Tháng 8 âm lịch, trời đã vào thu. Nói không đâu xa, đó chính là Tết Trung thu. Nhưng nào ai đợi đến tháng 8 mới vui Tết Trung thu?
Ngay từ tháng 7 âm lịch, trong khi mọi người còn đang bận bịu lễ chùa – cúng tháng 7 dịp Vu Lan, thì một số nơi đã dựng sạp bán bánh rồi. Khắp các nẻo đường, những nơi mặt tiền đều dựng đầy các sạp, số lượng sạp càng lúc càng đông theo thời gian. Mặc dù sạp nhiều như vậy, nhưng số lượng mua chưa đông. Ai cũng chờ cả.
Ấy vì chờ bánh biếu. Tới mùa Trung thu, đâu đâu cũng biếu bánh. Từ cơ quan xí nghiệp cho đến những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ... ít nhất mỗi người lao động cũng được một hộp nho nhỏ 4 cái bánh. Đó là cái tình dành cho nhau. Cái gì cũng có thể nhịn, chứ bánh trung thu không hề thiếu.
Thành thử đợi mua biếu xong xuôi, các cửa hàng bắt đầu trưng biển "mua 1 tặng 1", "mua 1 tặng 2", nhiều người mới bắt đầu mua về ăn. Cá nhân tôi từng thấy những gia đình lao động đợi đến tận mua "1 tặng 3" mới dám mua về để con cái phá cỗ trăng rằm.
Đành rằng khắp cả nước cùng ăn Tết Trung thu, cùng biếu bánh trung thu, nhưng chỉ có Sài Gòn mới biếu bánh rầm rộ nhất. Tại sao? Vì đây là đất làm ăn, dân tứ xứ tụ họp. Theo lẽ thường, đợt Tết Nguyên đán mới biếu quà nhiều nhất. Nhưng đến Tết Nguyên đán, hết một nửa dân số về quê cả rồi, số còn lại cũng đi du lịch đâu đó vì quanh năm đã ở Sài Gòn.
Muốn hiếu kính, muốn cảm ơn vì đã giúp đỡ công ăn chuyện làm, muốn thể hiện lòng thành, thậm chí muốn có quà biếu sếp…, nhiều người xem Tết Trung thu là dịp phù hợp nhất.
Về chủng loại, có thể nói hết sức đa dạng. Truyền thống nhất vẫn là 2 loại nhân bánh: thập cẩm và đậu xanh. Có những người tuyệt đối chỉ ăn thập cẩm, cũng có những người chỉ chuộng bánh đậu xanh.
Anh bạn đồng nghiệp vốn mê bánh thập cẩm, được người ta tặng hộp bánh không rõ nhân, mang vào công ty, thắp hương thành kính vái thần tài thổ địa, pha một ấm trà ngon, nhẩn nha chờ ăn bánh. Bởi với anh, bánh trung thu mỗi năm mới được ăn một lần, nên tuyệt đối không thể ăn kiểu hấp tấp vội vàng được.
Giống kiểu người Bắc Bộ ngày xưa ăn bánh chưng vậy, Tết mới được ăn nên cũng trịnh trọng lắm. Tới hồi xẻ ra, cả bốn cái đều nhân đậu xanh, làm anh tiu nghỉu hết nguyên ngày. Cũng có người không quan trọng nhân, nhân gì cũng được, miễn sao "xí" được cái phần trứng muối bự nhất mới thích. Thậm chí, nguyên phần bánh chỉ ăn trứng chứ không ăn bánh. Có phí của giời không chứ.
Bánh trung thu đặc biệt ngon khi thưởng thức cùng chén trà. Giống như là trời sinh một cặp, có cái này không thể thiếu cái kia, cùng nâng vị cho nhau, chẳng hạn như: cà phê – thuốc lá, chè xanh – thuốc lào. Nên quả là kém tinh tế, nếu khi ăn bánh mà thiếu một ấm trà ngon.
Có các cụ lão niên ngày xưa, mời bạn thơ đến chơi cùng thắp hương, pha trà, xẻ bánh, ngắm trăng. Mỗi người phải sáng tác một bài thơ tứ tuyệt, được mọi người cùng xem là đắc ý, thì mới được ăn bánh. Nhưng kiểu chơi nho nhã quý tộc này, chắc nay cũng tiệt rồi.
Ngày nay, theo sự phát triển, bánh trung thu lại thêm nhiều loại nhân mới: mè đen, khoai môn, đậu đỏ, matcha, jambon, tiramisu, bát bửu, gà quay, vi cá...
Ngoài ra cũng phải kể đến những loại nhân từ những nguyên liệu đắt đỏ: tôm hùm, yến sào, bào ngư sốt rượu vang, cua huỳnh đế sốt Hongkong, đông trùng hạ thảo, than tre sò điệp... Nội nghe cái tên, đã cho thấy giá thành không hề rẻ, không hề dễ ăn.
Bên cạnh đó, cũng có những món bánh dành cho người ăn chay, ăn kiêng và bánh dành cho người bị tiểu đường.
Ngoài chuyện ăn cái bánh, có khi còn chơi luôn cả cái hộp. Một số cơ sở kinh doanh đặt bánh riêng để biếu, họ đặt luôn mỗi hộp bánh bằng những chất liệu sang hơn: gỗ mun, lót vải điều, vỏ hộp chạm khắc tinh xảo... Âu cũng là quà tặng, mà quà tặng càng chăm chút, càng thể hiện tấm lòng. Đó là niềm tin của họ, cũng như những hy vọng họ gửi gắm vào hộp bánh đấy.
Nói lòng vòng, vậy thế Tết của thiếu nhi ở đâu nữa? Toàn thấy người mua bánh, biếu bánh, ăn bánh. Bánh của thiếu nhi trong dịp này, có hai loại bánh rất phù hợp, đó là bánh dẻo và bánh con heo.
Bánh dẻo có bên ngoài một lớp bột dẻo, bên trong nhân đậu xanh quết mỡ, vừa ngọt vừa béo. Còn bánh con heo là loại bánh gần giống bánh trung thu nhưng làm kiểu mini theo hình dạng con heo để hút trẻ em. Mỗi hàng bánh thường bán thêm các loại này. Trẻ con, học sinh, làm gì có tiền để mua cả cái hoặc cả hộp? Cứ hai loại này mà làm tới mới vừa túi tiền.
Thôi cứ để trẻ con cứ vui cùng cái bánh dẻo, bánh con heo ấy. Lớn vội làm chi để phải tính toán từng chút mỗi khi phải mua bánh trung thu như người lớn.