Theo báo cáo Tổng quan về chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, tỷ lệ các công ty nông nghiệp đang quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số còn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu xoay quanh các vấn đề về thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hay tài chính… và những vấn đề này cần được giải quyết để tiến hành quá trình số hóa nông nghiệp, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái và chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 vừa qua, các chuyên gia nông nghiệp đã chỉ ra rằng, trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã có nhiều tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Đặc biệt, hiện nay, các ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Nông dân không thể bán sản phẩm của họ trong khi người tiêu dùng ở các tỉnh phía Nam cũng đang rất khó khăn để có thể mua được thực phẩm. Nghịch lý này ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và kết quả là một số nơi đang phải đóng cửa cả chợ và các cửa hàng bán lẻ.
Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đang làm chậm trễ và gián đoạn các dịch vụ vận tải và hậu cần. Việc đóng cửa các biên giới cũng như các thủ tục kiểm tra dẫn đến việc tắc nghẽn và làm chậm trễ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển các hàng hóa dễ hư hỏng.
Dước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số trong ngành phải được diễn ra nhanh chóng và quyết liệt.
Ông Kohei Sakata, Giám đốc Bộ phận Nông nghiệp Kỹ thuật số khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer đánh giá: "Hiện đã có nhiều giải pháp về canh tác kỹ thuật số trên thị trường, tuy nhiên, hầu hết không phù hợp cho nông hộ nhỏ. Thách thức lớn nhất của nông hộ nhỏ Việt Nam và các quốc gia châu Á là chuỗi giá trị bị phá vỡ, nông dân không thể nắm bắt giá trị mà họ tạo ra. Chẳng hạn, nông hộ nhỏ có thể cải thiện năng suất, chất lượng thu hoạch bằng cách dùng máy bay không người lái, dự báo dịch bệnh. Tuy nhiên, vì không thể đàm phán với thương lái thu mua sản phẩm, nên nông dân không có đầy đủ giá trị thành quả".
Một thực tế hiện nay là nông dân khó tiếp xúc và thích ứng với các ứng dụng công nghệ. Các nhà đầu tư, các cơ quan ban ngành cần đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo nông dân và hỗ trợ cho họ những công cụ cần thiết. Chưa kể, cơ sở hạ tầng về kho bãi và công nghệ chế biến của Việt Nam còn khá lạc hậu, chúng ta cần tập trung chế biến sâu để gia nhập thị trường toàn cầu và nâng cao giá trị sản phẩm nuôi trồng. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp thúc đẩy công tác quản lý dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, khi muốn định hướng lại thị trường, Việt Nam cần phải thay đổi phương thức sản xuất để phù hợp hơn ở thị trường mới.
"Nông nghiệp kỹ thuật số không phải là sản phẩm cuối cùng mà nó là quá trình sản xuất liên tục, và để đáp ứng xu thế đó, chúng ta cần phải chủ động, tích cực để tiếp cận và tối ưu hóa những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là nguồn cảm hứng, là động lực,… để tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp phát triển của Việt Nam", ông Kohei Sakata chia sẻ.
Với hy vọng hỗ trợ cho nông dân Việt Nam vượt qua khó khăn do biến đổi khí hậu, Covid-19 và thúc đẩy phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, Bayer Việt Nam đã và đang phát triển các dự án kỹ thuật số khác nhau như: myAgrolink; Airfarm và đã mang lại những hiệu quả rõ nét.
Chẳng hạn, với myAgrolink - ứng dụng công nghệ trực tuyến 4.0 duy nhất tại Việt Nam giúp kết nối nông dân với các nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp uy tín. myAgrolink hứa hẹn mang đến 4 lợi ích hàng đầu cho những người hoạt động trong ngành nông nghiệp như: Tiết kiệm thời gian, kết nối dễ dàng, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Theo đó, chỉ với một chiếc điện thoại di động có kết nối mạng, các nông hộ nhỏ giờ đây có thể tiếp cận vô số thông tin trong lòng bàn tay.
Hoặc, Airfarm - một dự án canh tác kỹ thuật số giúp kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp. Nền tảng này giúp nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp cải thiện chất lượng cây trồng của họ thông qua ứng dụng canh tác tiên tiến như dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái hay phân tích và dự đoán. Airfarm cũng cung cấp nhiều loại hoặc sản phẩm và dịch vụ, chẳng hạn như đào tạo trực tuyến, phần mềm quản lý trang trại, ứng dụng phun làm dịch vụ, tư vấn kỹ thuật số và thị trường. Hiện tại, Airfarm đang hoạt động chủ yếu tại 4 địa phương là Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Ông Kohei Sakata chia sẻ: "Bayer xây dựng giải pháp lấy con người làm trọng tâm và phát triển trải nghiệm khách hàng để hoàn thiện ứng dụng kỹ thuật số cho nông hộ nhỏ. Chúng tôi đang cố gắng kết hợp giữa chuyên môn chính và cách tiếp cận tư duy lấy con người làm trọng tâm Bayer cũng đang chủ động tìm kiếm và thiết lập quan hệ với các đối tác để cùng nhau chúng ta có thể giải quyết những vấn đề khó khăn của nông dân. Chúng tôi sẽ mở rộng thêm quan hệ đối tác với các bên có liên quan trong hệ sinh thái của chuỗi giá trị để đạt được cam kết bền vững là hỗ trợ cho 100 triệu nông hộ nhỏ vào năm 2030".