Phim tài liệu "Ngày con chào đời" phát sóng tối 22/9 lại tiếp tục đưa khán giả bước qua những cung bậc cảm xúc khó tả. Có cả hồi hộp, có cả nghẹt thở, có cả quặn thắt, có cả đau thương và có cả hạnh phúc. Nhiều người ví, phim như một bộ phim điện ảnh với cái kết có hậu.
Nếu phần đầu là những giây phút hồi hộp đến nghẹt thở khi quay cận cảnh những cơn đau oằn mình, những ánh mắt hoang mang, gương mặt thất thần và những giọt nước mắt lo lắng… của các sản phụ trong phòng chờ sinh thì phần cuối lại là những nụ cười hạnh phúc, nụ cười đoàn tụ.
Mạch cảm xúc mà đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tiếp nối từ phim "Ranh giới" đến "Ngày con chào đời" vẫn trùng hợp gần như trọn vẹn với câu nói nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải: "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, gian khổ. Ở đời này, không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".
Sự khốc liệt, nghiệt ngã của vùng tâm dịch vẫn được làm nổi bật lên qua những bước chân gấp gáp, vội vàng và những cú điện thoại gọi trợ giúp của các y bác sĩ ở khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương (nơi điều trị của những sản phụ mắc Covid-19). Nhưng lần này, sự khốc liệt được đẩy đến tận cùng khi đạo diễn cho đặc tả cơn đau đớn của sản phụ khi sắp sinh nở và cả khoảnh khắc các sản phụ lên bàn mổ trong cơn thấp thỏm, lo âu.
Trong đó, bên cạnh những giọt nước mắt lo lắng của các sản phụ, nỗi căng thẳng tột cùng của các y bác sĩ khi bước vào ca mổ… là những lời nói yêu thương, vỗ về, động viên của các y bác sĩ đối với sản phụ. Chỉ một chi tiết bác sĩ vuốt tóc và chỉnh áo cho bệnh nhân trên giường mổ cũng đủ khiến người xem ấm lòng về tình người.
Nhưng chưa dừng ở đó, khi máy quay chuyển xuống khoa Nhi của Bệnh viện Hùng Vương, tình người lại được tô đậm thêm khi chứng kiến cảnh các y tá vỗ về, chăm sóc các em bé vừa chào đời. Đa phần các bé ở đây đều phải xa mẹ ngay khi vừa lọt lòng vì thế các y tá, điều dưỡng… đã thay các mẹ chăm sóc các con như những người mẹ thật sự.
Nhìn những cái "nựng" đầy yêu thương của y tá dành cho em bé và cả lời nhắc nhở nhau chăm sóc cho bé có bố mẹ đã mất vì Covid-19, không ai có thể kìm được những giọt nước mắt xúc động. Xúc động vì thương cho "thiên thần nhỏ" vừa chào đời đã phải mang phận mồ côi, vĩnh viễn mất hơi ấm của cha và mẹ. Xúc động hơn vì trong sự khốc liệt của dịch bệnh, các y bác sĩ vẫn luôn dành những nghĩa cử cao đẹp cho các em nhỏ.
Những hình ảnh cuối, khi các gia đình đón các con trở về trong vòng tay yêu thương của người thân như làm dịu đi sự khốc liệt của dịch bệnh. Tiếng khóc trẻ thơ hoà trong tiếng cười hạnh phúc của người lớn. Hình ảnh anh trai bé xíu tíu tít bên đứa em mới lọt lòng khi đến bệnh viện đón em về nhà như gieo vào lòng người xem bao niềm hy vọng. Hy vọng về ngày mai tươi vui đang đến gần. Hy vọng về những mầm xanh tương lai sẽ tiếp tục thắp lên những nụ cười.
Những "thiên thần bé nhỏ" như bé Na, bé Vy con của sản phụ Phạm Thị Hồng Phương ở Vĩnh Lộc, Bình Chánh… sẽ là những nhân chứng cho một dấu mốc đặc biệt của vùng "tâm dịch" TP.HCM. Và sau này, khi các bé trưởng thành, thì những cái "nick name" thân thương đó sẽ là một kỷ niệm để gợi nhắc về một "hạnh phúc" đã "nảy mầm" trong đau thương, khốc liệt. Người ta sẽ nhớ về đau thương để mà cố gắng, để mà biết ơn các y bác sĩ nơi tuyến đầu nhưng cũng sẽ nỗ lực hơn để kiến tạo lại cuộc sống.
"Ngày con chào đời" dù chỉ ghi lại những gì đã diễn ra trong bối cảnh hẹp nhưng cũng đủ đưa đến cho người xem muôn vàn nghĩ suy, xúc cảm. Hơn cả, phim như một bản hoà ca, có cả cung thương, cung trầm, cung bổng… nhưng khi tấu lên đã làm cho lòng người dịu vơi đi những ngổn ngang, suy tư và thắp lên những niềm hy vọng mới.
Đúng như lời đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã chia sẻ với Dân Việt: "Những giọt nước mắt của bố, mẹ khi nhìn thấy các con là những giọt nước mắt hạnh phúc. Sự chia lìa, khoảng cách chỉ là tạm thời và sau đó các con vẫn được trở về với người thân của mình. Tiếng khóc của trẻ thơ cũng là tiếng cười hạnh phúc của người lớn.
Thông qua bộ phim, chúng ta sẽ thấy sức sống mãnh liệt vẫn luôn trỗi dậy trong mọi hoàn cảnh. Nó sẽ là thứ sức mạnh để mọi người mạnh mẽ hơn khi vượt qua dịch bệnh. Nó sẽ đưa con người ta đến gần nhau hơn.
Qua đó, chúng ta cũng sẽ thấy được tinh thần kiên cường của người Việt. Càng trong gian khó, càng trong đau thương thì tinh thần yêu thương lại càng mạnh mẽ, càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết".
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết, trong quá trình làm bộ phim này, ê-kíp đã phải bỏ dở nhiều nhân vật dù đã theo chân họ nhiều ngày. Lí do phải bỏ dở là vì chứng kiến sự đau thương mà họ trải qua vượt quá sức chịu đựng. Mỗi lần như thế, anh cũng như thành viên ê-kíp phải nuốt nước mắt và tự an ủi mình.
Cho nên, khi mang tư liệu đã quay được về Hà Nội dựng, anh vẫn nhiều phen ám ảnh và nhiều phen gạt nước mắt một mình. Vì thế, nếu để nói thật lòng mình, Tạ Quỳnh Tư vẫn chưa hài lòng lắm với "Ngày con chào đời" vì mới chỉ đạt 80% mong muốn của anh. Nhưng vốn dĩ cuộc sống vẫn luôn tồn tại những điều "vô thập toàn", không gì có thể trọn vẹn được, nhất là khi phim quay trong bối cảnh quá đỗi đặc biệt...
Chuyên gia văn hoá Ngô Hương Giang chia sẻ: "Ngày con chào đời" một lần nữa khẳng định phong cách làm phim rất Tạ Quỳnh Tư. Vẫn là sự nối tiếp của những bộ phim trước đó về cách tư duy phim kiểu "ranh giới". Ranh giới giữa hy vọng và sụp đổ, giữa mầm non sự sống và cái chết cằn cỗi. Những đứa trẻ vẫn ra đời, vẫn lớn lên từng ngày trong vòng tay các bác sĩ, người thân, bỏ lại phía sau những "con sóng dữ" của bệnh tật, của cái chết, của bi thương. Dòng sữa mẹ tuy phải bỏ đi vì mang mầm bệnh, nhưng "dòng sữa yêu thương" của các bác sĩ lại dưỡng nuôi các em.
Có lẽ sau tất cả cái mong manh của những đường biên ranh giới, thì phim của Tạ Quỳnh Tư lại là sự giải phóng của những giá trị nhân văn, nhân bản. Phim của anh dù triển khai theo những mạch logic nào thì cái đọng lại sau cùng vẫn là cảm xúc chân thực, nhiều ám ảnh về tình người, về các giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Phim của Tạ Quỳnh Tư cũng cho thấy một kiểu xây dựng kịch bản và hình tượng phim "âm tính": Không lời bình, không âm nhạc phòng thu, ít sử dụng kỹ thuật hậu kỳ và hầu như "0 độ" về dàn dựng. Đó là bản sắc phim rất riêng ở Tạ Quỳnh Tư.
Và cuối cùng, tôi thấy có một sự "sao kê" không hề nhẹ. Tạ Quỳnh Tư đã và vẫn đang âm thầm qua các thước phim của mình "sao kê" cho khán giả thấy những góc khuất của cuộc sống: Đó là cái bi thương, là sự mâu thuẫn của các mặt đối lập, nhưng cũng là tinh thần nhân văn, là giá trị nhân bản, là sự hy sinh thầm lặng, là khát vọng sống và hy vọng được hồi sinh. Một dạng thức "sao kê" không "ranh giới" từ cái đẹp và sự tử tế.