Đây là thông tin tại hội nghị "Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của Chương trình Chống lao Quốc gia diễn ra vào ngày 22/9. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến và kết nối tới 158 điểm cầu trên cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2019).
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến bệnh lao và nhiều căn bệnh khắc, đẩy lùi thành quả chống lao tới 5 năm.
"Hiện tại, tình hình bệnh lao của Việt Nam chỉ tương đương năm 2015, đây là một thảm họa lớn", PGS Nhung nhận định.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ phát hiện bệnh lao nói chung giảm 18% so với năm 2020, mặc dù năm 2020, tỷ lệ phát hiện lao cũng giảm so với những năm trước đó.
Theo PGS Nhung, việc phát hiện bệnh lao giảm sẽ khiến nhiều người bị mắc lao bị chậm phát hiện, trở thành nguồn lây lan cho cộng đồng. Hơn nữa, những người mắc bệnh lao không được điều trị kịp thời có thể bị bệnh nặng, dẫn đến nguy cơ tử vong tăng.
Theo PGS Nhung, Việt Nam cần tăng cường phát hiện bệnh nhân lao, đặc biệt là những bệnh nhân lao kháng thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể, trong quá trình sàng lọc Covid-19, nhân viên y tế có thể kịp thời phát hiện những người bị bệnh lao và đưa đi điều trị...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình phát hiện bệnh nhân lao đã giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, việc duy trì tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân vẫn ở mức rất cao, trên 85% đối với bệnh nhân lao thường.
Thứ trưởng cũng nhận định, thời gian qua, dù vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nhưng Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trên toàn quốc vẫn nỗ lực hết sức.
Bên cạnh việc duy trì và đảm bảo công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao; các cơ sở còn đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống Covid trên toàn quốc.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị Chương trình chống lao quốc gia tập trung vào các nội dung:
Xây dựng chiến lược phù hợp cho giai đoạn "bình thường mới" hậu Covid-19, thúc đẩy các hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia; Tiếp tục quá trình thực hiện công tác chống lao tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030;
Vận động các cấp chính quyền và cộng đồng tham gia làm sao phát hiện sớm và nhiều nhất các trường hợp lao; Điều trị quản lý với kết quả cao, kể cả lao thường và lao kháng thuốc.
Tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, để người dân hiểu tầm quan trọng của hoạt động chống lao cũng như chống Covid-19, người dân không kỳ thị bệnh Covid-19 hay bệnh lao.
Cuối cùng cần lập Kế hoạch và phương án nguồn vốn để bảo đảm đủ thuốc chống lao, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân lao trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Cần chuẩn bị tốt cho lộ trình xây dựng cơ chế mua sắm và thanh toán thuốc chống lao bằng nguồn quỹ BHYT bắt đầu từ năm 2023;
Tăng cường phát hiện chủ động, bù đắp để đạt chỉ tiêu năm 2021;
Củng cố màng lưới; rà soát, củng cố hệ thống Hồi sức cấp cứu của các Bệnh viện Phổi tỉnh, tăng cường năng lực để đáp ứng tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch Covid-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020.
Kết quả cho thấy, tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất.
Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân lao trên toàn cầu giảm 25%-50% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm khoảng 200.000 – 400.000 ca tử vong do lao.
Mô hình cũng dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2025.