Trong bối cảnh ĐT Trung Quốc âu lo tại UAE thì ở chính quốc gia của họ, nhiều CLB chủ quản đang sở hữu các tuyển thủ quốc gia thậm chí còn đang bàng hoàng trong cảnh khốn cùng của nợ nần. Guangzhou Evergrande, hay còn gọi là Quảng Châu Hằng Đại (và nay là lấy tiên là Quảng Châu do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc) từng là CLB giàu có bậc nhất châu Á. Việc được tập đoàn Hằng Đại liên tục bơm tiền giúp cho CLB này vươn mình mạnh mẽ để trở thành đội bóng thành công nhất ở Trung Quốc tại thập kỷ 2010, với 8 chức vô địch Chinese Super League, 2 cúp Quốc gia và thậm chí là tạo nên danh tiếng tại châu Á với 2 chức vô địch AFC Champions League các năm 2013 và 2015.
Những bản hợp đồng lên đến triệu đô la mỹ liên tục được Quảng Châu Hằng Đại khuếch trương trên thị trường chuyển nhượng. Họ đưa về những ngôi sao như Robinho, Paulinho, Jackson Martinez, Alberto Gilardinho, Alessandro Diamanti, Lucas Barios cùng các HLV Italia thuộc diện hạng sang như Marcelo Lippi hay Fabio Cannavaro.
Tuy nhiên, "lâu đài" Quảng Châu Hằng Đại đã bắt đầu tan vỡ khi Tập đoàn Hằng Đại rơi vào thảm cảnh. Theo báo cáo của các tờ báo tài chính uy tín, Hằng Đại từ một tập đoàn phát triển dữ dội và trở thành DN bất động sản có doanh thu lớn thứ 2 Trung Quốc, lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và có thời điểm huy động hàng chục tỷ đô la Mỹ khi tuyên bố nhảy vào lĩnh vực xe điện nay rơi vào thảm cảnh đứng ở bờ vực phá sản, sau khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến dịch chống tình trạng lạm dụng đòn bẩy tài chính ở các doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể, Trung Quốc buộc các doanh nghiệp phải giới hạn tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản phải dưới 70%; kiểm soát tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100% và mức tiền mặt ít nhất phải tương đương với số nợ ngắn hạn. Những quy định của chính quyền đã khiến tập đoàn Hằng Đại không thể dùng đòn bẩy để vay thêm tiền thực hiện các dự án và buộc phải giảm giá nhà, bán bớt đất với giá rẻ để đảm bảo thanh khoản.
Tuy nhiên, việc bán tài sản không hề dễ trong khi Hằng Đại không có tiền để phát triển các dự án để trả nhà cho những người trả tiền trước để mua căn hộ. Hằng Đại đã nhận những khoản tiền khổng lồ từ 1,4 triệu căn hộ chưa hoàn thiện.
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi chính phủ Trung Quốc thực hiện hàng loạt các chính sách kiềm soát giá nhà nhằm kiềm chế giá leo thang như một phần trong chính sách thịnh vượng chung. Tính đến giữa 2021, Hằng Đại ghi nhận khoảng 300 tỷ USD tiền các khoản nợ, đó là chưa tính tới những khoản nợ ngoài sổ sách khó xác định.
Tất nhiên, khi "bầu sữa" Hằng Đại sụp đổ, hệ luỵ dây chuyền trong đó có cả CLB Quảng Châu cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, chi phí hoạt động của CLB Quảng Châu Hằng Đại lên 500 triệu USD trong khi doanh thu chỉ đạt không tới 1/3. Trớ trêu ở chỗ, 70% nguồn thu của Quảng Châu Hằng Đại chủ yếu các khoản "cho tiền" từ doanh nghiệp chủ quản: là các hợp đồng thương mại và quảng cáo được ký với các công ty con của Hằng Đại.
Theo tờ Titan Sports. Chủ tịch Xu Jiayin của Quảng Châu Hằng Đại, hay nói chính xác bây giờ là Quảng Châu FC mới đây cũng đã phải cầu cứu LĐBĐ Trung Quốc (CFA) về những khó khăn của CLB. Đáng chú ý ở chỗ, CLB này đang đóng góp đến 8 tuyển thủ quốc gia thi đấu tại vòng loại World Cup 2022. Đó là Zhang Linpeng, Tyias Browning, Gao Zhunyi, Elkeson, Alan Carvalho, Wei Shihao, Aloisio Goncalves, Liu Dianzuo, 4 trong số họ là những tuyển thủ Trung Quốc nhập tịch.
Nếu Quảng Châu Hằng Đại không thể duy trì được ngân sách trả lương như trước đây, những cái tên kể trên sẽ có nguy cơ phải tìm kiếm CLB mới, và chưa chắc họ đã duy trì được mức lương cũ vốn rất cao của mình. Nguy hiểm hơn, khi không còn có được lợi ích về mặt tài chính, thật khó để các ngôi sao nhập tịch không mang 'dòng máu' Trung Quốc trong người còn có thể tận hiến cho ĐTQG.
Thảm cảnh của CLB Quảng Châu và Tập đoàn Hằng Đại không phải là câu chuyện duy nhất xảy đến trong bong bóng tiền tỷ mà bóng đá Trung Quốc đã sống trong sự thổi phồng của nhung lụa. Việc hoạt động thiếu căn cơ khiến cho nhiều đội bóng khác của Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Nửa năm trước, tức là tháng 3/2021, bóng đá Trung Quốc cũng rúng động trước thông tin đội vô địch Chinese Super League 2020 là Jiangsu Suning, hay còn gọi là Giang Tô Tô Ninh phải giải thể vì không được doanh nghiệp cứu. Số nợ của CLB Giang Tô Tô Ninh rơi vào khoảng 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 63,8 triệu USD). Bản thân tập đoàn Tô Ninh cũng cắt toàn bộ các khoản đầu tư vào bóng đá. Đội bóng này đối mặt với khoản nợ lên tới hàng triệu triệu USD, chủ yếu là nợ lương cầu thủ. Thực tế, từ giữa năm 2020, Giang Tô đã trở thành gánh nặng của tập đoàn Tô Ninh, khi vốn vốn kinh doanh không mấy sáng sủa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vì đại dịch Covid-19.
Thậm chí, Tô Ninh đã âm thầm tìm kiếm một đối tác để nhượng lại Giang Tô. Nhưng đương nhiên, chẳng doanh nghiệp nào "dại dột" gánh thêm đống nợ trong bối cảnh tài chính u ám. Đây là hậu quả của những năm tiêu xài hoang phí trong việc mua sắm các ngoại binh và đãi ngộ họ với mức lương trên trời. Báo Sina thất vọng gọi thông tin trên là đòn nặng giáng vào giấc mơ hóa rồng của bóng đá Trung Quốc.
Báo này chua chát bình luận thêm: "Trong lịch sử bóng đá thế giới, chắc chưa từng có CLB nào mới vô địch quốc gia thì bị giải thể. Mọi thứ chẳng khác nào trò đùa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bóng đá Trung Quốc". Ngoài Giang Tô, 5 đội bóng khác không đáp ứng các yêu cầu về tài chính của LĐBĐ Trung Quốc gồm Thái Châu, Nội Mông, Bắc Kinh Nhân Hòa, Giang Tô Diêm Thành và Thâm Quyến cũng không thể được phép thi đấu các giải đấu thuộc 3 hạng chuyên nghiệp của Trung Quốc. Trường hợp của Thiên Tân Tân Môn may mắn hơn khi được cứu sống ở những "phút bù giờ", khi thanh toán được khoản nợ 15,5 triệu đô la Mỹ và tiếp tục thi đấu tại Super League với một cái tên khác và một nhà tài trợ khác.
Một câu chuyện khác cũng liên quan đến nợ nần của bóng đá Trung Quốc vừa mới được đưa tin. Theo đó, đội bóng Tứ Xuyên Annapurna đã nhận tuyên bố phá sản từ tòa án địa phương. Năm 2019, họ là tân binh của giải VĐQG Trung Quốc. Tuy nhiên, đội bóng này liên tục bị tố quỵt lương. Dù cố gắng hoàn thành mùa giải và trụ hạng năm đó nhưng trước sức ép của dư luận, CLB thuộc Tứ Xuyên này đã phải rút lui bất đắc dĩ. Theo phán quyết từ Tòa án Nhân dân Trung cấp Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đợt yêu cầu bồi thường đầu tiên cổng cộng rơi vào khoảng 15 triệu NDT (50 tỷ VNĐ).
Đáng nói, hiện trong tài khoản của đội bóng này chỉ còn khoảng 6 nghìn NDT, tương đương với 21 triệu VNĐ. Sau khi đội bóng này phá sản, các chủ nợ là nhân viên CLB và cầu thủ bị nợ lương có quyền kiện các cá nhân có trách nhiệm liên quan của đội bóng này để chịu trách nhiệm dân sự với các khoản nợ trên.
Theo thống kê hồi tháng 3/2021, 16 đội bóng Trung Quốc giải thể chỉ trong một năm. Quả thực, dịch Covid-19 như một cây kim chí mạng đâm vỡ quả bong bóng ảo tưởng của bóng đá Trung Quốc. Khi nền móng của các CLB đơn thuần chỉ là những tập đoàn phía sau chống lưng không vững vàng thì chỉ cần có biến cố tài chính, những CLB của Trung Quốc sẽ chẳng thể tự nuôi lấy nổi bản thân. Giới truyền thông mô tả kỷ nguyên đốt tiền của giải bóng đá cao nhất Trung Quốc chỉ biến họ trở thành gã khổng lồ có đôi chân đất sét, không thể đứng vững và hoàn toàn kém xa J-League hay K-League.
Sự vội vã xây một toà cao ốc dưới một cái móng cụt lủng đang khiến bóng đá Trung Quốc chìm trong thất vọng. Và liệu rằng, khi tương lai và cuộc sống chẳng còn đảm bảo, các tuyển thủ quốc gia Trung Quốc với đôi chân đất sẽ có đủ vững để đấu với Việt Nam, đội tuyển đã xây dựng được nền móng căn cơ và thành công từ cuộc cách mạng đào tạo bóng đá trẻ.
Trước tình hình khó khăn này, HLV Li Tie của ĐT Trung Quốc đã buộc phải tổ chức cuộc họp trấn an tinh thần các tuyển thủ quốc gia thuộc biên chế Quảng Châu Hằng Đại, động viên họ tập trung tốt nhất cho trận đấu với Việt Nam đầu tháng 10 và LĐBĐ Trung Quốc sẽ có những phương án duy trì sự nghiệp tại Super League cho họ thật thỏa đáng.
Nhưng không dám chắc rằng, họ đã dồn sự tâm huyết tuyệt đối cho 2 trận đấu tới đây, đặc biệt là cuộc đấu với Việt Nam. Nhất là khi cuộc sống của họ, gia đình họ đang rơi vào mông lung và bế tắc. Được biết, trong số 4 tuyển thủ nhập tịch, mới chỉ có Alan Carvalho được đồn đoán là đã có liên hệ với một đại gia bóng đá Trung Quốc khác là Bắc Kinh Quốc An. Các cầu thủ còn lại vẫn đang chờ đợi phương án giải quyết từ CLB chủ quản.
Xem chừng, nhiều tuyển thủ quốc gia Trung Quốc sẽ ra sân đấu với ĐT Việt Nam với cái đầu trĩu nặng những ưu tư, sầu muộn và nơm nớp lo sợ về tương lai mù mịt tại giải đấu bóng đá ở đất nước tỷ dân.