Dân Việt

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim hoang dã ở Việt Nam

Lam Anh - Văn Hoàng 07/10/2021 15:39 GMT+7
Hội thảo trực tuyến về bảo tồn chim biển và các vùng đất ngập nước ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, được tổ chức vào sáng thứ Bảy, ngày 9/10/2021 với sự tham gia của các nhà bảo tồn nhiều quốc gia trên thế giới.

Hội thảo sẽ được đồng tổ chức bởi Công ty Hoang Dã; Cục Bảo Tồn Thiên Nhiên và Đa Dạng Sinh học; Báo Dân Việt, và được sự hỗ trợ của tổ chức Birdlife quốc tế, chi nhánh châu Á. Thông tin chi tiết về chương trình Hội thảo và đăng ký tham dự tại: http://wildtour.net/news/webinar-conservation-shorebirds-in-vietnam-47

Video: Chim hoang dã dc giải cứu như thế nào

Đẩy mạnh hơn nữa nhận thức về các loài chim di cư

Ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Hoang Dã, đại diện Ban tổ chức cho biết: "Cùng với sự kiện "Ngày Thế Giới Chim Di Cư", Hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhận thức về các loài chim di cư và các vùng đất ngập nước của Việt Nam.

Các loài chim di cư là một trong số những loài chim bị đe dọa nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỗi năm, hàng chục triệu chim di cư bay qua đường di cư kết nối các vùng đất ngập nước ở Bắc Á với Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Úc.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim ở Việt Nam: Dấu ấn của Dân Việt - Ảnh 2.

Do dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, ở nhiều nơi phải giãn cách xã hội nên Hội thảo sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thiết kế ảnh: Hoài Bảo

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng xuyên suốt châu Á đã dẫn đến việc mất đi một khu vực rộng lớn các vùng đất ngập nước ven biển, hậu quả là làm suy giảm nghiêm trọng số lượng nhiều loài chim nước.

Một trong những loài bị đe dọa nhất trong khu vực của chúng ta là loài Rẽ mỏ thìa (Spoon-billed Sandpiper), loài này sử dụng các vùng đất ngập nước ở Việt Nam vào mùa di cư, cụ thể là vùng ven biển Đồng Bằng Sông Cửu Long được biết như điểm đến của nhiều đàn chim quan trọng nhất đất nước.

Là thành viên của Hiệp hội Đường bay Đông Á – Úc (EAAFP) và công ước Ramsar, Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực đã công nhận tầm quan trọng của việc bảo tồn các vùng đất ngập nước cho các loài chim di cư để tăng cường sự kết nối về sinh thái và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim ở Việt Nam: Dấu ấn của Dân Việt - Ảnh 3.

Những cá thể chim di cư bị bắt, nhốt để phục vụ nhu cầu của thực khách tại nhà hàng Bản Cò, Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hồi tháng 11/2020. Ảnh: Lam Anh

Nhận thấy tầm quan trọng của Bảo vệ chim di cư, các đơn vị tổ chức hội thảo nhằm mục đích: Chia sẻ kiến thức về phân bố, các mối đe dọa, tình trạng bảo tồn của các loài chim di cư ven biển của Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Nhận diện và thảo luận về các địa điểm ưu tiên cho bảo tồn chim di cư và việc bảo vệ các vùng đất ngập nước ở Đồng Bằng Sông Cửu Long trong mối liên hệ với kế hoạch phát triển bền vững; Thảo luận về các chương trình hành động và các hoạt động ưu tiên cho việc bảo tồn các loài chim di cư, đặc biệt là loài chim bị đe dọa Rẽ mỏ thìa ở Việt Nam.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim ở Việt Nam: Dấu ấn của Dân Việt - Ảnh 4.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (thứ 3 từ trái sang) cùng đại diện Công ty Hoang Dã (thứ 5 từ trái sang) làm việc với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) góp phần hoàn thiện dự thảo Chỉ thị bảo vệ chim hoang dã, chim di cư gửi Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Văn Hoàng

Chúng ta hãy hành động trước khi quá muộn

Cuối năm 2020, đầu năm 2021 Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời" phản ánh thực trạng tàn sát chim trời, chim hoang dã nói chung và chim di cư nói riêng ở Việt Nam quá tàn khốc, suốt thời gian dài vừa qua và hiện nay đang có xu hướng còn dữ dội hơn nữa.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, đại diện cho Báo điện tử Dân Việt sẽ chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến - cho biết: "Với tư cách là nhà báo điều tra, chúng tôi đã dày công điều tra, xâm nhập vào các đường dây xuyên suốt cả nước, một lần giao dịch của một đối tượng thậm chí có thể lên tới hàng vạn con chim hoang dã. Chúng tôi đã viết hàng chục bài báo, nhiều video tố cáo, làm việc với nhiều lực lượng từ trung ương đến địa phương để triệt phá, ngăn chặn".

Theo điều tra của Dân Việt, các loài chim dù to hay nhỏ, tất cả đều bị giết ăn thịt dưới mọi hình thức lưới mờ, chim mồi, nhựa dính, súng săn, âm thanh dụ chim về để bắt đều được bán tràn lan, hầu như không có kiểm soát.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim ở Việt Nam: Dấu ấn của Dân Việt - Ảnh 5.

Rẽ cổ hung (Red-necked Stint, là loài dễ nhầm lẫn với Rẽ mỏ thìa và cũng là loại có trong sách đỏ Thế giới) bị dính lưới tại biển Gò Công. Ảnh: Hoài Bảo

Trên cả các sàn thương mại điện tử được coi là uy tín, cũng buôn bán nhiều dụng cụ tận diệt chim di cư. Đủ các hình thức bẫy, bắt, bắn, giết… đều diễn ra gần như công khai. Việc thực thi pháp luật bảo vệ các loài chim di cư, chim hoang dã nói chung ở Việt Nam chưa được xử lý quyết liệt, nghiêm minh.

"Chúng tôi chứng kiến nhiều loài chim di cư bị tàn sát. Đường di cư của chim rộng lớn, theo mùa và dọc theo vỏ trái đất. Nếu chúng ta để tình trạng này tái diễn, sẽ dẫn đến tận diệt chim di cư trên toàn thế giới, với nhiều loài quý hiếm mà cả nhân loại tiến bộ đang bảo vệ.

Vì, dẫu cả thế giới bảo vệ, bảo tồn chim di cư tốt nhất có thể, mà các đàn chim nhất định phải đi qua "bến đỗ" Việt Nam để tiếp năng lượng để bay tiếp, thì có nghĩa là: mọi đàn chim bay đến Việt Nam đều có nguy cơ bị bẫy, giết, có loài chim cả thế giới chỉ còn có 200 cá thể…" - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim ở Việt Nam: Dấu ấn của Dân Việt - Ảnh 6.

Trước đó, tháng 1/2021, Báo NTNN/ Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời" trong đó có phản ánh tình trạng săn bắt, mua bán chim hoang dã trái phép tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh: Dân Việt

Trước đó, tháng 1/2021, Báo NTNN/ Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời" trong đó có phản ánh tình trạng săn bắt, mua bán chim hoang dã trái phép tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nghệ Anh, Hà Tĩnh,…

Ngay sau khi loạt bài đăng tải Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) đã có văn bản chỉ đạo các địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu. Công an các địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc xử lý vi phạm, thả nhiều cá thể chim hoang dã về tự nhiên.

Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) đã mời nhóm phóng viên Dân Việt đến chia sẻ, cung cấp thông tin để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện dự thảo Chỉ thị đang trong quá trình tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.