Chưa đầy 24 giờ qua, tại Hà Nội đã liên tiếp ghi nhận 7 ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc. Trước đó, Hà Nội trải qua 5 ngày không có thêm ca nhiễm trong cộng đồng cùng với số người mắc có xu hướng giảm. Nhiều người đang đặt ra lo ngại, liệu Hà Nội có thay đổi kế hoạch nới giãn cách không?
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khi thành phố Hà Nội ra quyết định nới lỏng giãn cách, mở lại một số hoạt động dịch vụ đã xác định "kịch bản" có thể sẽ xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng. Chính vì vậy, người dân không nên quá lo lắng.
"Theo tôi, chúng ta phải chấp nhận cuộc sống an toàn trong trạng thái mới, không nên hoang mang. Giờ tiến hành tập trung xét nghiệm sẽ ra ca nhiễm. Tôi cho rằng, cần tập trung bảo vệ người già, người không có sức đề kháng, bệnh nền phải được tiêm vaccine 2 mũi.
Hà Nội cũng đã tiêm vaccine gần như phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tôi cho rằng, những người dương tính không có triệu chứng cần tính đến phương án cho họ ở nhà tự điều trị. Bài học ở TP Hồ Chí Minh điều trị cho F0 không có triệu chứng tại nhà sẽ đỡ tốn kém tiền bạc, không gây quá tải cho ngành y tế. Bên cạnh đó, F1 cho tự cách ly tại nhà. Họ sẽ bảo vệ gia đình họ trước, tránh nguy cơ lây lan", PGS.TS Nguyễn Huy Nga thông tin.
Theo ông Nga, nếu người dân hoang mang, lo sợ thì không nên ra đường. Những trường hợp ra đường phải tuân thủ 5K, đảm bảo giãn cách, an toàn.
"Chúng ta đã xác định sống chung và sống an toàn với dịch bệnh. Chính vì vậy phải thực hiện 5K tự bảo vệ cá nhân, bảo vệ gia đình. Nếu thấy có triệu chứng phải báo cơ sở y tế", ông Nga nhấn mạnh.
Về việc xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng có ảnh hưởng đến tiến trình cho học sinh quay trở lại trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, việc này sẽ do thành phố họp bàn đưa ra phương án cụ thể.
"Về cá nhân, tôi cho rằng học sinh trở lại trường không vấn đề gì, trước mắt nên thí điểm khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, phải đảm bảo biện pháp bảo hộ, phòng hộ chu đáo, kiểm soát tốt dịch bệnh", ông Nga chia sẻ thêm.
Về vấn đề này, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, tuỳ theo tình hình dịch cụ thể, chính quyền sẽ có phương án cụ thể. Theo ông Việt, khi chấp nhận nới giãn cách thì sẽ có ca cộng đồng, chỉ là rơi vào thời điểm nào và đối tượng nào thôi, không ảnh hưởng gì đến lộ trình. Chấp nhận nới giãn cách thì chấp nhận các ổ dịch sẽ xuất hiện, ổ dịch ở đâu thì sẽ dập ổ dịch ở đó.
Ông Việt cũng nhận định, dù có nhiều ca dương tính trong cộng đồng liên tiếp trong 2 ngày gần đây nhưng chưa thể đánh giá nguy cơ bùng một đợt dịch mới. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có kinh nghiệm ứng xử với các tình huống khi phát sinh ca bệnh.
Liên quan đến đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Hà Nội ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 đều ở quận Hoàn Kiếm (1 người nhà chăm bệnh nhân tại khoa Ung bướu, tầng 8 nhà D, 1 người bán và giao cơm tại khu vực cổng bệnh viện).
Đến ngày 1/10, lực lượng y tế đã lấy 1.443 mẫu người nhà, nhân viên tòa nhà D xét nghiệm, tất cả bước đầu cho kết quả âm tính.
3 tỉnh đã xác định các ca dương tính liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: Hà Tĩnh (1 người đưa bố đến khám tại tầng 8 nhà D), Nam Định (3 ca, liên quan người nhà đi chăm sóc bố tại tầng 7 nhà D), Hưng Yên (1 ca là bệnh nhân nằm điều trị tại tầng 8 nhà D đã ra viện).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã từng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức từ ngày 15-30/9/2021 cần liên hệ với trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện đến đường dây nóng phòng chống dịch để được tư vấn hỗ trợ về phòng chống dịch Covid-19: 0969082115; 0949396115.