Dân Việt

Đà Nẵng: Xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả thuyền viên vào tránh bão số 6

Diệu Bình 23/09/2021 16:07 GMT+7
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão trên địa bàn thành phố.

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 6, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến TP.Đà Nẵng, chiều 23/9, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Đồng thời tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch, đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ hoàn thành trước 17 giờ ngày 23/9.

Đà Nẵng: Xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả thuyền viên vào tránh bão số 6 - Ảnh 1.

Tàu thuyền vào khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) để tránh bão số 5. Ảnh: D.B

Sở Y tế tổ chức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão trên địa bàn TP. Sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh sau bão lũ.

Chủ tịch UBND các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho dân trong thiên tai và công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trực diện với bão, nhà không kiên cố, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…

Tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản; kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn.

Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.

Đà Nẵng: Xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả thuyền viên vào tránh bão số 6 - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng, ngư dân Đà Nẵng tại các phường trên địa bàn quận Sơn Trà đã tập trung ở biển Thọ Quang (quận Sơn Trà) để kéo thuyền thúng lên bờ tránh bão số 5. Ảnh: D.B

Các lực lượng của địa phương phối hợp với các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân đang phải điều trị và cách ly tập trung; tạo điều kiện cho người dân triển khai công tác chằng chống nhà cửa.

Sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra; khẩn trương tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu để hạn chế thiệt hại khi có mưa, bão, lũ xảy ra.

Các địa phương triển khai sơ tán nhân dân, tổ chức sơ tán, cứu nạn người, tài sản tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng trên từng địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 13 giờ chiều 23/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 6 năm 2021. Cơn bão có tên quốc tế là Dianmu.

Đà Nẵng: Xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả thuyền viên vào tránh bão số 6 - Ảnh 3.

Vị trí và đường đi của cơn bão số 6. Ảnh: KTTV.

Hồi 13 giờ ngày 23/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định khoảng 180 km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 260 km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 330 km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 380 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km.

Đến 1 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.