Tại buổi livestream tối 6/9, trả lời thắc mắc của người dân về việc nới lỏng giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ thí điểm mở lại một số dịch vụ bán thức ăn mang về ở "vùng xanh". Thông tin này khiến chủ nhiều hàng quán háo hức, mong kế hoạch sớm chính thức được triển khai.
Chị Mai - chủ một quán bún bò ở quận 3, cho biết ngay sau khi theo dõi livestream và thông tin từ các báo cập nhật, biết được TP sẽ cho mở lại dịch vụ bán thức ăn mang về ở "vùng xanh" thì rất mừng.
Quán bún bò của chị Mai tạm đóng cửa đến nay đã gần 2 tháng, khi TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị 16. Từ đó đến nay, mọi hoạt động kinh doanh hàng ngày của chị đều "đóng băng", mỗi ngày hầu như chỉ còn cập nhật tin tức về tình hình dịch.
"Nói thực, tôi đã rất nhớ khách và cũng muốn được bán trở lại. Nay nghe tin thí điểm cho bán mang về thì rất mừng. Thực ra, trước khi TP quyết định đóng cửa quán ăn vì dịch, chúng tôi cũng đã có hơn 1 tháng bán mang về. Bán mang về đúng là không được bao nhiêu nhưng ít ra còn đỡ hơn 2 tháng qua, không có một đồng", chị Mai rầu rĩ nói.
Nhiều tuyến đường tập trung nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM như đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), đường Cao Thắng (quận 3), ghi nhận của Dân Việt cho thấy, hàng quán đều đóng cửa im ỉm.
Cửa đóng then cài suốt hai tháng nay, nhiều nơi đã trả mặt bằng vì không thể cầm cự nổi.
Dù lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết sẽ thí điểm mở lại một số dịch vụ bán thức ăn mang về ở "vùng xanh", nhưng chủ nhiều hàng quán cho biết họ vẫn mong chờ các thông tin hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn, để được sớm quay lại hoạt động.
Chị Thanh Lan - chủ một quán hủ tiếu đắt khách trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh) cho hay: Nhận được tin này, tôi rất mừng nhưng chúng tôi cũng muốn có hướng dẫn cụ thể hơn, khu vực nào là vùng xanh, cách thức triển khai thế nào để chúng tôi chuẩn bị, rồi kết nối lại với nguồn cung nguyên liệu. Không phải chỉ tôi nghỉ, mà bà bán rau, bà bán thịt thời gian họ cũng nghỉ, vì chợ cũng ngưng hoạt động, đâu có bán được cho ai.
Theo chị, hàng quán ở TP.HCM có nhiều kinh nghiệm bán mang đi, kết nối với các ứng dụng công nghệ, đảm bảo an toàn trong mùa dịch nên mong sớm được bán lại. Đóng cửa suốt hai tháng, trong khi tiền mặt bằng gần chục triệu mỗi tháng vẫn phải trả khiến chị không thể nào ngủ yên.
Không chỉ chủ các hàng quán mà nhiều người dân tại TP.HCM cũng mong dịch vụ bán thức ăn mang về sớm được triển khai, nhất là trong lúc khó tìm mua thực phẩm để tự chế biến.
Anh Minh Đức (trọ tại quận 7) cho biết rất chật vật hơn 2 tháng qua vì phòng trọ chật hẹp, không đủ đồ dùng để nấu ăn. Từ trước đến nay, vì tính chất công việc, anh hầu như chỉ ăn uống bên ngoài, phòng trọ là nơi để ngủ. Từ khi dịch vụ bán thức ăn mang về đóng cửa, anh phải nấu mọi món với nồi cơm điện.
"Tôi ủng hộ việc cho phép bán thức ăn mang về, trước mắt là ở vùng xanh. Quận 7 đang kiểm soát dịch rất tốt nên tôi nghĩ có thể sớm triển khai dịch vụ này trở lại để giải quyết nhu cầu của người dân, nhất là trong lúc nhờ đi chợ hộ mất 3-4 ngày, đặt thực phẩm online cũng rất lâu mới được giao", anh Đức nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực cũng cho biết mô hình bán hàng mang đi, bán hàng qua các ứng dụng giao nhận thức ăn cũng là xu thế của thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thời gian qua, ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, tại Việt Nam cũng đã phát huy tốt cách thức kinh doanh này.
Theo ông, việc mở cửa nhà hàng, quán ăn nên theo lộ trình, bắt đầu với cho bán mang về và khi dịch được kiểm soát tốt hơn, đã có độ phủ về vaccine ngừa Covid-19, thì có thể tính đến mở cửa hàng nhà nhưng giới hạn số người bên trong, tuân thủ các quy định phòng dịch.
Tại buổi livestream, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết từ đây đến 15/9, ở vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ thay cho các hộ dân, ở vùng xanh, người dân có thể đi mua thực phẩm 1 lần/tuần và khuyến khích những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đi mua thực phẩm.
Thông tin này được đón nhận rất tích cực, nhất là tại các "vùng xanh", bởi nhiều người đang gặp khó trong vấn đề mua thực phẩm thông qua lực lượng tình nguyện ở địa phương, do địa bàn rộng, thời gian chờ lâu.
Nhiều người mong mỏi các "nới lỏng" về dịch vụ bán hàng mang đi, được đi chợ ít nhất 1 lần/tuần sớm được triển khai thực hiện, để giải quyết phần nào áp lực cho lực lượng đi chợ hộ hiện nay.