Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã làm việc với huyện Nam Giang về kết quả thực công tác sắp sếp, ổn định dân cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất trồng cây cao su, chuyển đổi số và một số lĩnh vực khác liên quan.
Theo báo cáo tại cuộc họp, trong giai đoạn 2017-2021, huyện Nam Giang được phân bổ hơn 43,9 tỷ đồng triển khai sắp xếp, di dời chỗ ở và di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở đối với 847 hộ. Đến nay, đã giải ngân được hơn 43 tỷ đồng; hiện các địa phương của huyện đang tiếp tục nghiệm thu, lập thủ tục giải ngân vốn theo quy định.
Đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSĐ) âm nghiệp, huyện Nam Giang cho biết trong giai đoạn 2021-2026, tổng số diện tích đo đạc là 10.686 ha/5.243 giấy chứng nhận QSĐ tại địa bàn 5 xã và thị trấn Thạnh Mỹ với tổng kinh phí hơn 10,9 tỷ đồng. Huyện đã lựa chọn xã Tà Bhing là xã làm thí điểm bắt đầu triển khai từ năm 2021. Đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trồng cây cao su, diện tích đo đạc lập hồ sơ là 1.197 ha/1.020 hộ/1.764 thửa đất, tại 09 xã, thị trấn với tổng diện tích đã đo đạc là 1.229 ha.
Trong công tác chuyển đổi số, huyện Nam Giang đã tích cực triển khai và đạt những kết quả nhất định. Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước các cấp triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tạo lập hồ sơ, xử lý dữ liệu, trao đổi văn bản trên hệ thống phần mềm, có ký số điện tử và lưu trữ điện tử trên hệ thống.
Các phần mềm, ứng dụng dùng chung của UBND tỉnh Quảng Nma được triển khai trong cơ quan nhà nước đến với người dân như: Quản lý cán bộ, công chức, phản ánh, kiến nghị hiện trường, Smart Quảng Nam, Egov Quảng Nam. Huyện cũng đã phân bổ 1,2 tỷ đồng để đầu tư hệ thống hội nghị trực tuyến tại các xã Tà Bhing, Chà Val, La Dêê và UBND huyện.
Hạ tầng băng thông rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 100% các cơ quan, đơn vị và 83% đối với trụ sở làm việc UBND các xã, thị trấn...Cùng với đó, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đã bước đầu ứng dụng CNTT thông qua việc xây dựng trang thông tin điện tử để trao đổi dịch vụ thương mại; sử dụng phần mềm quản lý khách hàng, tài chính, kế toán, thanh toán điện tử.
Tại cuộc họp, Lãnh đạo huyện Nam Giang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho lập Thiết kế kỹ thuật- Dự toán riêng để tiến hành đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSĐ đất cho các hộ trồng cao su tại 03 xã Đắc Pring, Đắc Pre và La Dêê.
Ban hành văn bản hướng dẫn huyện về đo đạc, lập hồ sơ, thủ tục tạm ứng kinh phí trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất trồng cao su. Hỗ trợ kinh phí đối với huyện miền núi để thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng viễn thông tại 02 xã La Ê và Chơ Chun...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị huyện cần tranh thủ các nguồn kinh phí của Trung ương, huy động nguồn vốn lồng ghép để thực hiện các chương trình chính sách an sinh - xã hội trên địa bàn; chú trọng về công tác phòng, chống thiên tai, sạt lở đất trong mùa mưa bão. Phát triển cây dược liệu, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như dỗi rừng, quế, lim; có định hướng phát giống cây bản địa có lợi thế.
Cũng tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Bửu cho biết: Nam Giang là huyện có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn như: Làng dệt thổ cẩm Zara, đường mòn Hồ Chí Minh, rừng Bòn bon tự nhiên…Theo đó, trong thời gian tới, huyện cần có những kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, để phát triển du lịch nông thôn, phát huy các lợi thế nêu trên thì cần chú trọng đầu tư giao thông nông thôn, tăng cường quảng bá hình ảnh địa phương…thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng đề nghị Nam Giang đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, cải cách hành chính trên địa bàn huyện, trong đó đưa các sản phẩm nông nghiệp nông thôn lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là 05 sản phẩm OCOP của huyện. Phủ sóng đến các điểm vùng sâu vùng xa đảm bảo thông tin liên lạc cho người dân, tổ chức.
"Cả hệ thống chính trị vào cuộc trong chuyển đổi số; phủ wifi miễn phí trên toàn huyện, 100% cơ quan đều có website…Có đẩy mạnh ứng dụng CNTT thì mới nâng cao dân trí, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển"- ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.