Dân Việt

"Cậu IT" Nhâm Hoàng Khang có thể bị phạt tù tới 20 năm

Mỹ Quỳnh 05/10/2021 20:22 GMT+7
Dư luận đang xôn xao trước thông tin "cậu IT" Nhâm Hoàng Khang bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hôm nay (5/10), nghệ sĩ Đức Hải cũng cho biết đã gửi đơn tố cáo Khang và một số đối tượng liên quan có hành xâm nhập trái phép tài khoản facebook và tống tiền.

Khi dư luận chưa hết xôn xao về việc Nhâm Hoàng Khang (sinh năm 1987, ngụ quận Tân Bình) bị bắt tạm giam để mở rộng điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản, ngày 5/10 nghệ sĩ Đức Hải cũng lên tiếng cho biết đã nộp đơn tố cáo hành vi xâm nhập facebook trái phép và nhắn tin tống tiền... của Nhâm Hoàng Khang.

Nghệ sĩ Đức Hải cho biết, ngày 2/6, facebook cá nhân của ông bị hack. Ngày 3/6, ông liên tục nhận được các tin nhắn tống tiền với nội dung: "Tao yêu cầu mày chuyển ngay cho tao 200 triệu vào stk này 19900888, chủ tài khoản: NHAM HOANG KHANG, ngân hàng Á Châu…"

 Hành vi tống tiền của Nhâm Hoàng Khang: Có thể bị phạt tù đến 20 năm - Ảnh 1.

Tin nhắn yêu cầu nghệ sĩ Đức Hải chuyển tiền vào tài khoản ACB tên Nhâm Hoàng Khang. Ảnh: NVCC

Lập tức, nghệ sĩ Đức Hải đã gửi đơn tố cáo sự việc đến Công an TP.HCM. Đến ngày 2/7, nam nghệ sĩ nhận được văn bản trả lời của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về việc đã chuyển đơn tố cáo đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để xem xét, giải quyết.

Trước đó, Cục Cảnh sát hình sự (C02) cũng nhận được đơn tố cáo về việc Nhâm Hoàng Khang có hành vi đột nhập vào trang web liên quan hoạt động cờ bạc và nắm các dữ liệu, bằng chứng của trang web rồi quay sang đe dọa sẽ tố cáo các sai phạm này. Đồng thời, Khang buộc chủ nhân trang web này phải chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản cho mình.

Theo tố cáo, sau nhiều lần thương lượng, Khang đồng ý nhận 400 triệu đồng và số tiền đã được chủ trang web trên chuyển vào tài khoản cho Khang.

Vừa bị bắt, "cậu IT" Nhâm Hoàng Khang tiếp tục bị Nghệ sĩ Đức Hải kiện? - Ảnh 4.

"Cậu IT" Nhâm Hoàng Khang vừa bị khởi tố , bắt tạm giam để điều tra mở rộng về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: FBNV

Từ đơn tố cáo này, Cục C02 phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an đã điều tra, làm rõ nội dung. Ngày 4/10, C02 chính thức khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nhâm Hoàng Khang để điều tra mở rộng về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Có thể bị phạt tù đến 20 năm

Theo luật sư Lê Bá Thường – Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), đặc điểm của hành vi đe dọa tống tiền được biểu hiện thông qua hành vi sử dụng các chứng cứ bất lợi của người khác như clip nóng, hình ảnh nhạy cảm, file ghi âm, hành vi phạm tội... để mang ra dùng vũ lực hoặc thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần và bắt người đó phải giao một khoản tiền, tài sản hay phải thực hiện những yêu cầu của kẻ đe dọa.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực là việc làm cho người bị đe dọa sợ nếu không giao tiền, tài sản cho kẻ uy hiếp thì họ sẽ bị đánh đập, gây đau đớn về thể xác. Ngoài ra, kẻ phạm tội cũng có thể dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần làm cho người bị uy hiếp trở nên hoang mang, lo lắng, sợ hãi và phải thực hiện các yêu cầu của kẻ đe dọa.

 Hành vi tống tiền của Nhâm Hoàng Khang: Có thể bị phạt tù đến 20 năm - Ảnh 3.

Luật sư Lê Bá Thường cho biết, hành vi tống tiền người khác sẽ bị xử lý hình sự "Tội cưỡng đoạt tài sản", tùy theo mức độ vi phạm, giá trị của tài sản chiếm đoạt và tính chất chuyên nghiệp của kẻ phạm tội mà bị xử phạt tù từ 12 - 20 năm. Ảnh: NVCC

Luật sư Thường cho biết, nếu bị kết án về hành vi tống tiền người khác sẽ bị xử lý hình sự "Tội cưỡng đoạt tài sản", tùy theo mức độ vi phạm, giá trị của tài sản chiếm đoạt và tính chất chuyên nghiệp của kẻ phạm tội mà bị xử phạt tù từ 12 - 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Điều 170 BLHS 2015).

Hành vi đe dọa tống tiền người khác nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân và được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, người bị đe dọa, tống tiền nên thu thập chứng cứ và nộp đơn tố cáo cho cơ quan công an điều tra địa phương nơi có tội phạm cư trú.

Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án Hình sự (khoản 2 Điều 162, khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015).