Bước đầu, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, từ tháng 2/2020 đến tháng 9/2020 đã có khoảng 400 người trên cả nước, tham gia góp vốn vào dự án RVG của Vũ Đức Hậu (SN 1991, HKTT: Khu 6, xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) điều hành, với số tiền thiệt hại khoảng trên 50 tỷ đồng.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng gồm: Vũ Đức Hậu; Đồng Xuân Phong (SN 1988, cùng trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) và Phạm Văn Hà (SN 1975, HKTT tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội).
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, đây là thủ đoạn phạm tội mới, rất tinh vi của các đối tượng liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Trong vụ án này, đối tượng lập website đầu tư tài chính “nhái” các tổ chức quốc tế, xây dựng đội ngũ tư vấn điện thoại, quảng cáo mạng xã hội, hội thảo quy mô với các chuyên gia rởm, tự xưng là sàn giao dịch nổi tiếng thế giới… Với cam kết đầu tư (gửi tiền) lãi suất cao, rút vốn tự do, không cần kiến thức, công sức dễ khiến nhiều người sập bẫy.
Vụ án bắt nguồn từ đơn trình báo của bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) và bà Nguyễn Thị Hồng (HKTT tại tổ 5, phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ) gửi đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, tố giác hành vi phạm tội của Vũ Đức Hậu và một số đối tượng khác dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc điều tra. Quá trình đấu tranh, đã làm rõ, hành vi phạm tội của Hậu và các đối tượng có liên quan.
Tại cơ quan Công an, Hậu khai nhận: Đầu năm 2020, do không có việc làm ổn định và muốn có tiền tiêu, Vũ Đức Hậu đã bàn bạc, thống nhất với các đối tượng gồm Lê Viết Tuyên (SN 1979, ngõ 113, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội); Nguyễn Thị Hồng (SN 1972, HKTT tại Phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) và Nguyễn Thị Hậu (SN 1981); Đồng Xuân Phong (SN 1988, cùng trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) và Phạm Văn Hà (SN 1975, HKTT tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) kế hoạch kinh doanh lừa đảo.
Vũ Đức Hậu đã đưa ra ý tưởng về ngân hàng số RVG đồng thời bàn bạc và thống nhất với các đối tượng trên để cùng nhau lập Team Leader (Ban lãnh đạo), cùng góp vốn ban đầu mỗi người 100 triệu đồng (tổng 600 triệu) để phát triển dự án. Hậu đã thuê đối tượng Lê Hồng Phương (SN 1989, ở tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội), xây dựng ứng dụng mang tên RVG Global. Trên thực tế, dự án RVG là do Hậu và các đối tượng tự xây dựng lên, không đăng ký hoạt động kinh doanh, không có bất kỳ hoạt động gì phát sinh lợi nhuận, không được cấp mã số thuế và đóng thuế theo quy định pháp luật.
Bằng thủ đoạn gian dối, Vũ Đức Hậu và nhóm đối tượng sử dụng nhiều phương pháp thuyết phục, lôi kéo để người tham gia tin tưởng RVG Vương quốc Anh là ngân hàng thật; được cấp phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, huy động vốn trả lãi suất cao hơn với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong nước. Theo lời khai của Vũ Đức Hậu cùng tài liệu điều tra, từ tháng 2/2020 đến tháng 9/2020, số người tham gia góp vốn vào dự án RVG của Vũ Đức Hậu khoảng 400 người trên cả nước với số tiền thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Trong số các bị hại có bà Nguyễn Thị Hoa. Ngày 20/2/2020, Nguyễn Thị Hồng đã đưa Vũ Đức Hậu, Đồng Xuân Phong, Phạm Văn Hà đến nhà bà Nguyễn Thị Hoa để dụ dỗ, lôi kéo bà Hoa tham gia. Tại nhà bà Hoa, các đối tượng Phong, Hà, Hồng giới thiệu Vũ Đức Hậu là giám đốc dự án RVG ngân hàng số Vương quốc Anh tại Việt Nam. Hậu và các đối tượng Đồng Xuân Phong đã giới thiệu, quảng bá thêm về dự án RVG cho bà Hoa để bà Hoa tin tưởng.
Bà Hoa đồng ý tham gia vào dự án và đưa cho Hậu 150 triệu đồng. Để cho bà Hoa tin tưởng đây là Ngân hàng số Vương quốc Anh, Hậu đã chỉ đạo Đồng Xuân Phong cài đặt phần mềm ROG Global trên điện thoại di động của bà Hoa. Do bà Hoa không biết sử dụng nên Phong đã hướng dẫn bà Hoa xem thông tin trên điện thoại thấy hiển thị nội dung số tiền ETH tương ứng với tiền của bà Hoa đã đưa cho Hậu.
Ngày hôm sau, khi nhóm đối tượng về Hà Nội, Vũ Đức Hậu đã lấy 45 triệu đồng, tương ứng với 30% số tiền bà Hoa đã đưa. Số tiền này, Vũ Đức Hậu chia cho 6 người gồm Vũ Đức Hậu, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Hồng, Đồng Xuân Phong, Phạm Văn Hà, Lê Viết Tuyên mỗi người 7,5 triệu đồng. Số tiền 105 triệu đồng còn lại, Hậu sử dụng để mua tiền điện tử ETH trên mạng Internet. Hậu trả tiền cho bà Hoa 3 lần với số tiền 80 triệu đồng. Đồng thời, Hậu đã chỉ đạo thiết lập hệ thống RVG để hiển thị trên tài khoản của người tham gia số hiển thị ảo, hình thức để mọi người tin tưởng vào khoản tiền của mình vẫn còn ở đó, vẫn được hưởng lợi nhuận để tiếp tục tham gia, lôi kéo thêm người khác tham gia dự án.
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Đặng Quang Bình - Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Bản chất của dự án RVG do Hậu và các đối tượng tự xây dựng lên, không đăng ký hoạt động kinh doanh, không có bất kỳ hoạt động gì phát sinh lợi nhuận, không được cấp mã số thuế và đóng thuế theo quy định pháp luật mà thực chất là lấy tiền của người sau trả cho người trước theo mô hình đa cấp với mục tiêu chiếm đoạt tài sản của người tham gia thông qua ứng dụng số mang tên RVG Global”.
Cũng theo trung tá Bình, Vũ Đức Hậu và nhóm đối tượng đã thống nhất lấy 30% tiền của người tham gia để chia nhau, 70% tiền còn lại để duy trì dự án, trả cho người tham gia trước và trao thưởng. Nhóm này sử dụng nhiều phương pháp thuyết phục, lôi kéo để người tham gia tin tưởng dự án RVG Ngân hàng số Vương quốc Anh là ngân hàng thật, được cấp phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, huy động vốn trả lãi suất cao hơn với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong nước để lừa đảo người bị hại.