Dân Việt

Tràn lan nhà rao bán cắt lỗ, thực hay ảo?

Quốc Hải 20/09/2021 19:57 GMT+7
Để thu hút sự chú ý của người mua, không ít nhân viên môi giới dùng chiêu bài quảng cáo, rao bán "cắt lỗ" bất động sản. Vì thế, theo các chuyên gia, người có nhu cầu mua nhà ở thực thời điểm này cần tìm hiểu kỹ trước những thông tin rao bán như vậy.

Nở rộ trend cắt lỗ mùa dịch

Có nhu cầu mua nhà đầu tư mùa dịch, bà Nguyễn Phương Loan (Q.10) gọi vào một số điện thoại rao bán nhà trên trang Chợ Tốt đăng thông tin rao bán một bất động sản ở Q.Gò Vấp với mức giá chỉ 1,8 tỷ (60m2 ) tương ứng mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2, khá thấp so với mặt bằng giá đất ở khu vực này. 

Tuy nhiên, theo bà Loan, khi gọi đến số điện thoại này thì người bán sau khi nói vòng vèo thì lại báo căn nhà này đã có người đặt cọc, nếu bà có nhu cầu thì sẽ tìm cho các căn hộ khác trong cùng khu vực với mức giá hấp dẫn như thế.

Liên tục những ngày sau đó, bà Loan bị "khủng bố" điện thoại về tư vấn, mời mua căn hộ, dự án… khắp các quận, huyện.

Tràn lan nhà rao bán “cắt lỗ”, thực hay ảo? - Ảnh 1.

Một dự án rao bán cắt lỗ tới... 800 triệu đồng - Ảnh: chụp màn hình

"Có dự án rao bán nhà 3-4 lầu ở gần chợ Bình Chánh chỉ 800-900 triệu đồng, tôi gặng hỏi ra thì nói là ở đường Đinh Đức Thiện. Nhưng sau khi nhận được định vị mà người bán giới thiệu, tìm hiểu ra thì mới biết dự án thuộc địa bàn Long An lận", bà Loan nói. 

Vì thế, sau cùng bà phải chặn số người này nhưng chỉ vài hôm, lại có môi giới gọi lại rao bán nhà với giá "ngộp".

Cũng tin tưởng vào quảng cáo nhà là tài sản ngân hàng thanh lý "ngộp" mùa dịch, anh Long (Q.Gò Vấp) liên tục gọi đến các số điện thoại rao bán các bất động sản trong tầm tài chính 1,6 - 1,8 tỷ đồng, được rao bán tràn lan trên các website, nền tảng intenet. 

Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm bất động sản anh Long hỏi đều được người bán thông báo đã bán mất, và giới thiệu cho anh những dự án khác với mức giá cao hơn nhiều.

Trên thực tế, theo báo cáo thị trường BĐS tháng 8 của Batdongsan.com.vn, mặc dù TP.HCM đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, khiến lượng tin đăng và mức độ quan giảm mạnh nhưng giá rao bán chung cư tại đây vẫn tăng 8 - 9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong khi hồi tháng 7, đơn vị này cũng ghi nhận chỉ số giá chung cư tại TP.HCM cũng tăng với tỷ lệ bình quân 2% so với tháng 6/2021. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, thì giá chung cư tại đây đã tăng tới 10%.

Điều này cho thấy, dù bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tình hình giá bất động sản cũng không giảm như xu thế cắt lỗ đang nở rộ trên thị trường thời gian qua.

Tràn lan nhà rao bán “cắt lỗ”, thực hay ảo? - Ảnh 2.

Giá bất động sản tại TP.HCM không có xu hướng giảm thời gian qua mà thậm chí còn tăng nhẹ. Ảnh: Quang Duy

Ông Huỳnh Thế Long, môi giới bất động sản của một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM nhận định, khoảng 2 tháng trở lại đây, các thông tin rao bán cắt lỗ do khó khăn vì dịch Covid-19 xuất hiện nhiều hơn. 

Tuy nhiên, theo môi giới này, việc rao bán cắt lỗ là có xảy ra đối với các nhà đầu tư thiếu hụt tài chính, nhất là đi vay ngân hàng để đầu tư nhưng chỉ là số ít.

"Dân môi giới không lạ gì chiêu này, vì đây là "độc chiêu" bán hàng quen thuộc được áp dụng ngay cả khi trước dịch. Mục đích chính là thu hút sự quan tâm của người mua giữa hàng trăm thông tin rao bán nhà đất mỗi ngày", Long nói.

Chỉ là "đòn gió" của môi giới?

Liên quan đến làn sóng cắt lỗ, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay, ai cũng muốn mua căn hộ cắt lỗ cả. Đặc biệt, trong mùa Covid-19, những căn hộ được quảng cáo cắt lỗ lại càng được săn đón.

Tuy nhiên, theo ông Quang, người mua cần biết người bán cắt lỗ vì lý do gì để tránh bị "úp sọt". Bởi, có thể người bán chỉ kỳ vọng bán với mức giá nào đó, nhưng họ lại rao với giá cao hơn. Khi khách hàng tìm đến, người bán sẽ hạ xuống để dễ thương lượng. Vì thế, nếu người mua không sáng suốt, từ mua sản phẩm "cắt lỗ" sẽ thành mua… "hớ".

Tràn lan nhà rao bán “cắt lỗ”, thực hay ảo? - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, những thông tin rao bán giảm giá, cắt lỗ hiện nay đa số đều là những đòn gió của môi giới - Ảnh: Quốc Hải.

"Tôi nghĩ trên thị trường hiện nay có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn cắt lỗ, nhưng người ta không rao bán cắt lỗ mà chỉ rao bán bình thường, chỉ thêm chữ bán gấp để thu hút khách hàng. Sau một hồi thương lượng căng thẳng mà người ta giảm giá thì mình mua. Mới thương lượng mà giảm thì đừng mua vội, vì không ai giảm giá quá nhanh đâu", ông Quang nhấn mạnh.

Còn TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính thẳng thắn, những thông tin rao bán giảm giá, cắt lỗ hiện nay đa số đều là những "đòn gió".

Vì sao? Theo ông Hiển: Thứ nhất là thông tin không trung thực. Nhiều người bán bất động sản đều mong muốn thu hút người mua tới rồi mới cho xem dự án, thậm chí không cho xem dự án đã rao bán mà giới thiệu dự án khác. Đây là thủ thuật của các môi giới, thành ra nếu chỉ xem giới thiệu thông tin mà đánh giá là giảm hay không giảm là không đúng.

Thứ 2, ở Việt Nam, ngân hàng rao bán bất động sản thanh lý không có độ tin cậy cao như các ngân hàng ở nước ngoài. Thường hàng ngon đều được mua hết rồi, còn tài sản rao bán gọi là hàng "ngộp" thì rất khó chịu.

Theo chuyên gia kinh tế này, hiện nay, nếu thực sự giảm giá thì chỉ có giảm giá ở các phân khúc riêng lẻ, với những người mua người bán tự gặp nhau. Ví dụ tại Phú Quốc có những khách sạn 30 tỷ, họ có thể giảm giá 30% là có. Ở Hội An cũng có, nhưng họ không bao giờ rao bán công khai. Vì khi rao bán công khai là chết, sẽ bị đạp tiếp. Họ sẽ âm thầm gặp gỡ những người có nhu cầu mua và hai bên thành ý gặp nhau, deal giá cuối cùng và chốt với nhau chứ không có chuyện rao bán công khai.

"Đây là những người thực sự "ngộp" quá và thất thời mới làm, còn đại số nhà đầu tư vẫn tin mình có thể chịu đựng được, vẫn cố gắng bán ít ra cũng bằng với giá mua trước đây và cho rằng mình lỗ lắm rồi", ông Hiển nói.

Chuyên gia này dự báo, với các bất động sản có giá trị lớn, giá trị đặc biệt không thuộc nhóm căn hộ nhà phố nhỏ thì người bán, chủ sở hữu kẹt tiền có thể vẫn đang âm thầm tìm những người có khả năng mua với giá giảm là có…