Tình trạng tồn đọng hàng chục triệu con gà lông trắng đã đẩy giá gà chạm đáy, chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, trong khi người chăn nuôi đang rất dè dặt tái đàn.
Theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, tổng đàn gia cầm của 19 tỉnh, thành phía Nam ước đạt 154,7 triệu con, sản lượng 343.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến tổng đàn những tháng còn lại là 154 triệu con, sản lượng 171.000 tấn.
Trứng sản lượng ước đạt 3.900 triệu quả, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 2.000 triệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, do nhu cầu giảm, lưu thông hàng hóa còn khó khăn nên sản phẩm thịt gà công nghiệp lông trắng quá lứa, quá thời gian nuôi ứ đọng sản xuất dẫn đến thiếu chuồng trại để tái đàn.
Giá gà tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long rất thấp, chỉ dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 27.000 - 29.000 đồng/kg.
"Điều đáng lo ngại là 19 tỉnh, thành phía Nam đang còn 19,6 triệu con gia cầm trong chuồng, phần nhiều trong số đó đã quá lứa. Do vậy, các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ các cơ sở giết mổ phải đóng cửa do dịch được hoạt động trở lại, tăng công suất giết mổ, giải phóng đàn gia cầm để người dân tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm rất lớn những tháng cuối năm" - ông Chinh nói.
Trong khi đó, theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh gà giống đã phải giảm công suất do giá gà giảm.
"Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển dù đã có những quy định rất rõ nhưng mỗi địa phương vẫn áp dụng một cách khác nhau. Nhiều doanh nghiệp than thở do không thể vận chuyển chất độn chuồng ra khỏi chuồng, vận chuyển đệm lót, con giống mà kế hoạch tái đàn của họ bị ảnh hưởng" - ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu một thực tế.
Cũng theo ông Sơn, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội đang gặp phải tình trạng, tiêu thụ đàn gà cũ đã khó, việc vận chuyển trấu, chất độn chuồng để phục vụ lứa mới còn khó khăn hơn.
"Mọi năm thời điểm này các trang trại, người chăn nuôi đã vào đàn rộ, nhất là gà ta để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nhưng năm nay việc tái đàn rất chậm, việc tiêu thụ con giống chậm, nhiều doanh nghiệp đã chuyển trứng giống sang bán trứng thương phẩm" - ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết thêm, giá thành sản xuất một quả trứng giống gà nội lên tới 7.000 - 8.000 đồng, trong khi bán trứng thương phẩm chỉ 1.800 - 2.000 đồng/quả nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận.
Cũng theo báo cáo của Tổ công tác 970, hình thức chăn nuôi nông hộ đã giảm nhiều, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm do tâm lý của người chăn nuôi chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát, rớt giá sản phẩm, giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh hiện hữu.
Điều này có thể dẫn đến khan hiếm cục bộ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm thịt gà trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần do nhu cầu tiêu thụ tăng từ 10-20%.
Trước những khó khăn của người chăn nuôi, ông Chinh đề nghị các địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.
"Bộ NNPTNT cũng sẽ có đề xuất với Chính phủ ban hành một nghị quyết về khôi phục sản xuất, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Có thể sẽ hỗ trợ 50% con giống để nông dân có động lực tái đàn" - ông Chinh nói.