Khoa Hồi sức tích cực 2A là khu vực "nặng nhất" tại Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 (đặt tại BV Ung bướu 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM), hiện đang điều trị cho 58 bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Các bác sĩ nơi đây đã nỗ lực cứu sống nhiều bệnh nhân. Nhưng chính các bệnh nhân được cứu sống cũng là động lực, động viên các bác sĩ tiếp tục cố gắng.
Áp lực của các bác sĩ ở nơi đây thật sự quá lớn. Nguồn BYT
Ở nơi này, mọi thứ đều trắng toát với các bệnh nhân nằm im lìm giữa những đống dây dợ lằng nhằng. Các bác sĩ hối hả chạy ngược chạy xuôi hết cấp cứu, đấm ngực, vỗ lưng lại xem xét từng chỉ số sự sống cho bệnh nhân.
Những tiếng tít tít dù đáng sợ nhưng lại giống như nhịp tim của bệnh nhân, báo hiệu sự sống để các bác sĩ tiếp tục nỗ lực.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 tại TP.HCM) đang hỗ trợ một bệnh nhân cùng với các đồng nghiệp.
Bác sĩ Linh cho biết, bệnh nhân sinh năm 2002, vào Bệnh viện Hồi sức đã được gần 1 tháng. Lúc vào viện bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải thở máy, phổi tổn thương nặng. 3 ngày thở máy và can thiệp lọc máu liên tục nhưng bệnh nhân đáp ứng kém. Thở máy chức năng cao cũng không cải thiện được, không kiểm soát được tình trạng thở.
Do đó, các bác sĩ đã quyết định đặt ECMO để cứu thanh niên còn quá trẻ này. Cho tới thời điểm đã chạy ECMO được 2 tuần. Nhiều lần bệnh nhân bị diễn biến nặng, phổi đông đặc, thận suy, nhiều đợt bội nhiễm, nhiễm trùng. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn nỗ lực hết sức, điều trị kháng sinh, lọc máu liên tục, vật lý trị liệu, kết hợp dinh dưỡng.
"Cho tới hôm nay, đánh giá về mặt lâm sàng thì bệnh nhân đã tỉnh táo hẳn, oxy máu đã cải thiện. Do đó chúng tôi quyết định rút ống khí quản để bệnh nhân không còn phải thở máy nữa. Đây là 1 trường hợp vất vả, thời gian ECMO khá dài song nỗ lực của chúng tôi đã có kết quả tốt.
Thành công này là của rất nhiều anh em ở đây, từ các chuyên khoa điều trị đến dinh dưỡng, vật lý trị liệu, các khoa vi sinh... Cho đến giờ bệnh nhân đã phục hồi tốt, khả năng sống của bệnh nhân là rất cao", bác sĩ Linh nhẹ nhõm chia sẻ.
Theo bác sĩ Linh, Bệnh viện Hồi sức hiện có 3 khu vực nặng, khu vực 2A là nặng nhất. Lúc đầu, BV chỉ dự tính có 29 phòng, mỗi phòng có 1 giường cho bệnh nhân rất nặng nhưng do dịch bệnh phức tạp số bệnh nhân nặng quá đông nên giờ mỗi phòng phải kê 2 giường. Hiện khu vực 2A đang điều trị cho 58 bệnh nhân Covid-19.
Còn 2 khu vực khác của ICU là khu vực 1 (có 20 bệnh nhân) và 2B (có hơn 40 bệnh nhân Covid-19 nặng). Bác sĩ Linh cho biết, các bệnh nhân ở khu vực 1 và 2B đều nặng, phải thở máy, không có ca làm ECMO như khu vực 2A.
Về nhân lực y tế tại BV Hồi sức, bác sĩ Linh cho biết, nhân lực chủ yếu là nhân viên y tế BV Chợ Rẫy, ngoài ra còn có nhiều sự hỗ trợ của nhân viên y tế các BV trung ương khác như BV Nhi Trung ương, BV K, BV E, các bệnh viện từ Hải Phòng, Thanh Hóa..., BV 115, BV Tim TP.HCM, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM...
"Anh em ở đây làm ngày làm đêm. Thực sự là chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều trường hợp tử vong. Nhiều lúc cảm thấy mình bất lực.
Chính những trường hợp bệnh nhân cứu được là động lực, vực dậy tinh thần cho anh em để tiếp tục gắng sức...".
Bác sĩ Trần Thanh Linh
"Rất nhiều nhân lực y tế đã đổ về đây mới có thể vận hành được một BV Hồi sức Covid-19 1.000 giường này. Nguồn nhân lực chính là điều đau đầu của chúng tôi để vận hành được BV. Có lẽ tất cả các BV Hồi sức khác cũng đang trong tình trạng như vậy", bác sĩ Linh chia sẻ.
Theo bác sĩ Linh, ngoài điều trị Covid-19, tại BV cũng đã tiến hành nhiều ca mổ cấp cứu cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng lại gặp các chứng bệnh khác. Trong đó có 3 ca mổ cấp cứu đã được thực hiện tại BV Hồi sức, một ca khá nặng phải cắt ruột vì bị u đại tràng. Bệnh nhân này hiện đang có dấu hiệu cải thiện.
Tại BV Hồi sức, có 10 trường hợp thai phụ và sản phụ vừa sinh bị Covid-19 nặng. Đây là các bệnh nhân chuyển từ BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Thủ Đức, BV Trưng Vương. Các bệnh nhân bị Covid-19 trên nền thai kỳ rất nặng, diễn biến suy phổi nhanh. Nhiều trường hợp ảnh hưởng đến thai nhi. Đã có trường hợp cố gắng cứu mẹ đành phải chấp nhận thai nhi bị ảnh hướng.
"Tuy nhiên đến nay, chúng tôi đã cứu được rất nhiều trường hợp thai phụ mắc Covid-19 nặng, có trường hợp cứu được cả mẹ lẫn con. Những trường hợp này là động lực để đội ngũ bác sĩ tiếp tục cố gắng", bác sĩ Linh tâm sự.