi thấy đây là áp lực rất lớn cho ngành y tế", ông Nga nói.
Trái lại, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc CDC Hà Nội lại cho rằng, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch để triển khai việc xét nghiệm diện rộng cho 100% người dân trên 18 tuổi.
"TP.HCM đã thực hiện xét nghiệm toàn bộ người dân, nên việc này không phải mới mà hoàn toàn khả thi khi triển khai trên địa bàn Hà Nội", ông Việt khẳng định.
Theo ông Việt, nhân sự chính là các thành viên tự nguyện có trình độ đại học, cao đẳng trở lên và có chuyên môn y tế hoặc các ngành khác. Những người này sẽ đến từng nhà và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên và cả lấy mẫu bằng phương pháp RT-PCR.
Cụ thể, Sở Y tế đã tiến hành tập huấn cho đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, quy mô vài chục nghìn tổ trên trên toàn thành phố. Mỗi tổ từ 2- 4 người, trung bình là 3 người 1 tổ, huy động chủ yếu là lực lượng thanh niên trẻ khoẻ, có khả năng đi đến từng hộ gia đình. Đặc biệt, đội ngũ này đã được tập huấn trong 2 đêm.
"Họ đa số đều không có kinh nghiệm về y tế, lấy mẫu nên chúng tôi hướng dẫn rất kỹ. Đội ngũ này sẽ được đào tạo lấy mẫu đúng quy cách, đồng thời được đào tạo để hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà. Sở Y tế cũng đang hoàn thiện các video hướng dẫn tự lấy mẫu ở mũi để người dân có thể tự thực hiện tại nhà. Sắp tới sẽ tuyên truyền bằng hình thức video, poster…", ông Việt thông tin thêm.
Năng lực tiêm phụ thuộc vào số lượng vaccine. Thành phố đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo Nghị quyết số 21 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9 trên cơ sở số vaccine được phân, giao từ Bộ Y tế.
Cùng với đó, thành phố triển khai tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định; đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, đến nay có hơn 2,4 triệu liều vaccine được tiêm cho người trên 18 tuổi. Trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi khoảng 2 triệu và số người được tiêm 2 mũi có hơn 200 nghìn người.
Hiện tại, Bộ Y tế đã phân bổ 2,7 triệu liều vaccine trong tổng số 3,3 triệu liều. Chia sẻ về mục tiêu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên, ông Trương Quang Việt nhận định: "Mục tiêu là như vậy nhưng kết quả có đạt được hay không là phụ thuộc vào nguồn vaccine Bộ Y tế phân bổ, Hà Nội không chủ động được số lượng vaccine".
Cũng theo ông Việt, số lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ cho Hà Nội còn ít trong khi nhân sự và trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất (xe lưu động, hệ thống dây chuyền tiêm vaccine...) có thể đáp ứng được mục tiêu do Hà Nội đề ra. "Hiện tại, hệ thống nhân sự và dây chuyền tiêm vaccine của Hà Nội chưa thể hoạt động hết công suất do số lượng vaccine được phân bổ quá ít", ông Trương Quang Việt nhấn mạnh.