Vừa qua, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP.Hà Nội.
Theo Tờ trình của UBND TP.Hà Nội, đáng chú ý, trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, UBND TP.Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP.Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội cũng hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông.
Cùng với đó, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng (cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6,...).
Tại các khu vực dự kiến thành quận như Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo.
Đối với hệ thống giao thông, UBND TP.Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Khởi công 1 tuyến, đưa vào vận hành 2 - 3 tuyến đường sắt đô thị. Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh. Nâng tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị lên 12 - 15% diện tích đất đó thị.
Về kế hoạch xây dựng nhà ở, Hà Nội phấn đấu diện tích nhà ở đạt 29,5 m2 sàn/người vào năm 2025. Chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, 2 dự án nhà ở công nhân.
Đồng thời, sử dụng tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cải tạo, xây dựng lại 2 - 3 khu chung cư cũ. Triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.
Hà Nội cũng sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; đầu tư xây dựng mới 5 công viên, vườn hoa. Trồng mới 3,5 triệu cây xanh, trong đó 500.000 cây xanh đô thị.
Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, Hà Nội cũng sẽ đầu tư thay thế đèn LED công cộng; hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực phố cũ. Bổ sung, lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ quản lý đô thị.
Cuối cùng, Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển mạng cấp nước và một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước đạt 1,8 - 2,0 triệu m3/ngày đêm.
Về lĩnh vực kinh tế Hà Nội sẽ phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, đất đai, khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, phát triển kinh tế đô thị, các mô hình và loại hình kinh doanh mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn…).
Cùng với đó, xây dựng hạ tầng số, phát triển dịch vụ số, trong đố hoàn thành số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, tài sản xông và cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phát triển hạ tầng kinh tế, đầu tư mới, mở rộng các khu công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu công viên phần mềm huyện Đông Anh…
Ngoài ra, Hà Nội sẽ hoàn thành hạ tầng đưa vào khai thác sử dụng: Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy; Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa; đầu tư 1-2 trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch.
Hà Nội cũng sẽ phát triển, mở rộng thêm 3-5 khu vực thành không gian tuyến phố đi bộ; đầu tư Tháp trung tâm tài chính trên trục Nhật Tân – Nội Bài và Phát triển thương mại điện tử; xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhân rộng các mô hình lúa chát lượng coa, hoa cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, kinh tế trang trại…
Trước đó, theo Kế hoạch số 202 về triển khai thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy khóa XVII về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" do UBND TP.Hà Nội ban hành.
UBND TP.Hà Nội phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì triển khai các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng chủ trì, phối hợp cập nhật kết quả thực hiện của Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố về kết quả thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện (Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng).
UBND quận Nam Từ Liêm, UBND hai huyện Đông Anh và Đan Phượng triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.
UBND các huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng chủ trì đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận.
UBND các quận chủ trì triển khai các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến.