Trước câu hỏi: "Đội ngũ báo chí có nên dấn thân vào điểm nóng để phản ánh công cuộc chống dịch Covid-19 như ê-kíp bộ phim "Ranh giới" đã làm?", nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ với phóng viên Dân Việt rằng: "Việc trực tiếp tham gia ghi hình và thực hiện bộ phim của ê-kíp "Ranh giới" là điều nên làm. Cá nhân tôi cho rằng, đây là một bộ phim vô cùng ý nghĩa với khán giả và ngay cả những người làm báo. Qua đó, chúng ta thấy được vai trò của báo chí, trên tinh thần thiết thực, tiếp cận nhiều điểm nóng một cách chân thật nhất".
Nhận xét về phim "Ranh giới", nhà báo Trần Bá Dung bày tỏ, tuy không có một lời bình nào nhưng bộ phim đã cho thấy những lát cắt, những vất vả, hy sinh và cường độ làm việc đầy căng thẳng của các y bác sĩ.
Những câu chuyện, hình ảnh hồi hộp về cuộc điện thoại không có người nghe, hay sự khẩn trương cứu sự sống bằng hành động chuyển nhanh những chiếc bình oxy... Đó là những hình ảnh thực tế khó hình dung, không thể diễn tả bằng lời.
Thông qua những hình ảnh, câu chuyện được phối hợp nhịp nhàng giúp ta thấy được nỗi vất vả, hoàn cảnh có thể nói là khốc liệt của người thầy thuốc. Sự thật là điều luôn trần trụi, thực tế nhất.
Bộ phim không có lời bình, nhưng những hình ảnh chân thực đã gián tiếp ca ngợi những y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, nữ hộ sinh… qua những hình ảnh đầy lo âu, hồi hộp nhưng bình tĩnh, thận trọng, chu đáo trước bệnh nhân đang thở gấp, những tiếng khóc hay hình ảnh những y bác sĩ gọi điện thông báo phải ngưng thai kì để cứu sống người mẹ...
Đây là những thước phim rất chân thật mà nếu không có báo chí thì công chúng khó mà hình dung được. Do đó, tôi cho rằng, đây là những hình ảnh rất cần thiết. Những thước phim đó là sự phản ánh trần trụi nhưng không vô tình mà xuất phát từ thực tế, từ lương tri của con người, từ đạo đức nghề báo.
Trước một số ý kiến cho rằng, có yếu tố "diễn" nào trong phim "Ranh giới", nhà báo Trần Bá Dung cho biết: "Không thể phủ nhận vai trò của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trong quá trình xây dựng bộ phim, tuy nhiên câu chuyện ở đây vẫn có cốt lõi là câu chuyện thật hoàn toàn. Đạo diễn không thể sắp đặt cách làm cho các y bác sĩ, điều dưỡng viên, cũng không thể xây dựng hay điều khiển bệnh nhân.
Có chăng vai trò của người đạo diễn chỉ ở vấn đề xây dựng và lựa chọn hình ảnh trong khâu hậu kì của phim. Có thể nói, bộ phim này giống như một buổi phát sóng trực tiếp của phát thanh hay truyền hình. Những chi tiết như làm mờ hình ảnh hay che đi những chi tiết nhạy cảm là câu chuyện của nghiệp vụ nghề nghiệp. Còn những sự thật của sự kiện là vô cùng cần thiết, giúp người xem hiểu biết, chia sẻ, xúc động và đề cao những cống hiến, những quyết định khoa học, mang tính nhân văn của các cán bộ ngành y trong bệnh viện.
Chia sẻ về sự phù hợp của liều lượng phản ánh sự thật của phim "Ranh giới", nhà báo Trần Bá Dung cho rằng: "Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã hoàn thành tốt vai trò của người đạo diễn, với liều lượng phim vừa đủ, các hình ảnh, tình huống của nhân vật đều được cân đối. Những câu chuyện lo âu, xúc động, những căng thẳng, hồi hộp, kể cả nỗi buồn nghề nghiệp của thầy thuốc khi không cứu được bệnh nhân, đều nhằm mục đích cứu người... qua góc nhìn báo chí là những hình ảnh rất chân thực, nhân văn".
Với câu hỏi về những tranh cãi xoanh quanh vấn đề nhân quyền của bộ phim, nhà báo Trần Bá Dung cho rằng: "Từ góc nhìn nghề nghiệp, có thể nhận thấy ê-kíp đã thực hiện bộ phim trên tinh thần nhân đạo, trên đạo đức nghề nghiệp chứ không mang tính vụ lợi, chưa kể việc họ chấp nhận dấn thân vào nơi sinh tử cận kề gang tấc ấy. Từ góc nhìn về những quy định khi tác nghiệp báo chí, giới hạn về sử dụng hình ảnh được đảm bảo trên tinh thần nhân văn, nhân đạo, tránh ảnh hướng đến danh dự, cuộc sống của nhân vật.
Chúng ta có thể thông cảm cho đoàn phim bởi lẽ các nhân vật trong phim là những nhân vật đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, các bệnh nhân đều đang trong tình trạng nguy hiểm. Với những bệnh nhân đang cận kề ranh giới sống chết như thế mà còn hỏi là: "Chị có đồng ý cho quay phim không?" là điều không thực tế.
Chắc chắn về mặt nghiệp vụ, đoàn phim cũng đã xin phép và nhận được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện, các y bác sĩ và bệnh nhân cho việc ghi hình. Nếu không được sự đồng ý, làm sao có thể có mặt trong đó nhiều ngày và quay được các cảnh cận, thậm chí có cả các ý kiến của bác sĩ. Việc sử dụng các hình ảnh trên phim đều mang tính nhân văn và tôi cho là không làm ảnh hưởng hay tổn thương đến cuộc sống của từng nhân vật trong phim. Do đó ở góc độ làm báo, việc sử dụng hình ảnh của ê-kíp theo tôi là điều chấp nhận được".
Cần thêm những bộ phim về nguyện vọng của các y bác sĩ
Chia sẻ thêm về câu chuyện đãi ngộ của những chiến sĩ áo trắng, nhà báo Trần Bá Dung cho rằng: "Bên cạnh những hình ảnh về công việc, nỗi vất vả, căng thẳng của các y bác sĩ trong quá trình cứu sống bệnh nhân thì điều kiện, phương tiện làm việc, chính sách đãi ngộ, đời sống vật chất, tinh thần của các y bác sĩ, điều dưỡng viên cũng rất cần được quan tâm.
Trong khuôn khổ của bộ phim "Ranh giới" chưa thể phản ánh hết những câu chuyện về đời sống, gia đình hay những đãi ngộ với những chiến sĩ trên mặt trận đặc biệt này.
Nếu các bộ phim khác có thể phản ánh thêm những góc nhìn về chính sách đãi ngộ, nguyện vọng của các y bác sĩ, điều kiện, phương tiện làm việc về mặt chuyên môn, hay câu chuyện đãi ngộ với môi trường đặc biệt... là những hướng khai thác mà báo chí có thể và nên tiếp cận. Vì những người ở tuyến đầu, ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh của người bệnh, họ cần được thoải mái, đủ sức khỏe thể chất và tinh thần để cứu người khác".