Vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố New York, Hoa Kỳ, bắt đầu chương trình tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 21 - 24/9.
Qua đó, nhiều nội dung quan trọng về ký kết hợp đồng kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, vaccine,… đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu làm việc với các lãnh đạo cấp cao, tổ chức quốc tế.
Thương mại song phương Việt - Mỹ đã có bước tăng trưởng nhảy vọt đầy ấn tượng sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thương mại song phương Việt - Mỹ gần như không có gì vào năm 1995 đã tăng lên 90 tỉ USD vào cuối năm 2020 và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, Mỹ là nền kinh tế lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh đó, dư địa để phát triển mối quan hệ thương mại giữa 2 nước là rất lớn.
"Mối hệ kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có đặc thù là bổ sung, ít cạnh tranh với nhau. Để đẩy mạnh, Việt Nam cần tăng cường kinh tế số hóa, gắn kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ. Qua đó, làm cho môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, công khai minh bạch. Tôi muốn nhấn mạnh Việt Nam và Hoa Kỳ luôn chia sẻ lợi ích về hòa bình, thịnh vượng tại khu vực châu Á, đặc biệt là biển Đông", TS. Lê Đăng Doanh đánh giá.
Tuy nhiên, ông Doanh cũng lưu ý, đối với hoạt động xuất khẩu doanh nghiệp, cơ quan quản lý của Việt Nam cũng cần thận trọng trong việc điều phối sản phẩm, tránh tình trạng xuất khẩu một mặt hàng quá "nóng" vào thị trường Mỹ.
"Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực nâng cao mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên. Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam cần tránh tình trạng xuất khẩu một chiều vào Mỹ quá nhiều. Điều này có thể dẫn tới một số hệ quả như vừa qua, Mỹ đã điều tra hành vi thao túng tiền tệ.
Ở chiều ngược lại, tôi nghĩ rằng quan hệ đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cần phải được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới đây. Trước mắt, Việt Nam cần xử lý vấn đề đại dịch Covid-19 hiệu quả hơn. Giảm bớt các chi phí cách ly, chuyển sang giãn cách để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, xã hội", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhận định về sự kiện hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Bamboo Airways vừa đạt được các thỏa thuận về việc mở đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ, ông Doanh cho rằng, đây sẽ là cầu nối quan trọng cho cả nền kinh tế cũng như nhân dân hai nước.
"Kinh tế nước Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất với cộng đồng người Việt Nam đông đảo. Việc bay thẳng sang Mỹ sẽ giúp giảm rất nhiều thời gian và tiền bạc. Tôi hy vọng rằng, những chuyển biến mới sẽ tăng thêm mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cùng với đó, cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ cũng sẽ có mối quan hệ gần gũi với nước nhà hơn", TS. Lê Đăng Doanh nhận định.
Được biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực (tháng 12/2001), thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng trưởng cao, tăng tới 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên gần 1,5 tỉ USD năm 2001 và đạt khoảng 50,8 tỉ USD vào cuối năm 2017.