Mới 12 tuổi nhưng bất kể việc gì Thạch Quốc Hải (tạm trú tại ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) cũng đều làm được. Không chỉ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, Hải còn là anh cả và chăm sóc 3 đứa em nhỏ để cho ba mẹ yên tâm đi làm.
Khá rụt rè, Hải kể, gia đình mình có 6 người gồm bố mẹ và 4 anh em. Hải là con trai đầu, phía sau còn có 3 em nhỏ lần lượt 10, 5 và 3 tuổi. Hải được đi học đến lớp 2, đứa em kế học lớp 1, sau đó cả hai phải nghỉ học để theo ba mẹ lên TP.HCM. Hai đứa em nhỏ cũng chưa từng được đến trường ngày nào.
Khó có thể tin rằng, cậu bé 12 tuổi này vừa chăm sóc 3 đứa em nhỏ, vừa làm tất cả các công việc nhà để ba mẹ yên tâm đi làm. Thực hiện: Mỹ Quỳnh
Khẽ chớp mắt để ngăn giọt nước mắt đang chực trào ra, Hải nói, vì nhà quá nghèo, ba mẹ làm lụng vất vả nhưng vẫn không có tiền nên em phải nghỉ học. Dù vậy nhưng Hải không hề trách ba mẹ, chỉ buồn và sợ thua thiệt bạn bè.
"Con muốn được đến trường, muốn đi học như trước. Nhưng nhà con nghèo quá nên cũng không trách ba mẹ được. Có lần thấy con buồn, ba mẹ cũng thương và nói sẽ ráng kiếm tiền cho con đi học lại. Con cứ chờ mãi, nhưng ba mẹ vẫn chưa có tiền..." - Hải bỏ dở câu nói.
Rơm rớm nước mắt, mẹ của Hải - chị N.H (31 tuổi) cho hay, để các con phải nghỉ học, vợ chồng chị rất đau lòng nhưng lực bất tòng tâm. Trước đây, vì quá khó khăn nên vợ chồng, con cái phải dắt díu nhau vào TP.HCM kiếm kế sinh nhai. Cuộc sống còn bộn bề thì dịch bệnh ập đến, vợ chồng thất nghiệp, cái ăn mỗi ngày lo chưa xong, nói gì đến chuyện học hành.
"Thấy ba mẹ vất vả nên Hải đòi đi bán nước phụ cho người ta kiếm tiền. Vợ chồng tôi không cho đi, vì nghĩ con còn nhỏ mà phải bươn chải tội nghiệp. Với lại, hai vợ chồng quanh năm suốt tháng phải đi làm thuê, Hải phải ở nhà để trông nom chăm sóc, quán xuyến em út.
Dự định của vợ chồng tôi là chờ hết dịch để đi làm, kiếm tiền và xin được giấy tạm trú, tạm vắng ở đây rồi cho mấy đứa con đi học. Tính thì tính như vậy, nhưng chưa biết có làm được không nữa. Giờ cho được đứa nào đi học thì đỡ tội đứa đó, chứ thời buổi này mà để các con mù chữ thì tội lắm ", chị N. sụt sùi nói.
"Gắng lên mẹ nhé, 30/9 con nghe nói sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ dân quê mình đi về đó". "Thật không hả, đừng đùa mẹ nha. Lo giữ gìn sức khỏe cho tốt đi là mẹ mừng rồi".
Đó là đoạn hội thoại qua cuộc gọi Zalo của hai mẹ con nhà chị Nguyễn Thị Thu Tư trú tại (Phước Long, Bạc Liêu) vào chiều 27/9. Chị Tư cho hay, đã nhiều tháng qua từ khi thất nghiệp đến giờ, tâm trạng của chị luôn hoang mang, lo lắng khi thấy tình hình dịch bệnh quá căng thẳng.
Ghi lại cảnh sinh hoạt của 6 hộ gia đình, hiện đang trú tại ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức. Clip được ghi lại chiều 27/9. Clip: Chinh Hoàng.
Theo chị Tư, gia đình chị có hai đứa con, đứa trai út làm việc tại công ty cơ khí rồi bị kẹt lại ở dưới Bình Dương. Còn lại đứa đầu cùng hai vợ chồng chị cũng giậm chân tại chỗ nơi này.
Chị kể, ở dưới quê không có việc gì làm ra tiền nên hai vợ chồng chị gói ghém đồ đạc cùng đứa con trai đầu lên đây đi theo công trình phụ hồ được hơn một năm. Rồi dịch ập đến, những dành dụm trong suốt quá trình đi làm của cả ba phải lấy ra chi tiêu, ăn uống. Thời gian kéo dài nên số tiền tích lũy này đã cạn kiệt.
"Mỗi khi tôi xem trên truyền hình hoặc trên điện thoại đều thấy có rất nhiều ca nhiễm Covid-19 nặng, không qua khỏi. Xem những tin này, tôi thấy thương xót và sợ hãi, riết rồi những ngày sau không dám xem nữa. Thâm tâm tôi cứ nghĩ nếu con tôi mà bị vậy chắc tôi không sống nổi, quá ám ảnh và sợ hãi", chị Tư bộc bạch.
Chị Tư cho hay, những ngày dịch bệnh căng thẳng tại TP.HCM đối với chị sẽ là những kỉ niệm nhớ đời. Đây là lần đầu tiên trong đời chị chứng kiến cảnh đến một cọng rau cũng không mua được mà ăn. Nhà chị cũng không có gì đáng giá ngoài thùng mì với lốc trứng gà được Mạnh Thường Quân cho.
Bữa cơm mùa dịch của nhà chị Tư giảm chất lượng dần dần, đến nay thì không còn gì ngoài điệp khúc ăn cháo trắng ăn với muối. Những bữa ăn như thế này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một tháng.
"Cha con nhà thằng Hải liều mạng mà được việc. Biết ngoài ruộng, dân người ta ra xả nước để chuẩn bị vào vụ, thế là hai cha con nhà nó cuốc bộ cả đoạn đường dài ra đó kiếm cá về ăn. Lúc đầu, ai cũng khuyên can vì sợ ra đường bị bắt phạt. Nhưng sau này, ai cũng đói, cũng không có thức ăn nên đi theo ra rạch mò cua, bắt cá về ăn. Giờ mà không làm liều thì con chết đói chú ạ", chị Tư cười.
Cũng theo chị Tư, nhờ con cua, con cá cứ vài ngày một lần đi chài lưới về mà người dân xóm trọ cầm cự được tới giờ. Ai cũng mỏi mòn, mong ngóng hết dịch để còn làm ăn.
Nghị quyết HĐND quy định hỗ trợ cho 5 nhóm đối tượng:
1. Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn;
2. Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
3. Người phụ thuộc của đối tượng 2, gồm cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
4. Cha, mẹ, vợ/chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8-2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;
5. Người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và có mặt trên địa bàn.
Không hỗ trợ cho người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.