Không những vậy, việc tập cho trẻ ăn trái cây hay các thực phẩm chứa gluten từ quá sớm như ngũ cốc và bánh mì cũng làm gia tăng khả năng này.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ ngân hàng sinh học Quốc gia cũng như 152 bài nghiên cứu đã được công bố trước đó để phân tích 27 yếu tố trong chế độ ăn uống ở trẻ sơ sinh có khả năng dẫn tới tiểu đường tuýp 1. Kết quả cho thấy, nhóm trẻ sơ sinh được sử dụng sữa mẹ hoàn toàn trong thời gian từ 6-12 tháng có khả năng mắc tiểu đường thấp hơn 78% so với nhóm trẻ sơ sinh chỉ sử dụng sữa mẹ trong 3 tháng đầu hoặc không hề sử dụng.
Không những vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng việc cho trẻ sơ sinh tập ăn thực phẩm chứa gluten và trái cây quá sớm cũng dẫn tới tình trạng tương tự. Theo đó, nhóm trẻ sơ sinh tập ăn các loại ngũ cốc, bánh ngọt hay hoa quả từ 6 tháng tuổi trở đi có nguy cơ mắc tiểu đường thấp hơn 54% so với những trẻ tập ăn sớm hơn.
“Hiểu rõ nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 1 là chìa khóa để ngăn ngừa chúng và các biến chứng xảy ra sau này. Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy tác dụng của việc nuôi con bằng sữa mẹ so với việc sử dụng các loại sữa công thức hay sữa bò từ sớm.
Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định việc trì hoãn cho trẻ ăn những thực phẩm này có trực tiếp bảo vệ lại bệnh tiểu đường này hay không, hoặc trẻ có được lợi khi được bú mẹ trong thời gian dài hơn không” - Tiến sĩ Anna-Maria Lampousi, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Tiểu đường tuýp 1 là tình trạng bệnh lý mà hệ miễn dịch phá hủy các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, từ đó ngăn cơ thể sản sinh đủ hormone để cân bằng lượng đường trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu tăng cao có thể gây hại cho tim hoặc thận, từ đó rút ngắn tuổi thọ. Trong thời gian gần đây, số người trẻ mắc tiểu đường đang gia tăng 3,4% mỗi năm.