Dân Việt

Bệnh nhân lao có nên tiêm vaccine Covid-19 không?

PV 25/11/2021 19:00 GMT+7
Nhiều bệnh nhân lao lo lắng không dám đi tiêm phòng Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, bệnh nhân lao tiêm phòng vaccine Covid-19 sẽ càng được bảo vệ hơn.

Theo bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân lao (lao nhậy cảm với thuốc và lao kháng thuốc) nên được tiêm vaccine Covid-19. Cũng giống như các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp nặng, có tổn thương ở phổi, bệnh nhân lao có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc Covid-19.

Vaccine-19 không chứa virus sống, hay nói một cách khác, chỉ chứa một phần protein gai (ở hầu hết các loại vaccine) hoặc virus đã chết (hay còn gọi là virrus bất hoạt, ở vaccine Sinovac và Sinopharm), do đó không thể gây bệnh cho người được tiêm.

Bệnh nhân lao tiêm vaccine Covid-19 có thể gặp tác dụng phụ như những người không mắc bệnh lao. Phần lớn đây là các tác dụng phụ nhẹ và sẽ hết sau 1-2 ngày. Đồng thời, bệnh nhân lao cần tiếp tục uống thuốc điều trị bệnh lao như kế hoạch.

Bệnh nhân lao có nên tiêm vaccine Covid-19 không? - Ảnh 1.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống lao 8 tháng đầu năm và kế hoạch cuối năm 2021 mới đây, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cũng nhấn mạnh, cần khuyến khích 100% bệnh nhân lao đang điều trị tiêm vaccine Covid-19; đồng thời đảm bảo quá trình điều trị của bệnh nhân không bị ngắt quãng, cung cấp đủ thuốc chống lao cho 100% bệnh nhân lao đang điều trị (bao gồm cả bệnh nhân mắc Covid-19 hoặc đang trong khu cách ly). Thực hiện giám sát việc uống thuốc đều đặn của bệnh nhân bằng nhiều hình thức phù hợp (gọi điện, nhắn tin, nhóm Zalo…); phối hợp với bác sĩ đang điều trị Covid-19 cho bệnh nhân về khả năng kết hợp điều trị.

Đẩy mạnh hoạt động sàng lọc chủ động tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế trong hệ thống sau khi kết thúc làn sóng thứ 4 của Covid-19: kết hợp với phát hiện lao tiềm ẩn, đẩy mạnh sử dụng xe X quang lưu động; hẹn bệnh nhân đến khám theo giờ, không quá 20-30 người/lần (tối đa 150 người/ngày), có thể kéo dài ngày thực hiện từng chiến dịch.

Chương trình khuyến khích lồng ghép sàng lọc lao bằng chiến lược 2X đối với những bệnh nhân đến cơ sở y tế sau khi sàng lọc Covid-19; tiếp tục duy trì Bệnh viện an toàn ứng phó COVID-19, an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế thông qua thực hành các quy trình chuẩn về chuyên môn và quản lý; song song với tăng cường các công tác phòng chống lao tại các tuyến.

Hiện tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 85,5%. Tỷ lệ điều trị thành công là 92%, đạt mục tiêu Chương trình Chống lao quốc gia đã đề ra là trên 90%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Nam Định (95,2%), Kon Tum (96,4%) và đặc biệt là Hậu Giang (99,1%).