Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ Việt nhận được sự quan tâm của công chúng trong thời gian qua. Zing đã trao đổi với các nghệ sĩ về chủ đề này.
Chia sẻ với Zing, nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc cho rằng những quy định trong dự thảo bộ quy tắc ứng xử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa đủ tính răn đe. Theo anh, Bộ cần có các biện pháp xử lý với những trường hợp sai phạm để thanh lọc giới nghệ sĩ.
"Người nổi tiếng có sự ảnh hưởng và tác động nhiều tới xã hội. Ai làm sai cần phải bị xử nặng. Không nên để nghệ sĩ chân chính, hoạt động nghiêm túc bị ảnh hưởng bởi những con sâu làm rầu nồi canh", nghệ sĩ chia sẻ.
Nhìn lại giới showbiz thời gian qua, Tiểu Bảo Quốc cho biết anh thấy buồn. Anh cảm thấy thế hệ một bộ phận nghệ sĩ trẻ đang có biểu hiện tự cao, tự đại. Họ thành công chỉ qua một vài game show, tưởng mình trở thành nghệ sĩ và được gắn danh xưng "ông hoàng", "bà chúa".
"Đôi khi tôi khuyên các em phải tập kịch kỹ lưỡng nhưng họ không nghe, ngồi bấm điện thoại. Họ diễn ào ào, miễn làm khán giả cười là được. Họ thiếu ý thức rèn luyện nghề", anh kể.
Nghệ sĩ Tiểu Bảo Quốc cho rằng chính sự dễ dãi đó khiến một bộ phận nghệ sĩ trẻ thiếu ý thức trau dồi nghề nghiệp, tôn trọng khán giả. "Họ lên mạng cãi tay đôi với khán giả, kéo cả đội quân đến dọa khán giả.
Đó là hành xử giang hồ, nghệ sĩ chân chính không ai làm thế. Nghệ sĩ phải coi trọng khán giả. Nếu khán giả khen thì cảm ơn, khán giả chê mình rút kinh nghiệm", anh nhấn mạnh.
Theo anh, game show chỉ là trò chơi, còn nghệ thuật cao cả, sân khấu là thánh đường. Để kiếm tiền, một số nghệ sĩ sẵn sàng tham gia game show và không ngại tự làm xấu mình, kể tật xấu của đồng nghiệp, mang chuyện đời tư, phẫu thuật thẩm mỹ lên sóng truyền hình. Tiểu Bảo Quốc cho rằng đó là cách nghệ sĩ vạch áo cho người xem lưng.
"Mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Nghệ sĩ lên mạng rất nhiều nhưng chủ yếu khoe của, khoe con và không ngại phản ứng với khán giả. Nhưng tôi thấy họ lại ít quan tâm đến tình hình đất nước, quốc tế. Thử hỏi có nghệ sĩ nào biết Hiệp định xuyên Thái Bình Dương là gì không? Tôi nghĩ chắc ít người biết", Tiểu Bảo Quốc nói thêm.
Thời gian qua ồn ào chuyện nghệ sĩ từ thiện và chuyện minh bạch từ thiện. Theo quan điểm của Tiểu Bảo Quốc, nghệ sĩ có tấm lòng hướng thiện, yêu thương. Nhưng khi đã kêu gọi số tiền lớn, nghệ sĩ hay bất cứ ai cũng dễ nảy sinh lòng tham. Khán giả yêu cầu sao kê, minh bạch là hoàn toàn đúng. Vì vậy, theo anh, để minh bạch, nghệ sĩ cần hành động chuyên nghiệp hơn.
"Tôi nghĩ ai kêu gọi đóng góp nên làm theo mô hình của nước ngoài. Cụ thể nghệ sĩ kêu gọi, tiền gửi vào tài khoản của một tổ chức. Tổ chức chuyên nghiệp đó sẽ thực hiện hoạt động thiện nguyện kèm theo việc sao kê, nghiệm thu, minh bạch", anh nói.
Nói về những nội dung của bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ, Quyền Linh cho rằng đó là những quy định về đạo đức, hành xử. Theo anh, nghệ sĩ hay bất cứ công dân Việt Nam nào trước tiên phải sống đúng và tuân thủ pháp luật.
"Người nghệ sĩ chân chính ai cũng ý thức giữ hình ảnh, trau dồi nghề nghiệp và tôn trọng khán giả. Còn ai làm sai tất nhiên phải chịu hậu quả", anh nói.
Hồng Ánh đánh giá cao mục đích của Bộ Văn hóa khi thực hiện bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ. Nữ diễn viên cho rằng bộ quy tắc ứng xử cần hướng đến xây dựng hình tượng người nghệ sĩ văn minh, hiện đại, vừa không triệt tiêu tính sáng tạo của từng cá nhân.
Xét ở khía cạnh đạo đức, xã hội, những quy tắc trong bộ ứng xử, cô cho hay không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ mà còn đối với những người dân bình thường.
Theo Hồng Ánh, đối với nghệ sĩ, "bản án" lớn nhất dành cho họ là sự thanh lọc, tẩy chay của khán giả. Vì thế, mỗi nghệ sĩ cần phải tự xây dựng ý thức, trách nhiệm, hành vi của mình dựa trên hiến pháp, pháp luật và tạo ra sự đóng góp cho xã hội.