Tại hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức tổ chức hôm nay 1/10, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, có nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản cuối năm, nhất là dịp Noel của các nước phương Tây và Tết cổ truyền các nước châu Á.
"Thị trường cuối năm, tức là trong quý 4 này, cơ hội xuất khẩu nông sản của chúng ta thuận lợi, nhất là Noel của các nước phương Tây và Tết cổ truyền Trung Quốc vốn là thị trường lớn.
Chúng tôi đang bám sát vấn đề này, để làm sao cố gắng trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm đạt được kết quả cao nhất" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn cho biết, vừa qua, ông có dịp sang các nước châu Âu và trao đổi với Bộ trưởng nông nghiệp một số nước.
Theo đó, họ cho biết đã có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu của Thái Lan, Nam Mỹ, Châu Phi như trước đó.
"Họ rất thích nông sản của Việt Nam và cần mua" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nhưng theo ông Hoan sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và ĐSBCL nói riêng phải đối mặt với tiêu chuẩn đòi hỏi ngày càng khắt khe.
Do vậy, nông sản trong nước hiện nay không còn "từ đồng ruộng đến bàn ăn nhà mình nữa" mà phải đáp ứng "bàn ăn của thế giới" và chịu sự biến động thị trường liên tục diễn ra.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hẹp quy mô sản xuất, thiếu lao động, chịu áp lực lãi suất ngân hàng...
Từ đó, các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội ngành hàng đã có nhiều đề xuất với các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của các bộ, ngành thì các địa phương và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để bàn giải pháp chung, hợp lý để khôi phục sản xuất.
Ở đây, giải pháp không chỉ riêng trong chuỗi ngành hàng trong tỉnh mà hướng tới định hướng chung cho cả vùng, thay đổi từ tư duy đơn ngành sang tư duy tích hợp đa ngành.
Theo thông tin tại hội thảo, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, vùng ĐBSCL đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa ngừng hoạt động.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tăng 18,8%, nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
"Mặc dù GDP quý 3/2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL, trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn" – ông Thành nói.