Dân Việt

Khoảnh khắc đặc biệt nơi tâm dịch của nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp

Chinh Hoàng 08/09/2021 09:13 GMT+7
Khi nhìn những em bé vừa chào đời đã phải rời xa cha mẹ, nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Thu Hằng không kìm được nước mắt. Chính vì yêu trẻ con, cô đã tình nguyện vào trung tâm H.O.P.E để chăm sóc trẻ sơ sinh có người thân nhiễm Covid.

Diễn biến của đợt dịch thứ 4 quá phức tạp, hầu hết mọi người đều phải tạm gác lại công việc thường ngày để ở nhà nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Cũng như mọi người, nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) tạm gác công việc của mình do lịch bay thưa thớt, làm một điều trước đây chưa từng làm - đăng kí vào trung tâm H.O.P.E làm bảo mẫu tình nguyện chăm sóc những em bé sơ sinh có cha mẹ là bệnh nhân F0.

Ngày sinh nhật đặc biệt

Không được gặp mẹ ruột ngay từ lúc chào đời, không được bú sữa mẹ nhưng các bé lại có được những "người mẹ" tuyệt vời là những tình nguyện viên tận tình chăm sóc.

Trò chuyện với phóng viên, Hằng cho biết, ban đầu Hằng tham gia hỗ trợ tiêm vaccine cho các điểm tại phường. Khi thấy thông báo của bệnh viện Hùng Vương tìm tình nguyện viên làm bảo mẫu cho các em bé, Hằng liền đăng kí ngay vì rất yêu trẻ con.

Nhớ lại ngay từ ngày đầu, biết được có những em bé vừa mới chào đời đã mất mẹ vì Covid-19, Hằng đã khóc rất nhiều. Các bé vào đây chưa kịp được đặt tên, và người ôm các bé vào lòng không phải là mẹ đẻ, mà là y bác sĩ và các cô ở trung tâm H.O.P.E. Mỗi bé được đánh dấu bằng thẻ kẹp ở chân. Bé lớn nhất cũng chỉ mới 20 ngày tuổi.

Khoảnh khắc đặc biệt nơi tâm dịch - Ảnh 1.

Bảo mẫu Thu Hằng đang pha sữa cho em bé. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Tôi chưa lập gia đình và cũng không có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc trẻ nhỏ, nhưng khi nghĩ đến những đứa trẻ con vừa mới chào đời phải rời xa vòng tay của ba mẹ thấy thương lắm.

Một điều khá là đặc biệt, hôm vừa rồi là sinh nhật của tôi, tôi được đón sinh nhật tuổi 26 với gần 50 bạn nhỏ chứ không phải một mình! Mặc dù không quà, không bánh như sinh nhật mọi năm nhưng với tôi, đây là một năm sinh nhật ý nghĩa.

Đón sinh nhật nhưng vẫn đầu bù, tóc rối chăm các con đó chứ. Các con đối với tôi như là một món quà tinh thần tuyệt vời nhất của năm nay", Hằng chia sẻ.

Hằng cho biết thêm, ai vào đây thì phải thật thương trẻ, chịu khó. Những lúc bé quấy khóc phải kiên nhẫn nói chuyện, vỗ về bé thường xuyên để cho bé cảm nhận được hơi ấm từ người "mẹ".

"Ở đây mỗi ngày, những khi ôm bé vào lòng, chứng kiến các bé lớn lên một chút, hôm nay bé ăn được nhiều hơn, ánh mắt bé nhanh hơn, cảm giác ấy thật thiêng liêng", Hằng nói.

Nhìn cô tiếp viên xinh đẹp độc thân, ít ai nghĩ cô có thể làm mẹ của đàn trẻ sơ sinh một cách thuần thục như vậy.

Mỗi lần nghe tin con sắp được về, Hằng kể, cô vui lắm, vì nghĩ bé sẽ được ba mẹ bù đắp thật nhiều tình cảm, nhiều yêu thương hơn.

"Phải tạm biệt các bé, ừ thì buồn thật nhưng cũng hạnh phúc vì các con đã về bên tổ ấm của mình, nơi đó có ba mẹ, có ông bà là những người sẽ dành nhiều tình yêu cho các bé nhất.

Những lúc không còn bé tôi vẫn có thói quen đổ sữa rồi quay lại "Ủa! Con không còn ở đây nữa". Tất cả các con sinh ra đã thiệt thòi rồi, vẫn tin là khi các con trải qua khó khăn như vầy thì về sau các con sẽ càng mạnh mẽ hơn. Chúc cho các con luôn khỏe mạnh bên ba mẹ", nữ tiếp viên xúc động nói.

Ba ơi, chừng nào em về?

Là ba mẹ ai chẳng thương con, chẳng mong ngóng được gặp con sau những tháng ngày phải cách ly điều trị bệnh.

"Ba ơi, chừng nào em về?" là điệp khúc được lặp đi lặp lại mỗi ngày của con gái lớn anh Nguyễn Minh Toàn trú tại quận 8.

Gia đình của anh Toàn rất đông người, vợ chồng anh không may khi cả hai đều mắc Covid-19.

Trong quá trình mang thai bé, vợ anh Toàn bị phơi nhiễm, buộc phải sang Bệnh viện Hùng Vương mổ khẩn cấp.

Sau khi mổ xong, mẹ bé được chuyển đến bệnh viện dã chiến để cách ly điều trị còn bé được chuyển qua trung tâm H.O.P.E cho các tình nguyện viên chăm sóc.

Khoảnh khắc đặc biệt nơi tâm dịch - Ảnh 2.

Người thân đến đón các bé sơ sinh tại trung tâm H.O.P.E. Ảnh: Chinh Hoàng.

Trước đó, anh Toàn cũng bị nhiễm Covid-19 nên mọi liên lạc hay những lúc mong ngóng muốn gặp con đều thông qua điện thoại.

"Người mong ngóng, nôn nao nhất, ngồi đếm từng ngày, từng giờ có lẽ là mẹ của bé. Cô ấy xót lắm vì nhớ con, tinh thần thể trạng giảm sút khá nhiều", anh Toàn nghẹn giọng kể.

Hết thời hạn cách ly tập trung cũng là lúc bệnh viện thông báo lên đón con về. Anh Toàn tức tốc lên xe ngay.

"Tôi rất hồi hộp và vui sướng, cảm giác rất khó tả. Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện, những bạn tình nguyện viên đã hết lòng giúp đỡ cho con chúng tôi trong thời gian vừa qua", anh Toàn nói.

Cũng có trường hợp tương tự giống cha con anh Toàn, song ba mẹ một bé khác phải nhờ người thân lên bệnh viện đón con do vẫn chưa hết thời hạn cách ly.

Bà Trần Kim Dân trú tại quận 8, cho biết: "Tôi là dì ruột của em bé, mẹ của cháu sau khi sinh đã được bệnh viện Hùng Vương chuyển đến bệnh viện dã chiến khoảng tầm 12 hôm, hiện bây giờ đã được bệnh viện cho về và cách ly tại nhà.

Khoảng thời gian khi bé ở bệnh viện, chúng tôi đã rất lo lắng, bố của bé tuy đã đi cách li nhưng ngày nào cũng gọi điện đến bệnh viện để hỏi thăm tình hình sức khỏe của bé".

Bà Diên kể: "Mẹ của cháu cứ khóc suốt, lo lắng, bất an nên sức khỏe không được ổn lắm. Hôm nay được đón cháu về, gia đình rất yên tâm, phải nói rằng rất vui khi nhìn thấy cháu khỏe mạnh…".

Nếu không có những người mẹ ấm áp như Thu Hằng, có lẽ các bé sẽ bị sốc vì không cảm nhận được hơi ấm tình thương ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP.HCM, các sản phụ nhiễm Covid-19 buộc phải cách ly tập trung hoặc điều trị nên trẻ bình thường đủ tháng sinh ra không có người thân chăm sóc ngày một tăng.

Đứng trước thực trạng quá tải trên, nhận được sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và lãnh đạo UBND TP.HCM, Bệnh viện Hùng Vương đã thành lập Trung tâm H.O.P.E. đón nhận các bé sơ sinh nuôi dưỡng, chờ ngày cha mẹ các bé bình phục đón về nhà.