Công tác nhiều năm tại địa bàn khó khăn nhưng chưa khi nào cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, huyện Củ Chi (TPHCM) tiếp nhận học sinh trong bối cảnh đặc biệt như năm nay: Phụ huynh lớp 1 tìm trường tìm lớp, còn nhà trường đi tìm phụ huynh.
Nhiều phụ huynh không kịp nộp hồ sơ trước giãn cách, sau đó trường lại được trưng dụng làm khu cách ly nên họ không thể liên lạc được.
Cuối tháng 8, cô Phương nhận danh sách lớp 1 mới nhưng rất nhiều em hồ sơ học sinh không có số điện thoại. Để tập hợp, tổ chức được lớp, giáo viên phải liên lạc tìm cho ra phụ huynh học sinh.
Dựa vào tên tuổi, địa chỉ học sinh phụ huynh trong danh sách, cô Phương liên hệ qua xã, ấp, gọi đến từng tổ trưởng nhờ tìm phụ huynh giúp để xin số điện thoại.
Chỉ cần gọi điện thoại để nhập học
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trẻ lớp 1 nếu chưa nhập học, phụ huynh chỉ cần gọi điện đến trường, đến Phòng GD-ĐT, sẽ được hướng dẫn xác nhận xếp lớp. Phụ huynh không cần phải đến trường hay nộp giấy tờ liên quan.
Vừa liên hệ với học sinh mới, vừa điện hỏi thăm tình hình học sinh cũ, những ngày qua cô kể mình gọi hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn thì liên tục.
"Lúc này, bố mẹ có nhiều vấn đề thắc mắc về sách vở, học tập, chia sẻ khó khăn... Ai cũng muốn được chia sẻ với cô giáo. Có ngày tôi nói chuyện điện thoại gần như liên tục từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, phải hẹn phụ huynh ngày hôm sau vì sợ cháy máy mất" - cô Phương kể.
Ngày 8/9, học sinh tiểu học tại TPHCM nhập học, tuy nhiên cô Phương kể có trường hợp phụ huynh tới giờ mới liên hệ xin cho con học. Cô vừa tiếp nhận thêm 2 em mới vào lớp.
Qua đây, cô Phương càng thấy rõ việc tổ chức cho học sinh lớp 1 học online vô cùng nan giải.
Có phụ huynh đang ở khu cách ly, không thể hỗ trợ được gì cho con, cháu đang ở với ông bà. Ông bà không biết cài Zalo để trao đổi hay tải các phần mềm. Cô chỉ dẫn nhờ hàng xóm cài hộ nhưng việc sử dụng không hề dễ dàng.
Có gia đình 3 con mà chỉ có một chiếc điện thoại. Nhiều gia đình không có mạng internet, đã cắt mạng vì không có tiền đóng, phải cầm điện thoại chạy sang nhà hàng xóm đứng để "xin ké" sóng. Có gia đình không có smartphone.
Cô chủ nhiệm cũng chia sẻ, nhiều phụ huynh mất việc làm 2 - 3 tháng nay, không có tiền để mua sách giáo khoa, không có tiền để đóng bảo hiểm y tế.
Rút ngắn thời gian học online
Thời điểm này, cô Huỳnh Thị Thanh Phương chỉ mới tập trung gặp phụ huynh và học sinh trao đổi về kế hoạch học tập. Với việc dạy online, cô Phương nêu quan điểm, không thể tổ chức theo bài, theo tiết, theo buổi như chương trình học trên lớp.
Kế hoạch của cô sẽ chọn một thời điểm nào phù hợp với số đông học sinh, để các em có thể mượn được trang thiết bị để tham gia lớp học. Mỗi ngày chỉ có thể tổ chức 30 phút để trao đổi, chia sẻ các em theo chủ đề. Ngoài giờ, cô sẽ tăng cường kết nối để chỉ dẫn thêm cho các em.
"Việc học online trực tiếp với giáo viên ở tiểu học, nhất là lớp 1 chỉ là một kênh học, rất khó để xem là kênh chính. Lúc này, vai trò của phụ huynh rất quan trọng, các em phải tận dụng nhiều kênh học khác như truyền hình, qua mạng, qua người thân...", cô Phương bày tỏ.
Cố gắng tạo mọi điều cho học sinh học tập nhưng theo cô Phương, cả giáo viên và phụ huynh cùng phải giảm áp lực cho các em, điều chỉnh mục tiêu để phù hợp hơn với phương thức học tập mới.
Với học sinh lớp 1, trong bối cảnh này, cô ưu tiên giúp các em nhận biết chữ, đánh vần, khả năng đọc hiểu hơn là khả năng viết.
Học sinh lớp 1, lớp 2 chủ yếu học qua truyền hình
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 8/9 về giải pháp dạy học trực tuyến chiều 8/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết trong tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất. Riêng lớp 1 và lớp 2, dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm.
Trước mắt, giáo viên không thực hiện kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc qua truyền hình đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, học sinh TPHCM sẽ có hai tuần để làm quen, tổ chức lớp, bắt đầu từ ngày 8/9. Đến ngày 20/9, các em sẽ chính thức vào chương trình năm học mới.
Từ ngày 13/9, kênh HTVKey (HTV4, Đài truyền hình TPHCM) sẽ bắt đầu phát sóng chương trình dạy học qua truyền hình lớp 1, lớp 2, Bộ sách Chân trời sáng tạo, để học sinh có thêm kênh học tập.
Chương trình lớp 1: Phát vào thứ 2, 4, 6 vào ba khung giờ gồm 9h-10h10; 15h-16h10; 20h-21h10.
Chương trình lớp 2: Các tiết dạy sẽ phát sóng vào thứ 3, 5, 7 vào 3 khung giờ tương tự, gồm 9h-10h10; 15h-16h10; 20h-21h10.
Chương trình phát sóng mỗi ngày 2 tiết tiếng Việt, 1 tiết Toán, mỗi tiết 20 phút.
Phụ huynh, học sinh có thể xem lại chương trình đã phát trên YouTube.
*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại