Ngày 4/9, Nikkei Asia - một trong những tờ báo uy tín và lâu đời nhất thế giới công bố bảng xếp hạng các quốc gia có chỉ số phục hồi cao nhất trong thời kỳ Covid-19 của 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các biên tập viên của Nikkei Asia căn cứ vào các yếu tố: (1) tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, (2) tỷ lệ tiêm vaccine cao, (3) mức độ ít trầm trọng khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Cố nhiên, đó chỉ là góc nhìn của một tòa soạn báo như từ trước tới nay vẫn có nhiều tổ chức quốc tế độc lập nghiên cứu và đánh giá các vấn đề khác. Chúng ta không việc gì lấy làm phiền lòng. Bởi vì các nước khá và giàu như Đức, Nhật, Thụy Sĩ, Australia, Kuwait, Malaysia, Nam Phi, Israel cũng nằm nửa sau bảng xếp hạng.
Chỉ số mà Nikkei đưa ra cho thấy, kết quả chống dịch, mức độ tiếp cận vaccine dường như không phụ thuộc quá lớn vào tiềm lực kinh tế. Có nghĩa là thái độ, phương pháp mới quan trọng.
Nikkei xếp hạng Trung Quốc đứng đầu bảng về chỉ số phục hồi. Ngoài hàng tỷ liều vaccine đã tiêm, Chính phủ nước này sử dụng phương pháp "vào hang bắt cọp". Bằng xét nghiệm định kỳ, thường xuyên, lập tức dựng hàng rào khoanh vùng nghiêm ngặt khi có dấu hiệu ổ dịch mới xuất hiện. Ra tay trước để chủ động, đồng thời quốc gia này cũng tích cực ứng dụng công nghệ để truy vết và xét nghiệm kịp thời nhanh chóng, hiệu quả và có tính đồng nhất cao.
Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ để truy vết và xét nghiệm kịp thời nhanh chóng, hiệu quả và có tính đồng nhất cao
Nhìn lại quá khứ một chút, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc diễn biến nhanh khiến chính quyền Trung Quốc phải quyết định phong tỏa thành phố này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định rằng, khoa học công nghệ là vũ khí mạnh nhất để con người chống lại dịch bệnh; việc nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ để ứng dụng vào công tác phòng chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ chính và cấp bách của lĩnh vực này; cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dựa trên cơ sở đảm bảo tính an toàn, khoa học để nhanh chóng vượt qua khó khăn, tạo nền tảng cho việc chiến thắng dịch bệnh.
Và rất nhanh sau đó, các công ty công nghệ Trung Quốc đã bắt tay ngay vào việc xây dựng nhiều bản đồ trực tuyến để người dân và chính phủ có thể theo dõi những vùng đang có ca nhiễm bệnh cao, từ đó khoanh vùng và kiểm soát tốt hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Baidu Maps, Auto NaVi là những ứng dụng dựa trên dữ liệu mà các công ty công nghệ đã thu thập được từ người dùng để phân tích xu hướng dịch chuyển trong nước. Các ứng dụng này còn được bổ sung thêm nhiều chức năng như cảnh báo về khu vực có người nhiễm bệnh, những phòng khám, xét nghiệm gần vị trí người dùng.
Để có thể kiểm soát đi lại của người dân nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh tế, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc ứng dụng công nghệ số để tạo ra hệ thống mã QR y tế.
Ngày 11/2/2020, chính quyền Hàng Châu tạo ra hệ thống mã QR y tế với trợ giúp của ứng dụng thanh toán trực tuyến Alipay. Để đăng ký nhận mã QR y tế, người dân cần điền tên, số căn cước, số điện thoại, và trả lời lịch sử di chuyển và tình trạng sức khỏe, theo trang South China Morning Post. Sau đó, chính quyền phối hợp với một số doanh nghiệp Big Data để đánh giá độ rủi ro của mỗi người đăng ký, và cấp cho họ mã QR mang một trong ba màu: Đỏ, vàng, hoặc xanh lá cây.
Đỉnh cao với mã QR mang một trong ba màu: Đỏ, vàng, hoặc xanh lá cây
Người có mã QR xanh được cho là không có nguy cơ mắc Covid-19 và có thể tự do di chuyển và đặt chân vào siêu thị, phương tiện giao thông công cộng, văn phòng… Nếu người dùng được hệ thống cho là có nguy cơ mắc Covid-19, hoặc từng tiếp xúc gần với F0, mã QR của họ sẽ chuyển sang màu vàng hoặc đỏ.
Người có mã QR chuyển vàng sẽ phải tự cách ly ở nhà trong 7 ngày. Người có mã đỏ sẽ phải cách ly trong 14 ngày. Ngoài ra, người có mã đỏ và vàng còn được yêu cầu đăng nhập mỗi ngày trong thời gian cách ly để mã của họ có thể chuyển xanh trở lại.
Trạng thái mã màu của người dùng sẽ được cập nhật mới lại mỗi ngày vào nửa đêm. Hệ thống xác định trạng thái của người dùng dựa trên các yếu tố như lịch sử di chuyển, thời gian ở khu vực bùng phát dịch bệnh và mối quan hệ với người có tiềm năng nhiễm virus.
Chính quyền Hàng Châu cũng cho biết mã sức khỏe của một người được xác định dựa trên 3 yếu tố: Lịch sử đi lại, thời gian nán lại vùng dịch, và mối quan hệ với người nghi nhiễm. Thông tin từ các công ty Big Data cho phép hệ thống mã QR y tế có thể truy vết địa điểm của người dùng xuống phạm vi từng quận.
Sau Hàng Châu, một số nơi cũng tạo ra hệ thống mã QR y tế thông qua Alipay, bao gồm toàn tỉnh Chiết Giang, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, và Thượng Hải. Trong khi đó, hệ thống mã QR của các tỉnh thành khác lại được phát triển nhờ hợp tác với ứng dụng trò chuyện trực tuyến WeChat.
Đồng nhất nhanh chóng các ứng dụng QR y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia
Như vậy, có thể thấy ở Trung Quốc có rất nhiều ứng dụng. Tiện nhất là ở tỉnh nào thì dùng ứng dụng của tỉnh đó. Tất cả các ứng dụng này phải thoả mãn các tiêu chí, tính năng, công năng do chính quyền trung ương quy định. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng mã QR y tế không đồng nhất.
Thế nên vào tháng 4/2020, Hệ thống nền tảng Dịch vụ Công dân Chính phủ điện tử đã lập ra bộ quy tắc chung cho mọi tỉnh, bắt buộc các ứng dụng thuộc các địa phương phải kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, gọi là National Big Data. Nghĩa là dù bạn có dùng ứng dụng nào đi chăng nữa thì đều phải kết nối với một nền tảng dữ liệu duy nhất. Và theo cơ chế này, từ đó trở đi, chính quyền địa phương cũng sẽ thông báo thông tin y tế lên nền tảng quốc gia theo cùng tiêu chuẩn.
Theo thời gian, mã QR y tế không chỉ chứa thông tin về lịch sử đi lại của người dùng mà còn bao gồm kết quả xét nghiệm Covid-19, tiền sử dịch tễ, và nơi tiêm chủng…
Theo China Daily, nền tảng mã QR y tế giúp người dân không phải khai báo y tế nhiều lần với nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Mã y tế đóng vai trò như giấy thông hành và cũng giúp người dùng biết được rủi ro lây nhiễm.
Với các cơ quan y tế, mã QR y tế cải thiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, và làm đơn giản hóa quy trình thu thập thông tin. Nền tảng này cũng giúp nhà chức trách đánh giá chính xác tình hình thực tế để đưa ra chính sách chống dịch phù hợp, kịp thời.