Dân Việt

Hà Nội thần tốc 2 mũi giáp công xét nghiệm và tiêm vaccine

Tiến Hưng 12/09/2021 09:56 GMT+7
Với quan điểm của lãnh đạo thành phố cũng như thực tiễn đặt ra là không thể và không nên giãn cách kéo dài, Hà Nội đang triển khai đợt thần tốc xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vaccine mũi 1 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/9.

Bắt đầu từ ngày 8/9, các quận, huyện đều đã tăng tốc để hoàn thành tiến độ đề ra. Hà Nội tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch tiêm chủng nếu có đủ vaccine, đồng thời mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành vào ngày 12/9.

Hà Nội thần tốc 2 mũi giáp công xét nghiệm và tiêm vaccine - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine vào buổi tối. Ảnh: Phú Khánh.

Số mũi tiêm trong ngày liên tục lập kỷ lục mới

Trước đợt tiêm chủng vaccine cao điểm lần này, Hà Nội đã lên kế hoạch 1.200 dây chuyền tiêm, với công suất tiêm 200.000 mũi/ngày. Để tăng tốc, với sự hỗ trợ của đội ngũ nhân viên y tế đến từ 11 tỉnh, thành cũng như huy động tối đa các lực lượng cả công lập, tư nhân trên địa bàn, từ ngày 8/9 đến 10/9, Hà Nội đã mở thêm 300 dây chuyền tiêm, nâng lên 1.500 dây chuyền tiêm. 

Đặc biệt, thành phố yêu cầu triển khai 3 ca tiêm/ngày, tức là tiêm cả buổi tối và chủ trương không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm, giảm tối đa mọi thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được tiêm chủng nhanh nhất, an toàn nhất.

Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 8/9, tốc độ tiêm vaccine đã được đẩy lên rất cao và liên tiếp thiết lập kỷ lục mới về số mũi tiêm trong ngày. Nếu như ngày 8/9 toàn thành phố tiêm được hơn 300.000 liều; ngày 9/9 tăng lên gần 330.000 liều; ngày 10/9 đã tiêm vượt 360.000 liều… Tính đến 10/9, tổng cộng thành phố đã tiêm được 3.495.145 mũi (gồm 3.131.257 mũi 1; 430.778 mũi 2), tương đương với 51,33% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng.

Muốn biết nguồn lây, bắt buộc phải xét nghiệm

Trước một số ý kiến cho rằng Hà Nội thực hiện xét nghiệm 100% toàn dân sẽ lãng phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Cần phải khẳng định một điều, muốn biết tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng thì bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. Không có cách nào khác để chúng ta ngăn chặn, phát hiện sớm nếu không xét nghiệm. Nếu không làm điều đó có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn phải có người lây nhiễm" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Tại quận Ba Đình, tính đến 17h chiều 10/9, có 3 phường đã cơ bản hoàn thành 100% số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, trừ những trường hợp có bệnh lý nền cần chuyển tiêm ở các bệnh viện. Trong đợt này, quận được phân bổ 38.900 liều vaccine VeroCell và đang triển khai tiêm. 

Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, với tốc độ tiêm đạt hơn 11.000 liều/ngày, dự kiến đến ngày 12-9 quận sẽ tiêm hết số này. Sau đó, cần thêm 25.000 liều nữa để hoàn thành 100% theo kế hoạch...

Tại quận Đống Đa, từ 8h ngày 9/9 đã triển khai ngay 21 điểm tiêm thuộc 21 phường với sự hỗ trợ từ lực lượng y tế tăng cường của tỉnh Phú Thọ. 

Với gần 86.000 liều vaccine VeroCell được cấp đợt này, quận tổ chức tuyên truyền đến nhân dân, trong đó nhấn mạnh phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” và đặt mục tiêu hoàn thành trước ngày 12/9. 

Theo kế hoạch đến 15/9, quận Đống Đa có 295.400 người trong diện tiêm vaccine. Đến chiều 10-9, quận đã tiêm được 140.168 liều, đạt 41,6%.

Tại quận Hoàn Kiếm, tích lũy đến thời điểm này đã tiêm được 85.075 liều, đạt trên 82% và dự kiến đến ngày 12/9 sẽ hoàn thành. Tại quận Long Biên, với sự hỗ trợ của đoàn y, bác sĩ tỉnh Bắc Giang, quận triển khai 123 dây chuyền tiêm và đã tiêm được hơn 31.000 liều. Về công tác xét nghiệm, đến ngày 10/9 quận đã tiến hành xét nghiệm mẫu gộp được 36.000/87.000 hộ dân và sẽ hoàn thành việc xét nghiệm ngày 12-9…

Nếu tính thêm số vaccine được tiêm bởi các viện, bệnh viện, đơn vị trên địa bàn Thủ đô, tổng số mũi tiêm ngày 10-9 của Hà Nội đạt được là hơn 400.000 liều. Hơn 66% người dân Thủ đô từ 18 tuổi trở lên, tương đương với khoảng 3,83 triệu người, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Đây là dữ liệu chính thức được trích từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia lúc 7h sáng 11/9.

Hà Nội thần tốc 2 mũi giáp công xét nghiệm và tiêm vaccine - Ảnh 3.

Người cao tuổi, người có bệnh lý nền được ưu tiên tiêm vaccine trong đợt này. Ảnh: Phú Khánh.

Cơ sở để nới lỏng giãn cách sau ngày 15/9

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để thực hiện thần tốc mục tiêu tới ngày 15/9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho người đủ điều kiện, xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch đã được UBND TP ban hành, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. 

Trong đó, thực hiện Kế hoạch số 206/KH-UBND của UBND TP, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế 11 tỉnh, thành lân cận tăng cường hỗ trợ Hà Nội chống dịch đợt này trong việc phân chia địa bàn quận, huyện, thị xã để tổ chức nhanh nhất việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng. 

Mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khoẻ nhân dân

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Hà Nội sẽ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch như thế nào sau ngày 15/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, quan điểm của thành phố cũng như thực tiễn đặt ra là không thể và không nên giãn cách mãi. Chính vì vậy, thành phố phải quyết liệt thực hiện các biện pháp giãn cách nhằm tranh thủ từng ngày để kiểm soát dịch theo từng khu vực. Việc nới lỏng giãn cách hay không, nếu nới lỏng thì nới tới đâu, thành phố sẽ căn cứ vào tình hình dịch tễ và nguy cơ của từng vùng. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân.

“Trong quá trình phối hợp, chúng tôi sẽ điều phối nhân lực y tế từ những nơi đã hoàn thành nhiệm vụ tiêm chủng, xét nghiệm sang nơi khác để bảo đảm ngày 15/9, toàn thành phố sẽ tiêm hết mũi 1 cho người dân và tiêm trả mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đủ điều kiện theo lượng vaccine được phân bổ, cũng như hoàn thành xét nghiệm diện rộng theo đúng kế hoạch của UBND TP đề ra” - bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Đánh giá chủ trương “thần tốc” tiêm phủ vaccine mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi của Hà Nội là hoạt động rất quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Hà Nội đang đi đúng hướng và triển khai rất tích cực. 

“Chúng tôi mong Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đến ngày 15-9 tiêm chủng mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi. Đây là mục tiêu rất tham vọng, nhiều địa phương khác cũng đang triển khai để đạt được mục tiêu này. Với vị trí là đầu tàu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả nước, chúng tôi kỳ vọng thành phố sẽ sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Hai mũi giáp công của Hà Nội là rất đúng đắn” - ông Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, muốn nới lỏng dần dần giãn cách xã hội, đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới thì phải tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng dập dịch một cách triệt để. Vì thế, công tác xét nghiệm rất quan trọng, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đều triển khai xét nghiệm nhanh, nhiều vòng; kinh nghiệm thực tiễn tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, hay tại quận 7, Củ Chi (TP.HCM), Cần Thơ là những bài học thực tiễn về mặt khoa học của việc phải bóc tách bằng được F0 không để lây lan ra cộng đồng.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Thành ủy, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những yêu cầu cụ thể, rõ mục tiêu, tiến độ, giám sát sát sao. Từ đó, thành phố đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng đầu là đến ngày 15-9 hoàn tất “tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vaccine được đảm bảo); thông qua đó cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đạo diễn, NSND Lê Chức: Quyết sách của Hà Nội lúc này là quyết định sinh tử

img

Đạo diễn, NSND Lê Chức.

Trong bối cảnh lúc này, mỗi người cần phải có ý thức đặt mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Với lời hiệu triệu "chống dịch như chống giặc" thì chúng ta phải hiểu, bảo vệ đất nước không chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ thống lãnh đạo chính trị mà là của toàn dân.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng lão thành, tôi hiểu mình phải tham gia chống dịch với trách nhiệm của một công dân, sau đó là trách nhiệm của một nghệ sĩ. Với tôi, mỗi mũi tiêm vaccine bây giờ cũng chính là sinh mệnh của một con người. Chính quyền thành phố đang lo cho sự sống còn của từng người dân. Đội ngũ y tế các địa phương cũng đã dồn về đây để chung sức giúp Hà Nội thực hiện chiến dịch này. Đây thực sự là một cuộc chiến và để có thể khống chế, tiến tới dập được dịch thì chắc chắn việc xét nghiệm sàng lọc, tiêm vaccine là vô cùng quan trọng.

Sáng nay tiếp tục triển khai tiêm đại trà cho người dân. Tôi nghe đồng chí Bí thư chi bộ đi gọi mọi người trong khu phố: "Bỏ hết việc lại, đi tiêm đi…". Là một công dân Hà Nội, nghe mà tôi có thể khóc vì xúc động. Câu nói đó nếu lúc cuộc sống bình thường thì có lẽ giá trị không nhiều, nhưng lúc này lại có tính quyết định rất lớn. Trong cuộc chiến chống Covid-19, trách nhiệm cuối cùng của Hà Nội là vì sức khỏe của nhân dân, lấy nhân dân làm gốc. Chúng ta cần hiểu rằng, việc có vaccine để tiêm lúc này có thể nói là một niềm hạnh phúc, không chỉ giúp bảo vệ một người mà là cả cộng đồng. Quyết tâm, quyết sách của lãnh đạo Hà Nội lúc này có thể gọi là một quyết định sinh tử vì Thủ đô - trái tim của cả nước. Hà Nội an toàn, các địa phương khác cũng sẽ an toàn. Sự đồng thuận của ý Đảng lòng dân lúc này thấy rõ hơn bao giờ hết. An Vy (Ghi)

Họa sĩ Lê Ngọc Huyền: Chúng tôi sẵn sàng chống dịch như đang trong thời chiến

img

Họa sĩ Lê Ngọc Huyền.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài 2 năm qua và bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngoài kia, các lực lượng y tế, công an, quân đội, dân phòng và các tình nguyện viên đang căng mình chống dịch. Với phương châm thực hiện 5K, mỗi gia đình là 1 pháo đài chống dịch, gia đình tôi tuân thủ các chính sách mà Chính phủ, thành phố đưa ra.

Chúng tôi sẵn sàng như thời chiến, được phát phiếu đi chợ theo ngày giờ quy định và sẽ nhanh chóng có mặt để lấy mẫu xét nghiệm khi được yêu cầu. Chủ trương xét nghiệm thần tốc toàn thành phố để sàng lọc các F0 đưa đi điều trị, tôi và các thành viên gia đình đồng lòng ủng hộ. Ai biết được khi đi chợ, siêu thị, dù rất nhanh nhưng con virus siêu nhỏ cũng có thể bám vào quần áo, khẩu trang, vật dụng đem về. Một người bệnh là cả nhà cùng bị lây, cả khu bị phong tỏa....

Trong điều kiện nguồn cung cấp vaccine còn chưa đầy đủ, dù được tiêm 1 mũi cũng phải chờ vài tuần cơ thể mới có kháng thể, dù đã tiêm hay chưa tiêm cũng không thể chủ quan vì dịch bệnh. Cá nhân tôi đã 3 lần đi xét nghiệm khi nhận được giấy báo từ tổ dân phố. Chỉ 1 thao tác nhỏ, với ý thức của người dân chắc chắn sẽ bảo vệ cuộc sống của gia đình mình. Sự hợp tác của người dân sẽ giúp cho dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi. Đây cũng là cách giúp các lực lượng chống dịch đỡ vất vả và được sớm trở về với gia đình của họ. Thanh Xuân (Ghi)