Từ ngày 6/9, Hà Nội chính thức áp dụng Chỉ thị 20 khi phân chia toàn thành phố thành 3 vùng, đặt mục tiêu sớm khống chế được dịch Covid-19 và dần dần khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Công an Hà Nội ra văn bản hướng dẫn, phân cấp cụ thể về thẩm quyền cấp giấy đi đường có mã QR cho những người đủ điều kiện ra đường, thực hiện từ 6/9, xử phạt từ 8/9.
Tuy nhiên sau những rườm rà về thủ tục, cộng với việc tuy dùng mã QR nhưng vẫn đang vẫn bị "thủ công hóa" trên các khâu và chưa hiệu quả, tối 7/9, Hà Nội thông báo tiếp tục cho phép sử dụng cả giấy đi đường mẫu cũ và mẫu mới, kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì nhập hai loại giấy thành một.
"Điểm mới" trên giấy đi đường lần này là QR-Code và thành phố Hà Nội sẽ trang bị nhiều máy tính, máy in (để in giấy đi đường) và Camera quét mã (để kiểm tra giấy đi đường). Tuy nhiên từ góc nhìn chuyên môn công nghệ, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng những đầu tư này (nếu có) là cồng kềnh, lãng phí và hoàn toàn không cần thiết.
Shark Bình lý giải: "Hầu như cán bộ chiến sỹ nào tham gia chống dịch cũng sở hữu chiếc Smartphone cá nhân, có thể làm thay mọi chức năng của máy tính miễn là có một Web/App kiểm soát giấy đi đường do thành phố cung cấp.
Giấy đi đường đơn giản có thể chỉ là một mã QR-Code dưới dạng hình ảnh hoặc link gửi trực tiếp về email hoặc tin nhắn SMS hoặc Zalo về số điện thoại của người được cấp.
Thông qua App/Web kiểm soát giấy đi đường, bất kỳ cán bộ chiến sỹ nào cũng có thể dùng Smartphone cá nhân của mình để quét mã QR-Code giấy đi đường của dân và mọi thông tin về giấy đi đường được cấp sẽ hiện lên rõ. Vậy chúng ta phải tốn ngân sách mua sắm thêm máy tính, máy in với Camera để làm gì?".
Ông Bình cho rằng, đã ứng dụng công nghệ thì phải là công nghệ, và đã hành chính giấy tờ thì phải đi với hành chính giấy tờ: "Làm như vậy là đỉnh cao của 0.4 trong thời đại 4.0. Không chỉ phát sinh các chi phí trang bị máy tính, máy in, in ấn, dấu má... mà còn đổ sông biển tính tiện ích phi giấy tờ mà công nghệ mang lại; khiến cán bộ cũng vất vả (vì phải xử lý in ấn dấu má), dân càng vất vả (vì đi lại xin giấy tờ)".
Trong khi đó, ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch tập đoàn truyền thông Le, lại có góc nhìn đặc biệt về giấy đi đường mã QR-Code.
"Việc cấp giấy thông hành hoàn toàn không phải là một thủ tục hành chính mà phải là một quy trình công nghệ, kết nối dữ liệu dịch tễ, lịch sử tiêm vắc xin đối với cá nhân di chuyển hoặc căn cứ trên một quy trình đảm bảo hành trình an toàn, không tiếp xúc. Nó hoàn toàn không phụ thuộc vào nghề nghiệp, công việc của người di chuyển, lại càng không thể dựa vào chính sách ưu tiên cho nhóm này hay nhóm khác", ông Vinh nói.
"Các chuyên gia công nghệ nói rằng việc này không hề khó. Cái khó nằm ở tư duy của người nắm quyền quyết định, ở sự kết nối với cơ sở dữ liệu, ở khả năng thiết lập các quy trình di chuyển an toàn cho mỗi hoạt động kinh tế và giao thương. Năng lực của các kỹ sư IT Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những cái app như ở Trung Quốc hay Singapore, với những mã QR Code có thể đổi màu tùy thuộc vào độ an toàn của người sử dụng.
Người tương đối an toàn là người đã tiêm 1 mũi vắc xin, là người di chuyển trong vùng xanh. Người an toàn sẽ mang mã QR xanh, được phép di chuyển. Người tương đối an toàn sẽ có mã QR vàng, hạn chế di chuyển. Người không an toàn mang mã QR đỏ, chỉ có thể nằm nhà".