"Tít…tít…tít"… chuỗi âm thanh vang vọng của những chiếc máy thở liên hồi không ngớt, những bước chân vội vã chạy qua lại của y, bác sĩ để kiểm tra sinh hiệu, đặt ống thở gấp cho bệnh nhân. Những giọt mồ hôi liên tục thấm nhuần trên bộ đồ bảo hộ kín mít.
Chạy đua với tử thần
Nhân viên y tế chạy vội ôm bình oxy vào phòng cấp cứu vội vàng lắp đặt, một ê-kíp gần cả mười người vây quanh một bệnh nhân cao tuổi mắc Covid-19 đang hấp hối với chỉ số SPO2 chỉ còn dưới 50%, huyết áp tụt sâu.
Ê-kíp y, bác sĩ tích cực cấp cứu cho bệnh nhân tại Khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức Covid-19 tối 11/9. Clip: Chinh Hoàng.
"Mạch vẫn còn" được nhấn mạnh lặp đi lặp lại đến ba lần, "Tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực", "Nhanh lên, đặt lại ống nội khí quản" – lời của bác sĩ Đinh Hương Quỳnh (Khoa hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viên Nhân dân Gia Định) liên tục chỉ đạo. Ngay lập tức dụng cụ được chuyển đến bác sĩ Quỳnh cầm ống nạo đờm khai thông đường hô hấp đặt lại nội khí quản cho bệnh nhân đang khó thở…
Trong bộ đồ ướt đẫm mồ hôi, bác sĩ Quỳnh rời khỏi phòng cấp cứu, nhìn vào ánh mắt vui mừng cùng đồng đội của cô trong ê-kíp trực đó có thể hiểu rằng bệnh nhân đã được cứu sống.
Theo bác sĩ Quỳnh, đa phần những bệnh nhân nằm ở khoa cấp cứu của Bệnh viện hồi sức Covid-19 thường là những bệnh nhân tiên lượng nặng, bất cứ lúc nào cũng có thể nguy kịch đến tính mạng, bệnh nhân phải thở máy với lượng oxy áp lực rất là cao.
"Do có quá nhiều ca bệnh nặng như vậy, nếu chúng tôi không theo dõi sát sao, xử lí kịp thời bệnh nhân sẽ ngưng tim bất cứ lúc nào. Quan trọng nhất là phải theo dõi sát bệnh nhân để phát hiện ra những tình huống nguy hiểm. Tôi đã làm công việc này rất lâu rồi, phải trải qua với những tình huống nặng rất nhiều và đối với những lúc như này luôn phải chuẩn bị tinh thần trước, áp lực là điều khó thể tránh khỏi".
Bác sỹ Quỳnh cho biết, ê-kíp vừa mới cấp cứu xong một cụ già 68 tuổi cân nặng khoảng 80kg. "Bệnh nhân này thở máy 100%, oxy trong máu tụt đột ngột buộc tôi cùng ê-kíp phải rút nội khí quản ra để đặt lại cho bệnh nhân, tránh được tình trạng oxy máu quá thấp, bệnh nhân sẽ ngưng tim", bác sĩ Quỳnh nói.
Sau những phút trao đổi nhanh, bác sĩ Quỳnh nhận được thông báo có một bệnh nhân tiên lượng kém, không chần chừ đôi chân của bác sĩ lại lao vào ngay phòng cấp cứu.
Cũng là đồng đội của của bác sĩ Quỳnh trong ê-kíp trực, bác sĩ Lê Quốc Hưng (Khoa nội tim mạch Bệnh viện Thống Nhất) cho hay, anh tham gia Bệnh viện hồi sức Covid-19 tính đến nay đã được 2 tháng.
"Ở đây áp lực công việc khá lớn. Những ca bệnh tiến triển rất nặng và nhanh, tôi cùng với các anh em luôn trong tình trạng căng thẳng.
Việc phải đối mặt với những áp lực lớn như vậy không còn cách nào khác chúng tôi phải tìm cách để vượt qua. Nỗi buồn thì vẫn luôn hiện diện nhưng tôi cùng với anh em đều phải cố gắng hết sức mình điều trị cho bệnh nhân. Đó là hướng để chúng tôi cùng cố gắng tiếp tục", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Không lột tả được cảm xúc…
Vội vã trên từng bước chân, thăm khám liên tục, theo dõi sát sao bệnh nhân, thời gian nghỉ ngơi là rất ngắn ngủi. Đó là tất cả hình ảnh nơi Bệnh viện hồi sức Covid-19 mang lại.
Tại khoa hồi sức 7B, phóng viên gặp gỡ bác sĩ Trần Hữu Chinh (Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy), qua trao đổi anh cho biết, khoa này tổng số có gần 70 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Trong đó có 17 bệnh nhân phải thở máy, 24 bệnh nhân thở oxy dòng cao, còn lại là những bệnh nhân thở oxy mask. Đa số những bệnh nhân này có nguy cơ tử vong rất cao.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng được tập vật lí trị liệu đang trên đà hồi phục. Clip: Chinh Hoàng.
Hiện tại nhân lực ở đây có 16 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng và các tình nguyện viên (chủ yếu là các sơ đến từ giáo phận Sài Gòn). Tổng nhân lực khu 7B này khoảng 120 người chăm sóc cho 70 bệnh nhân mắc Covid-19.
Đối với những bệnh nhân thở máy cần phải có ít nhất 3 người chăm sóc cho nên nhân lực khá mỏng, thiếu thốn.
"Với những bệnh nhân trở nặng họ mất rất nhanh, nhiều lúc chúng tôi bàng hoàng không trở tay kịp. Nhiều bác sĩ ở đây có khi rất stress vì cứ liên tục chứng kiến những cảnh như vậy. Phải nói khi vào đây chúng tôi như được luyện tinh thần thép mỗi ngày", bác sĩ Chinh bộc bạch.
Theo bác sĩ Chinh, nhiều bác sĩ trẻ mới đến đây rất lo lắng, hoang mang khi thấy tần suất bệnh nhân mất liên tục như vậy.
"Thực sự buồn không nói nên lời, khó diễn tả được cảm xúc, nhất là trong vòng hai tháng trở lại đây rất nhiều bệnh nhân đã không qua khỏi.
Tinh thần của bệnh nhân rất quan trọng. Bình thường bệnh nhân thở máy đã mệt rồi, hiện lại cô độc không có người thân bên cạnh khiến cho tinh thần họ càng thêm bất ổn. Đây cũng là một trong những yếu tố cản trở, quyết định đến sự chuyển biến sức khỏe của bệnh nhân. Khi người ta mất đi còn có người thân ở bên tiễn đưa, trong khi trong này bệnh nhân không có ai cả, ngoài chúng tôi", bác sĩ Chinh xúc động.
Không lột tả được tình cảm của mình, nghẹn ngào đến rơi lệ cũng là cảm xúc của các điều dưỡng, bác sỹ ở đây nhưng ở một trạng thái khác: Cảm xúc của niềm vui sướng vỡ òa khi thấy các bệnh nhân nặng được hồi sức lại một cách kì diệu.
"Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Nhiều lúc chúng tôi không nghĩ rằng bệnh nhân có thể vượt qua được, càng không thể hiểu vì sao bệnh nhân lại có thể hồi sức lại vi diệu như vậy.
Nhất là khi trải qua thời gian dài điều trị, giữa sự sống và cái chết như vậy, lúc bệnh nhân được xuất viện về nhà, nói lời chia tay với mình, cảm xúc lúc đó tôi vui đến rớt nước mắt, "sướng" đến nổi không nói nên lời", chia sẻ của điều dưỡng trưởng khoa 6B Lê Hữu Trạng.
Tham gia vào khoa này khi Bệnh viện hồi sức Covid-19 mới thành lập vào ngày 14/7, anh Lê Hữu Trạng cho hay, đã rất lo lắng khi tình hình dịch bệnh của thành phố ngày càng phức tạp.
"Sống chết nó cứ liền kề nhau như vậy, mặc dù tinh thần khá hoảng loạn song chúng tôi vẫn cố gắng hết sức chăm sóc, động viên để giúp bệnh nhân nhanh chóng được hồi phục", anh Trạng nói.
Anh kể: "Vẫn nhớ như in đợt dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên, khi đó tôi có mặt tại Đà Nẵng để hỗ trợ chống dịch. Tuy nhiên đợt đó tôi còn thấy bình thường, không bằng một phần so với sự cam go, khốc liệt của đợt dịch lần thứ 4 ở Sài Gòn này…"
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, số lượng bệnh nhân nặng với những diễn biến khó lường cứ dồn dập, liên tục hàng ngày. "Chúng tôi phải nhận bệnh, chữa bệnh ngay cả thời gian ăn cơm, nghỉ ngơi có hôm cũng không có. Nhưng khi nhìn thấy một bệnh nhân không qua khỏi, lòng tôi thực sự rất đau, cảm thấy bất lực… Chỉ biết tự động viên bản thân mình cố gắng hơn nữa, cố gắng bằng tất cả sức lực còn lại của mình với mong muốn đại dịch qua nhanh, chứ người dân Sài Gòn đã chịu khổ nhiều lắm rồi", anh Trạng nghẹn lòng.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (tại một phần cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) có tổng quy mô lên đến 1.000 giường. Đây là bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng cao, mức độ nặng và nguy kịch, ngang cấp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại đây, tiếp nhận bệnh nhân từ các tầng kế cận theo mô hình "tháp điều trị 3 tầng" chuyển lên chứ không phải từ các bệnh viện dã chiến.
Tham gia điều trị ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ngoài đội ngũ y, bác sĩ tinh nhuệ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, còn có các y, bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương do Bộ Y tế cử vào từ một số sở y tế tỉnh, thành phố.