- "Ngày con chào đời" đặc biệt hơn là bởi, nếu "Ranh giới" nhịp phim gấp gáp, dồn dập, nghẹt thở… khi các y bác sĩ cứu chữa cho bệnh nhân thì ở "Ngày con chào đời" sẽ chậm rãi và tươi mới hơn. Phim loé lên một sức sống mới, niềm vui mới khi thấy những em bé chào đời, trở về với gia đình.
Trong phim, chúng ta vẫn nhìn thấy sự khốc liệt của dịch Covid-19 ở vùng tâm dịch. Đó là hành trình mang song thai của bà mẹ trẻ và quyết định phải mổ con sớm hơn dự kiến. Đó là câu chuyện chia ly của một người mẹ khác đã hơn nửa tháng chưa được gặp con từ khi mới sinh. Đó là sự xót xa day dứt của một người mẹ phải đổ bỏ đi những giọt sữa mẹ quý giá mà không thể dành nó cho đứa con bé nhỏ của mình... . Tuy nhiên, trong sự chia ly ấy, sự yêu thương vẫn hiện diện khắp nơi.
Ở phòng chăm sóc đặc biệt, các cháu bé sẽ được các y bác sĩ thay người thân chăm sóc. Những "bà mẹ áo trắng" chăm bẵm cho các con từng bình sữa, thay tã bỉm, vuốt ve, vỗ về… mỗi ngày. Cho đến khi các con đã thực sự khoẻ mạnh, an toàn thì người thân lại đến đón các con về nhà chăm sóc. Đón con về rồi thì chờ mẹ khỏi bệnh để về nhà cùng đoàn tụ.
Bộ phim là sự tiếp nối của "Ranh giới" để thấy được một sức sống mãnh liệt từ những đau thương. Nếu áp vào câu của nhà văn Nguyễn Khải: "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, gian khổ. Ở đời này, không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy" thì chúng ta thấy rất rõ sự nảy mầm, đơm chồi của hạnh phúc.
Trước khi làm "Ranh giới", tôi có làm phim về thai phụ mắc Covid-19. Và từ những thước phim này đã làm cho tôi có những suy nghĩ về cuộc sống như một vòng luân hồi. Ai cũng không thể tránh được khỏi sinh, bệnh, tử. Trong đại dịch này, sự sinh tử càng mong manh hơn bao giờ hết… nhưng không có nghĩa là sự sống sẽ đến đường cùng mà vẫn có sinh ra. Đó là lí do vì sao tôi chọn đề tài về các thai phụ và các em bé để làm tiếp mạch phim về vùng tâm dịch.
- Đó là một sự khắc nghiệt, một khía cạnh khốc liệt của "cuộc chiến" chống dịch. Trong khi nguồn sữa mẹ rất quý với những em bé chào đời thì trong phim chúng ta sẽ thấy các mẹ phải vắt sữa đổ đi, còn con mình phải uống sữa bột. Vì sữa mẹ mang mầm bệnh nên không thể cho các con ăn được. Đó là sự thiệt thòi của những đứa trẻ sinh ra trong thời dịch. Lúc sinh ra đã không được bố mẹ kề bên ẵm bồng, chăm sóc, đến giọt sữa của mẹ cũng không được ăn.
Phải nói thêm rằng, phim không chỉ ghi hình ở khu K1 mà bối cảnh phim còn được mở rộng ở khoa Sơ sinh của Bệnh viện Hùng Vương. Nơi đây, chúng tôi cũng cảm nhận được tình yêu thương rộng lớn và vô bờ bến của các y bác sỹ dành cho các em bé.
- Ám ảnh thì rất nhiều. Nhưng tôi tiếc là chúng tôi đã không thể đi được đến tận cùng câu chuyện. Những mất mát, đau thương đến với các gia đình khi đưa lên phim có thể nói được rất nhiều điều. Có những nhân vật chúng tôi đang làm thì chứng kiến sự đau thương và mất mát của họ quá lớn nên buộc phải bỏ dở câu chuyện.
- Tất nhiên, nhân vô thập toàn, mọi việc khó mà tròn trịa được. Lúc đầu mình tính sẽ thực hiện đến tận cùng thì sẽ được 10 phần trọn vẹn nhưng vì sự việc như thế nên chỉ cố gắng được đến 8 phần thôi. Và như thế thì mình cũng buộc phải bằng lòng chứ không thể khác được. Vì phim buộc phải ra đúng thời điểm để chuyển tải tính thời sự mà chậm quá là không được. Bình thường, nếu có thời gian thì chúng tôi sẽ ở lại để tìm nhân vật khác và câu chuyện khác.
- Tôi muốn gửi gắm rằng, mặc dù dịch bệnh căng thẳng nhưng những đứa trẻ vẫn được sinh ra. Nghĩa là những mầm chồi mới của sự sống vẫn phải tiếp tục nảy nở và sinh sôi. Nhưng chúng ta cũng thấy, những đứa trẻ sinh ra trong thời điểm này phải chịu rất nhiều thiệt thòi ngay khi mới chào đời.
Dẫu vậy, các con vẫn được chở che, bao bọc bởi nhiều sự yêu thương. Các con thiếu giọt sữa của mẹ thì cũng đã có giọt sữa tràn đầy sự yêu thương của các y bác sĩ. Các con thiếu hơi ấm của người thân thì cũng có những vòng tay ôm chặt của những người mẹ áo trắng khác.
Những giọt nước mắt của bố, mẹ khi nhìn thấy các con là những giọt nước mắt hạnh phúc. Sự chia lìa, khoảng cách chỉ là tạm thời và sau đó các con vẫn được trở về với người thân của mình. Tiếng khóc của trẻ thơ cũng là tiếng cười hạnh phúc của người lớn.
Thông qua bộ phim, chúng ta sẽ thấy sức sống mãnh liệt vẫn luôn trỗi dậy trong mọi hoàn cảnh. Nó sẽ là thứ sức mạnh để mọi người mạnh mẽ hơn khi vượt qua dịch bệnh. Nó sẽ đưa con người ta đến gần nhau hơn. Qua đó, chúng ta cũng sẽ thấy được tinh thần kiên cường của người Việt. Càng trong gian khó, càng trong đau thương thì tinh thần yêu thương lại càng mạnh mẽ, càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết.
- Thực ra, khi tôi vào trong vùng tâm dịch thì có rất nhiều khía cạnh có thể tuyên truyền để nói về sự khắc nghiệt của dịch bệnh. Bản thân tôi thì muốn làm rất nhiều nhưng trong điều kiện đặc biệt này không phải muốn là được.
Bên cạnh đó, như chúng ta cũng thấy là phim buộc phải đáp ứng được yêu cầu hoàn thành sớm nhất để phát sóng đúng thời điểm, nhằm đạt được hiệu quả tuyên truyền. Do đó, tôi mới ra sớm để hoàn thành hai bộ phim "Ranh giới" và "Ngày con chào đời" cho kịp thời hạn phát sóng.
Mai mốt, nếu dịch bệnh vẫn còn khốc liệt và yêu cầu tuyên truyền vẫn đòi hỏi phải có những phim tài liệu như thế thì chúng tôi lại lên đường trở lại tâm dịch. Đó là sứ mệnh của một phóng viên rồi, không thể nào thay đổi.