Nguyễn Trần Thảo Ly (23 tuổi, quê ở TP Hồ Chí Minh) là một trong số 200 điều dưỡng, hộ lý vừa xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Để được sang Nhật Bản làm việc Thảo Ly đã phải trải qua quá trình học tiếng Nhật và học định hướng hơn 1 năm ở Việt Nam.
Ly tâm sự: "Dù biết quá trình học hành vất vả, sang đó công việc cũng không hề đơn giản nhưng được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp như Nhật Bản khiến em càng phải quyết tâm".
Sau hơn 1 năm học tiếng Nhật và học định hướng tại TP.HCM, đầu tháng 9 vừa qua, Ly đã hoàn thành thủ tục xuất cảnh. Không giống với các chuyến xuất cảnh của các lao động trước đó, lần này Thảo Ly đi từ tâm dịch, nên chuyến đi gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngày liền, Ly ăn ngủ trên xe vì không được xuống dọc đường.
Tất cả các chuyến bay từ Sài Gòn tới Nhật Bản và Hà Nội đều ngừng hoạt động. Lúc này, Thảo Ly phải thuê một chiếc taxi đi từ TP.HCM ra Hà Nội. Quá trình xét nghiệm, thuê xe, thông chốt gặp nhiều khó khăn, cũng may em được Cục Quản lý lao động ngoài nước hỗ trợ giấy tờ có liên quan mới đi lại được. Sau 3 ngày ăn ngủ trên xe taxi, Ly cũng tới được Hà Nội.
Ly cho biết: "Em khá may mắn, bởi còn 2 người bạn của em trong thành phố dù làm xong thủ tục xuất cảnh vẫn không thể bay vì không may mắc Covid-19".
Nhập cảnh Nhật Bản được 1 tháng, Ly được cách ly tập trung và chuẩn bị bước vào đợt học định hướng trước khi về trung tâm làm việc.
Cùng chung hoàn cảnh, Nguyễn Tiến Đạt (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng gặp khá nhiều trục trặc trước khi sang Nhật làm việc. Để kịp chuyến bay cùng đoàn, Đạt cũng phải thuê taxi, trên đường đi còn không dám dừng lại ăn uống vì liên quan tới công tác phòng dịch. Suốt 8 tiếng đồng hồ ngồi xe, Đạt chỉ ăn cơm nắm muối vừng. Không may chiếc xe còn bị va chạm giao thông trên đường ra sân bay, nhưng đã được công an hỗ trợ để ra sân bay kịp thời.
Hiện tại Việt Nam có 20 nghìn lao động, thực tập sinh đang làm việc bên Nhật Bản, ngoài ra còn có 1.900 lao động là điều dưỡng hộ lý đang làm việc ở nước này. Tỷ lệ điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam thi được Chứng chỉ quốc gia Nhật cao nhất trong số các nước phái cử.
Ông Hishinuma Kenichi - Trưởng ban quản lý dự án đào tạo tiếng Nhật cho biết, khác với những đợt xuất cảnh trước, đợt này cả phía Việt Nam và phía Nhật đều siết chặt quy định phòng dịch. Bởi vậy, việc di chuyển lao động gặp quá nhiều khó khăn. Một số lao động dù trúng tuyển hoàn thành thủ tục xuất cảnh vẫn không thể bay do mắc Covid-19.
Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết thị trường lao động đều đóng cửa thì tín hiệu vui là thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục nhận điều dưỡng hộ lý. Dự kiến số lượng tiếp nhận ứng viên các khóa sau đều tăng so với các khóa trước.
Về việc xuất cảnh điều dưỡng khóa 8 (năm 2021), bà Hà cho biết, Cục đã hỗ trợ một số lao động thủ tục, pháp lý giúp lao động di chuyển. Tuy nhiên, các lao động vẫn phải tự lo làm giấy tờ, xét nghiệm, thuê xe. Nhìn chung, lao động phải bỏ ra chi phí khá lớn dù đã được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí từ chương trình.
"Thương nhất vẫn là lao động ở xa, do khó khăn về dịch bệnh, không có phương tiện giao thông công cộng, các em phải thuê xe taxi ra sân bay. Nhiều em ăn, ngủ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày trên xe. Có em còn đụng xe, tai nạn giao thông... trong quá trình di chuyển", bà Vân Hà kể.
Theo báo cáo, vừa qua có 200 điều dưỡng, hộ lý khóa 8 được xuất cảnh. Đáng tiếc, có hơn 10 em trong vùng phong tỏa không thể tham gia được. Về nguyên tắc, tất cả các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của chương trình khi đã học tốt nghiệp tiếng đạt trình độ N3 thì có thể xuất cảnh. Trong quá trình gặp trục trặc do các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh... thì các em được đi khóa sau.
Bà Hà cho biết, hiện tại khóa đào tạo điều dưỡng, hộ lý khóa 9 (năm 2020-2021) đang được đào tạo trực tuyến thay vì tập trung như trước. Riêng đối với khoá 10 năm 2021, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tiếp tục nhận hồ sơ tham gia tuyển chọn. Quá trình tuyển chọn sẽ kéo dài đến hết ngày 30/10/2021. Các ứng viên có nguyện vọng tham gia chương trình tuyển chọn khóa 10 có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc gửi qua bưu điện theo địa chỉ sau: 41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (hồ sơ được hướng dẫn trên website www.dolab.gov.vn).
Các ứng viên có thể vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần) tại các cơ sở dưỡng lão, bệnh viện của Nhật Bản. Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được hưởng mức lương theo quy định của pháp luật Nhật Bản.
Mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý thông thường là: 160.000 - 180.000 yên/tháng (khoảng 33 - 35 triệu đồng). Ngoài mức lương này, điều dưỡng, hộ lý sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
"Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản", bà Hà nói thêm.