Mấy ngày qua, dư luận xôn xao hàng loạt vụ việc xảy ra giữa thầy và trò khi học online như một giảng viên nói lời khiếm nhã, hay có trường hợp đuổi sinh viên ra khỏi lớp... Mới đây, tiếp tục xảy ra vụ giảng viên ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nổi nóng, quát tháo gay gắt sinh viên.
Giảng viên gọi sinh viên là "thằng" và nói: "Như là cái óc trâu vậy, nói hoài rồi cũng không làm, giảng cho thằng này, thằng kia không nghe rồi cũng y chang...". Khi sinh viên lên tiếng giải thích: "Dạ, để em chỉnh lại", thầy giáo hét lên "Tại sao không làm? Tại sao không làm?".
Các vụ việc xảy ra dường như đang là "phép thử" cho sự kiềm chế, tính kiên nhẫn của người thầy khi học online. Tối 21/9, mạng xã hội xuất hiện clip mâu thuẫn thầy trò trong lớp học online, song người hỗn hào lại là sinh viên.
Trong clip có độ dài hơn 4, nam sinh C.T.A liên tiếp "bật" lại thầy giáo L.T.X sau khi bị hỏi "Buổi đầu tiên em có đi học không? Tại sao lại không thuộc bài?". Nam sinh này tuôn một tràng với nội dung: "Có tài mà không có đức thì vứt. Thầy có học được kinh tế không, có học ở Harvard không, có làm được cái gì không... Bố mày sợ à? Thích thì lên phòng đào tạo solo luôn... Thằng này không sợ gì đâu, không biết nịnh bợ ai đâu, kể cả bố mẹ. Ok, buổi này tao nghỉ".
Trái ngược với thái độ của nam sinh, thầy L.T.X điềm tĩnh: "Thầy chỉ hỏi em tại sao không thuộc bài mà em lý do thế?", "Em cứ nói xong đi rồi thầy nói"... Ngay sau đó nam sinh này thoát khỏi lớp, thầy giáo có hỏi cả lớp: "Các bạn đánh giá thầy sai hay thầy đúng?". Học sinh trong lớp xác nhận "Thầy như thế là quá hiền rồi", "Bạn kia sai hoàn toàn"... Được biết, sự việc xảy ra tại một trường cao đẳng ở Hà Nội.
Rơi vào những tình huống như trên, giảng viên phải làm gì để kìm nén cảm xúc nóng giận, phải xử lý thế nào khi sinh viên hỗn láo?
Trao đổi với PV báo Dân Việt, nghiên cứu sinh, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, Đại học Illinois, Hoa Kỳ, đồng sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục tuổi đầu đời The Caterpies chia sẻ: "Các sự việc thầy "nổi điên" và nhiếc mắng học trò trong lớp học online đang "nóng" trên mạng ngày hôm nay, theo tôi chính là ví dụ điển hình của cái gọi là "mất mát quyền lực" của giáo viên khi dạy online.
Ở một lớp học bình thường, quyền lực của giáo viên được hậu thuẫn bởi nhiều thứ. Việc gom hết học sinh vào một ngôi trường, một phòng học 4 bức tường chỉ dành riêng cho việc học đã là một kiểu kiểm soát. Thầy ngồi trên bục cao cao, trò ngồi dưới bàn thấp thấp, thiết kế cố tình phân định ai "cao" ai "thấp" cũng góp phần củng cố quyền lực của giáo viên.
Lên online, tất cả sự hậu thuẫn đó đột nhiên biến mất. Thầy trò giờ ai nấy bình đẳng như nhau trước máy tính và chỉ có thể kết nối với nhau qua cái màn hình mỏng manh. Chưa kể, học trò mà tắt camera thì cảm giác mọi thứ ngoài tầm kiểm soát của thầy lại càng lớn.
Để không "nổi điên" khi dạy online, giáo viên chấp nhận rằng những quyền lực "cứng" của mình bay biến hết trên không gian mạng. Muốn thu hút học sinh khi học online, chỉ có thể dùng những quyền lực "mềm" như việc thiết kế bài giảng cho sinh động, đưa vào các hoạt động tương tác hai chiều, thấu hiểu rằng học sinh cũng có những khó khăn nhất định trong môi trường học tập mới này. Nhất là học sinh Việt Nam thì xưa nay có thói quen học tập khá thụ động, giáo viên cũng cần có "chiến lược" khiến học sinh thay đổi hành vi từ từ, chứ không nên quát mắng".
Tuy nhiên, tôn trọng không phải dễ dãi chấp nhận với những hành vi đi quá giới hạn của học trò, theo Tiến sĩ Uyên Phương, vai trò của người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền cho học sinh, sinh viên thái độ và nhân cách sống.
"Giáo viên phải thẳng thắn, đối đầu, lên tiếng với hành vi không phù hợp, mình là người thầy, không được lặp lại sai lầm của trò. Trò sai thì mình tập trung vào hành vi đó rằng: "Tôi không đồng ý với hành vi nào đó của bạn, bởi vì nó ảnh hưởng đến ai, như thế nào, hậu quả", và mình thể hiện bằng hành động cụ thể như mời sinh viên ra khỏi lớp học. Người thầy không cần thiết sa vào những tranh cãi, mắc những lỗi học sinh đã sai phạm.
Qua những sự việc online gần đây tôi thấy bản thân giảng viên đang bị cuốn theo hành động của học trò nhiều quá. Là người làm giáo dục, những hành vi, thái độ không phù hợp, các thầy nên thái độ thẳng thắn, đủ dứt khoát để học trò nhận ra lỗi sai. Phải cho các em biết hậu quả, nhìn nhận mình là người lớn chứ không phải là trẻ nhỏ. Người thầy không nên "nổi điên" nhưng cũng không được mặc kệ học sinh, tránh va chạm vì như vậy không phù hợp trong vai trò làm thầy", bà Uyên cho hay.