Dân Việt

Đề xuất xóa lỗ với HAGL của bầu Đức gây phản ứng trái chiều, chuyên gia nói gì ?

Quốc Hải 13/09/2021 17:47 GMT+7
Lỗ lũy kế của Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) tính đến 30/6 là gần 7.372 tỷ đồng, vì thế bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) đang lấy ý kiến cổ đông về việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để giảm lỗ lũy kế với tổng giá trị gần 3.264 tỷ đồng. Liệu việc này có dễ thực hiện?

Lỗ lũy kế của HAGL bất ngờ tăng thêm 1.013 tỷ đồng

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) vừa có văn bản giải trình bổ sung các vấn đề trong BCTC bán niên 2021 đã soát xét.

Theo đó, tại báo cáo đã được soát xét của HAGL, lãi sau thuế giảm gần 10 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về còn hơn 8 tỷ đồng, chủ yếu do giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng, liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của HAGL hơn 18 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 1.155 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc thoái vốn Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã dẫn tới lỗ lũy kế của HAGL tăng thêm 1.013 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tại ngày 30/6 lên gần 7.372 tỷ đồng.

Đề xuất "xóa lỗ" với HAGL của bầu Đức gây phản ứng trái chiều, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

HAGL của bầu Đức lại tăng lỗ lũy kế thêm hơn 1.013 tỷ đồng - Ảnh: VnEconomy

Giải trình về vấn đề này, HAGL cho biết, vào ngày 8/1, HAGL Agrico đã tiến hàng Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) để hoán đổi các khoản nợ phải trả nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn hoạt động của HAGL Agrico.

Ngoài ra, cũng tại ngày này, Hội đồng quản trị (HĐQT) Agrico đã thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đoàn Nguyên Đức - đại diện của HAGL trong HAGL Agrico. Và, bầu ông Trần Bá Dương, đại diện của Thagrico trong HAGL Agrico, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Theo đó, HAGL Agrico chính thức không còn là công ty con của HAGL kể từ ngày này.

Dẫn các quy định hiện hành và Thông tư 202 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất, HAGL cho hay: "Trường hợp trước đây công ty mẹ đã thoái một phần vốn tại công ty con và đã ghi nhận kết quả từ việc thoái phần vốn đó trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bảng cân đối kế toán hợp nhất, nay thoái thêm một phần vốn đầu tư tại công ty con dẫn đến mất quyền kiểm soát thì công ty mẹ phải kết chuyển phần lãi, lỗ đã ghi nhận trước đây trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất".

Đề xuất "xóa lỗ" với HAGL của bầu Đức gây phản ứng trái chiều, chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Thặng dư vốn cổ phần mà HAGL tính dùng để xóa lỗ lũy kế - Ảnh: BCTC doanh nghiệp

Ban Tổng Giám đốc HAGL đã tiến hành rà soát các nghiệp vụ thoái vốn liên quan đến HAGL Agrico từ các năm trước đã ghi nhận vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để kết chuyển sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất tại thời điểm mất quyền kiểm soát.

Đây cũng là lý do dẫn tới lỗ lũy kế của HAGL tăng thêm 1.013 tỷ đồng theo báo cáo tài chính soát xét đã công bố.

Đề xuất "xóa lỗ" với HAGL của bầu Đức gây phản ứng trái chiều, chuyên gia nói gì? - Ảnh 4.

HAGL phải trích lập dự phòng thêm cho kỳ kế toán nửa đầu năm 2020 thêm 1.263 tỷ đồng - Ảnh: Văn bản giải trình của HAGL Group gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE.

Liên quan đến việc khoản lỗ lũy kế tăng thêm hôn 1.013 tỷ đông, HAGL mới đây đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc chốt ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để giảm lỗ lũy kế với tổng giá trị 3.264 tỷ đồng.

Nếu phương án này được thông qua, lỗ lũy kế của HAGL tại ngày 30/6 sẽ giảm còn 4.108 tỷ đồng.

Đề xuất "xóa lỗ" gặp phản ứng trái chiều, chuyên gia nói gì?

Liên quan đến đề xuất sử dụng thặng dư vốn cổ phần để giảm lỗ lũy kế với tổng giá trị gần 3.264 tỷ đồng của bầu Đức, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đánh giá việc này là không hợp lý, chưa có tiền lệ… Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư chuyên nghiệp, ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, việc này mới chỉ là đề xuất, chưa được ứng dụng trong hạch toán kế toán.

Bản thân là một chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán, giám đốc cấp cao của Chứng khoán KIS Việt Nam cũng thấy việc này không hợp lý.

Đề xuất "xóa lỗ" với HAGL của bầu Đức gây phản ứng trái chiều, chuyên gia nói gì? - Ảnh 5.

Nếu phương án "xóa lỗ" này được thông qua, lỗ lũy kế của HAGL tại ngày 30/6 sẽ giảm còn 4.108 tỷ đồng - Ảnh: HAGL

Theo ông Phương, việc này là hai vấn đề khác nhau. Thặng dư từ vốn có thể phát sinh từ việc (1) phát hành cổ phiếu mà ra, do chênh lệch giá phát hành, ví dụ mệnh giá là 10.000 đồng/CP nhưng do thời điểm tốt, DN tốt nên phát hành lúc đó giá 15.000 – 20.000 đồng/CP, thì phần dôi dư ra gọi là thặng dư phát hành vốn cổ phiếu; và (2) thặng dư do cổ tức chưa chia.

"Nếu anh Đức (bầu Đức) dự tính dùng phương án "xóa lỗ" bằng cách sử dụng thặng dư vốn cổ phần, mà sử dụng thặng dư cổ tức chưa chia thì được, nhưng cách này thì cũng phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Tài Chính, cơ quan Thuế, vì điều này thuộc về nguyên tắc hiểu kế toán", ông Phương nói.

Tuy nhiên, theo ông Phương, thặng dư do cổ tức chưa chia, trong BCTC sẽ nằm mục gần cuối, là lợi nhuận sau thuế chưa chia. Phần này có thể cộng dồn lại để cấn trừ lỗ lũy kế thì có thể được chấp nhận, tuy nhiên vẫn phải có sự chấp nhận của cơ quan quản lý.

"Phải biết rằng, lỗ lũy kế là tổng quá trình thời gian hoạt động của DN, bây giờ có một khoản từ cổ tức chưa chia từ lợi nhuận có thể cấn trừ thì được. Còn lỗ từng thời gian, từng thời kỳ thì vẫn phải làm rõ trên BCTC để nhà đầu tư nhìn thấy được hiệu quả, kết quả kinh doanh của DN từng thời điểm từng thời kỳ như thế nào, để tránh chuyện mập mờ, đánh lận khái niệm từ lỗ thành lãi hoặc từ lỗ thành hết lỗ. Cho nên, theo tôi phải làm rõ thặng dư chưa chia của DN là thế nào?", ông Phương nói.

"Thặng dư đến từ phát hành cổ phiếu thì tuyệt đối không được cộng dồn với lỗ lũy kế để cấn trừ nhau", ông Phương nhấn mạnh.

Cổ phiếu HAG tiếp tục bị duy trì diện kiểm soát

Với số lỗ lũy kế 7.372 tỷ đồng cùng với việc vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay, HAGL đã bị kiểm toán nhấn mạnh việc tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

Ngoài ra, một vấn đề đáng chú ý của HAGL là, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đang cách vốn điều lệ không còn xa.

Cụ thể, theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2021 của HAGL đã công bố, số vốn điều lệ tại thời điểm 30/6/2021 của HAGL là 9.275 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế gần 7.372 tỷ đồng.

Nếu lỗ lũy kế cao hơn vốn điều lệ, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ thuộc diện hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020-NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán…