Cô Nghiêm Thị Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 trường Tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông, Hà Nội) đã có những chia sẻ về cách dạy, cách thiết kế bài giảng cũng như tổ chức các trò chơi cho học sinh, để giúp các em yêu thích mỗi khi học trực tuyến.
Cô Thúy cho biết, năm học này, cô phụ trách lớp 2A3, trường Tiểu học Vạn Bảo với sĩ số lớp là 40 em. Bất lợi lớn năm nay là cô trò chưa từng được gặp nhau, chưa được tương tác trực tiếp.
Cô Thúy xác định ngay từ buổi đầu gặp gỡ cô trò chào hỏi nhau, cô đã dành nguyên cả buổi sáng để hỏi han từng học sinh, để các em giới thiệu về bản thân, về sở trường, sở đoản của mỗi em, qua đó nắm bắt một phần về học sinh của mình. Sau buổi "chào hỏi ra mắt" với các con, cô Thúy ghi lại đặc điểm từng bạn, tính cách và khả năng của học sinh. Ví dụ như học sinh nào đọc tốt, bạn nào còn nhút nhát, ngập ngừng, hay có học sinh còn mắc tật đọc ngọng để chỉnh sửa.
Cô Thúy tâm sự, sau một năm thiết kế bài giảng trực tuyến, năm nay cô đã rút kinh nghiệm để có bài giảng sinh động nhất, giúp học sinh dễ tiếp thu bài học.
Để có được bài giảng online thú vị, cuốn hút học sinh, theo cô Thúy, yếu tố tiên quyết là công nghệ. May mắn, trước khi đi dạy, cô Thúy đã theo học và có bằng về công nghệ thông tin nên việc thiết kế bài giảng trực tuyến với cô không quá khó khăn.
Theo cô Thúy, với học sinh lớp 2, đa số các con còn ham chơi, chưa có ý thức tự học, chưa thành thạo việc sử dụng máy tính cũng như điện thoại. Buổi học đầu tiên, cô Thúy nhờ bố mẹ học sinh ngồi cạnh để giúp đỡ học sinh trong việc học, tránh một số sự cố như lỗi mạng, lỗi đường truyền, hoặc đơn giản là chỉ giúp các con cách bật, tắt camera, tắt mic.
Cô Thúy bật mí, để các con không bị mỏi mắt cũng như buồn ngủ trong giờ học, "chiêu độc" của cô Thúy là lồng ghép các trò chơi hoặc giữa giờ cho các con đứng dậy, vận động nhẹ nhàng. Ngoài ra, các con rất thích được khen ngợi và tán thưởng nên cô thường xuyên khen mỗi khi học sinh làm bài đúng hoặc ngồi đúng tư thế.
"Trước mỗi buổi học, tôi thường cho các con tập "bài thể dục buổi sáng" rồi sau đó nhắc các con về chỗ mình thật nhanh. Khi học tôi cũng nhắc các con bạn nào phát biểu xây dựng bài và ngoan sau khi hết dịch, được đi học trở lại ở trường cô sẽ trao quà cho bạn đó. Ngoài ra, hết giờ học tôi thường không tắt máy luôn mà dành 10 phút khuyến khích các con chuyện trò, đôi khi đơn giản chỉ là để các con gọi tên nhau, cười đùa thoải mái với nhau sau 2 giờ học kiến thức", cô Thúy tâm sự.
Chị Linda, phụ huynh một học sinh lớp 2A3, Trường Tiểu học Vạn Bảo đánh giá, thời gian đầu năm học cùng con, chị thấy cô Thúy thiết kế bài giảng rất dễ hiểu: "Một hai buổi đầu học cùng con, tôi thấy cô dạy rất dễ hiểu, biết cách khích lệ học sinh rất kịp thời. Có những lần đường truyền mạng kém làm gián đoạn buổi học, cô đã ổn định lớp rất nhanh".
Đánh giá về khả năng nghiệp vụ của cô Nghiêm Thị Thúy, cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Bảo cho biết, cô rất yên tâm khi giao lớp 2A3 cho cô Thúy: "Qua các buổi dự giờ trực tuyến, tôi thấy cô Thúy thiết kế bài giảng dễ hiểu, tạo cảm giác thoải mái và hứng thú cho học sinh. Cô Thúy có cách lồng ghép những câu chuyện sinh động giúp các con không cảm thấy bị gò bó bởi kiến thức khô cứng".
Để giúp trẻ học trực tuyến hiệu quả, cô Thúy khuyên, cha mẹ nên hỗ trợ con lúc vào học online. Những buổi đầu, phụ huynh có thể ngồi cạnh con nhưng dần dần tạo không gian riêng để các con tập trung, thỉnh thoảng nên quan sát và nhắc nhở trẻ.
Phụ huynh cần xây dựng cho con môi trường yên tĩnh để học tập khi học online để con tập trung hơn, tránh xa các cám dỗ như đồ ăn, đồ chơi, tivi, tiếng ồn. Ngoài ra, cha mẹ nên nhắc con ngủ đủ giấc để có tinh thần học tập tỉnh táo, động viên khen ngợi kịp thời khi trẻ học tốt, không nên chê bai, mắng mỏ lúc bé học chưa tốt.