Sau tiếng trống khai trường ngày 5/9, học sinh nhiều nơi trên cả nước chính thức bước vào năm học mới. Tính đến thời điểm hiện tại, học sinh đã hoàn thành xong tuần học đầu tiên, tuy nhiên, với những nơi đang phải triển khai dạy học online thì khó khăn, thử thách vẫn còn nhiều.
Nếu như học sinh học online khó khăn thì thực tế phía sau mỗi bài giảng là sự vất vả của giáo viên. Không chỉ là dạy online 35-45 phút/tiết cho học sinh mà phía sau còn rất nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.
Một giáo viên dạy lớp 1 tại trường tiểu học ở Hà Nội đã chia sẻ với PV báo Dân Việt về những vất vả của giáo viên sau 1 tuần dạy học online:
"Thực sự giáo viên dạy online vô cùng vất vả. Đầu tiên có thể kể đến là việc soạn bài. Khi học bình thường, giáo viên soạn bản trình chiếu PowerPoint sẽ đơn giản hơn, chỉ mất 30 phút vì vẫn có thời gian để dạy học sinh trực tiếp trên lớp. Khi học online, giáo viên phải mất đến 2-3 tiếng thực hiện vì học sinh chỉ nhìn hình ảnh trên màn hình, phải làm sao để trình bày bài giảng thu hút, hiệu ứng hay, đẹp, tạo sự hấp dẫn trong bài học.
Thứ hai. Khi học trên lớp, giáo viên, học sinh có thể nhìn nhau trực tiếp, tương tác bằng mắt để giáo viên nhắc nhở ngay. Thế nhưng giáo viên dạy online bây giờ chỉ ngồi trước màn hình bé xíu để theo dõi lớp. Muốn quản lý xem học sinh có làm việc riêng hay không để nhắc nhở thì phải kéo tràn màn hình và như thế thì cô lại mất bài giảng. Vì vậy, cô giáo bắt buộc phải thuộc bài giảng hoặc phải nhấn chuột liên tục.
Đó là một lớp sĩ số không quá đông, kỹ năng học tốt hơn. Còn với những học sinh bắt đầu học online hoặc có mức độ nhận thức khác nhau, trong giờ học sẽ hay làm việc riêng, nghịch ngợm, tự bật mic lên nói hoặc vô tình bật mic âm thanh tràn vào... là tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian bài giảng. Giáo viên khi đó vừa lo giảng bài vừa xử lý tắt mic cho học sinh. Hay học sinh tự ý xin cô đi uống nước, đi vệ sinh mặc dù cô đã có quy định nhưng học sinh nhỏ tuổi nên không thể quen ngay với quy định mới".
Việc phụ huynh lo lắng hơi thái quá cho con cũng là một vấn đề. Nếu như năm học trước học sinh chỉ học online sau 1 học kỳ và các em đã biết đọc thì đây là năm đầu tiên học sinh học online từ mẫu giáo lên tới lớp 1. Bố mẹ có con vào lớp 1 bình thường đã lo lắng, giờ học online càng lo lắng hơn, và thậm chí lo lắng thái quá đến mức không ủng hộ, không đồng tình, gây khó khăn cho giáo viên.
Cũng có bố mẹ cho rằng học online không hiệu quả, hại mắt không bằng thực tế. Bố mẹ cũng phải đặt câu hỏi: Bao giờ mới hết dịch? Nếu chờ đợi thì bao giờ mới đi học?... Trong hoàn cảnh hiện tại bố mẹ nên thích nghi.
Ngoài ra, bố mẹ được làm việc ở nhà nên ngồi cạnh con học cũng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của con. Con không được cô gọi thường xuyên, có thể giơ tay 10 lần nhưng chỉ được cô gọi 2, 3 lần thôi nên bố mẹ đã sốt sắng, góp ý với cô gọi con nhiều hơn. Mới 1 tuần học nhưng hàng chục bố mẹ nhắn mong cô gọi con nhiều hơn.
Thực tế một tiết dạy 35 phút, trừ 5 phút giải lao còn 30 phút. Trong thời gian này, cô giáo phải đảm bảo nội dung học và giúp học sinh hiểu bài, biết cách làm bài nhưng phụ huynh mong muốn phải gọi tất cả các con trong buổi học là điều không thể. Ai cũng muốn con gọi được nhiều vì bố mẹ đôi khi đang quen tâm lý con học mầm non được cô ưu tiên nên chưa hiểu thông cảm cho cô.
Ngoài ra, phụ huynh cũng phàn nàn về việc nhà trường đưa vào học online môn Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc vì đây là những môn không cần thiết, cần giảm tải, bỏ bớt. Ví dụ như phụ huynh thấy cả giờ đồng hồ con chỉ vẽ được vài bông hoa. Như vậy bố mẹ đang áp đặt người lớn lên trẻ con. Con có thể tự hào, khoe với bạn bè vẽ được bông hoa đó trong khi bố mẹ bảo cả giờ chỉ vẽ được vài bông hoa. Bố mẹ không nên áp đặt trẻ con vì suy nghĩ chủ quan của bố mẹ nên gây khó khăn cho cô giáo và học sinh. Những môn bố mẹ nghĩ là phụ nhưng lại giúp học sinh phát triển kỹ năng, trí tuệ cảm xúc. Nếu thời khóa biểu toàn môn Toán và Tiếng Việt sẽ khiến học sinh chán học, quá tải, không chịu được nên phải đan xen vào.
Nếu đồng hành được cùng con, bố mẹ hãy hỗ trợ để con hợp tác với cô giáo nhiều nhất thay vì phàn nàn cô giáo hay chương trinh online hiện tại. Mong bố mẹ hiểu đây là phương án an toàn nhất ở thời điểm dịch bệnh, các thầy cô giáo là những người có chuyên môn đang cố gắng vận hành giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh. Dịch nên ai cũng mệt mỏi nên cha mẹ đừng tạo nên áp lực cho giáo viên. Nếu đã đăng ký cho con vào học thì nên tin tưởng chương trình giáo dục của trường đó và tin tưởng, ủng hộ thầy cô giáo để việc học được diễn ra suôn sẻ nhất".