Trong biểu lãi suất mới nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn, nhất là kỳ hạn dài trên 12 tháng. Cụ thể, với kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất chỉ còn 6%/năm, thay vì mức 6,8%/năm trước đó; lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng cũng giảm mạnh từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm.
Với tiền gửi online, TPBank cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn với mức lãi cao nhất hiện tại là 6,15%/năm cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng, giảm tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng giảm lãi suất huy động với mức 0,1 - 0,4 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, theo biểu lãi suất mới nhất, khách hàng gửi tiết kiệm tại nhà băng này kỳ hạn 1 tháng còn 2,9%/năm; 2-5 tháng còn 3%/năm; 6 tháng còn 4,3%/năm; 18 tháng là 5,6%/năm. Trong đó, kỳ hạn giảm mạnh nhất là 10-11 tháng từ 4,9%/năm giảm còn 4,5%/năm. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,8%/năm áp dụng cho khách gửi kỳ hạn 36 tháng.
Một số NH khác như Techcombank, HDBank, MB... đều điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động ở các kỳ hạn chủ chốt, với mức giảm từ 0,1 - 0,5%.
Cụ thể, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn chủ chốt, với mức giảm từ 0,25 - 0,5%. HDBank giảm từ 0,1 - 0,3% và MB giảm từ 0,2 - 0,27%...
Với nhóm "BIG 4", hai NH gồm BIDV và Agribank có mức lãi suất huy động cao nhất đã giảm nhẹ từ 5,6%/năm xuống còn 5,5%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng. Mức lãi suất này tương đồng với NH Vietcombank - thuộc nhóm lãi suất thấp nhất trong hệ thống.
Riêng Ngân hàng VietinBank, lãi suất tiết kiệm cao nhất vẫn đang giữ ở mức 5,6%/năm với khoản gửi từ 12 tháng trở lên.
Mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp.
Hiện, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng (VND) bình quân của các NHTM trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.
Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, mức lãi suất bình quân các ngân hàng đang trả cho khách hàng là 5,4 - 6,8%/năm và cao nhất tới 6,1 - 6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Ở chiều ngược lại, hiện vẫn có một số NH duy trì lãi suất huy động khá cao, trên 7%/năm. Trong đó, cao nhất là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang trả lãi suất cao nhất khoảng 7-7,3%/năm cho tiền gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 13 tháng; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) trả lãi suất cao nhất tới 7,1%/năm cho tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 12 tháng; Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) với lãi suất 7%/năm, niêm yết tại kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.
Tuy nhiên, các mức lãi suất này thường kèm theo điều kiện về số tiền gửi từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, để hưởng lãi suất 7%/năm, MSB quy định điều kiện số tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên. Tương tự, tại MBB, khách hàng muốn hưởng lãi suất 6,8%/năm phải kèm điều kiện có số tiền gửi từ 200 - 300 tỷ đồng.
Tại Techcombank, để hưởng lãi suất 7,1%/năm, khách hàng phải có khoản tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên. Trong trường hợp số tiền gửi nhỏ hơn quy định, khách hàng chỉ được nhận lãi suất là 4,4%/năm.
Một số NH TMCP tư nhân khác cũng đang duy trì mức lãi suất khá cao cho các kỳ hạn dài. Chẳng hạn SCB niêm yết lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 6,4 - 6,9%/năm. Tương tự, NamABank có mức lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng là 6,4%/năm, 7 tháng 6,5%/năm, và 12 tháng lên 6,8%/năm,... mức này tăng từ 0,4 - 0,6%/năm so với lãi suất gửi tại quầy.
Còn tại OCB, mức lãi suất cao nhất là 6,35%/năm ở tiết kiệm trực tuyến có kỳ hạn 36 tháng; 12 tháng là 6,1%/năm; 6 tháng là 5,4%/năm. Mức lãi suất này cao hơn gửi tiết kiệm tại quầy 0,2%/năm.
Dự báo về tình hình tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động những tháng cuối năm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho hay, tất cả sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
"Nếu trong tháng 9 này, tình hình kiểm soát dịch bệnh có dấu hiệu khả quan thì tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng huy động sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Còn nếu trong tháng này vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, các biện pháp giãn cách vẫn được siết chặt thì khả năng tăng trưởng tín dụng lẫn huy động sẽ chậm lại", ông Hiếu nói.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng huy động tính đến cuối tháng 7 đạt 3,99% so với đầu năm và tính đến 25/8 đạt 4,44%. Theo VDSC, lãi suất huy động thấp đang gây áp lực lên phía người gửi tiền, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu tối ưu biên NIM góp phần làm giảm nhu cầu mở rộng mạnh cơ sở huy động ở các NH.
Động lượng tăng trưởng đang được hỗ trợ bởi việc áp dụng tiền gửi trực tuyến và eKYC, vốn giúp ổn định nhu cầu gửi tiền trong điều kiện giãn cách xã hội.
Theo VDSC, các hoạt động kinh tế yếu phản ánh tốc độ lưu thông chậm đã kéo giảm độ dốc của tăng trưởng tín dụng và huy động. Kỳ vọng giai đoạn tái mở cửa với nhu cầu ít bị gián đoạn hơn và động lượng tăng trưởng tín dụng ổn định lại. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động có thể vẫn còn lệch pha trong giai đoạn sắp tới.
"Do tăng trưởng huy động ít bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn hơn so với tín dụng và dựa trên dự báo trước đó về sự thay đổi cơ cấu tiền gửi của ngành diễn ra cho đến cuối quý III, có khả năng độ dốc của xu hướng tăng trưởng huy động có thể không đủ để đạt mức trung bình của biên độ dự phóng (+10,8%)", nhóm phân tích của VDSC, dự báo.