Hôm qua (7/10), Harukists - tên gọi ám chỉ những người "cuồng" nhà văn Haruki Murakami - đã cùng nhau nín thở chờ Ủy ban Nobel công bố chủ nhân của giải Nobel văn chương. Và một lần nữa, họ lại thất vọng tràn trề.
Những lời cầu nguyện bấy lâu nay của những người hâm mộ cuồng nhiệt tác giả người Nhật Haruki Murakami đã không được đáp lại. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải Nobel văn học năm nay cho tiểu thuyết gia gốc Tanzania Abdulrazak Gurnah.
Murakami, tác giả văn chương người Nhật Bản được biết đến với cuốn sách bán chạy nhất năm 1987 "Rừng Nauy". Tên của ông lần đầu tiên nổi lên như một ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Nobel văn học vào khoảng năm 2007. Khi đó, trang web cá cược nổi tiếng Ladbrokes xếp ông là một trong những ứng cử viên hàng đầu.
Kể từ đó, tên của Murakami đã trở thành một cái gì đó cố định trong danh sách những người được hy vọng. Điều này làm tăng kỳ vọng của người hâm mộ và luôn tạo ra một "cơn bão" nho nhỏ xung quanh việc liệu năm nay Nobel văn chương có thuộc về tiểu thuyết gia người Nhật hay không?
Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Một ngày trước khi Ủy ban Nobel thông báo người thắng giải, Murakami là nhân vật đứng thứ 2 trong danh sách được kỳ vọng. Nhà cái Ladbrokes đưa ra tỷ lệ cược 10 ăn 1 - ngang bằng với tác giả người Canada nổi tiếng Margaret Atwood, người nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết kinh điển năm 1985 "The Handmaid's Tale". Nhưng một lần nữa. Viện Hàn lâm lại đi theo một hướng khác, khiến cho giới mộ điệu đặt ra câu hỏi: "Tại sao giải Nobel văn học lại khó đến thế với Murakami?".
Trong những năm qua, các nhà phê bình đã đưa ra một số lý do, trong đó nổi bật nhất là thiếu tính chính trị trong tác phẩm của ông. Trong những năm gần đây, Viện Hàn lâm Thụy Điển có vẻ coi trọng các tác giả có tác phẩm được khen ngợi về mặt chính trị, ủng hộ những tác giả lên tiếng cho người bị áp bức, chống lại những kẻ thống trị hoặc giải quyết các vấn đề xã hội đương đại.
Gurnah, người có tác phẩm tập trung vào chủ nghĩa thực dân và những tổn thương của người tị nạn, đã giành được giải thưởng "vì sự thâm nhập kiên định và đầy lòng trắc ẩn của ông đối với tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa", Ủy ban Nobel cho biết.
Năm 2015, tác giả người Belarus Svetlana Alexievich đã được vinh danh vì "những tác phẩm đa âm sắc, một tượng đài cho sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta". Tác phẩm kiểu phóng sự của cô bao gồm các chủ đề từ cuộc chiến 10 năm của Liên Xô ở Afghanistan đến thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Tác giả người Pháp Patrick Modiano, người đã giành giải thưởng năm 2014, được vinh danh vì "nghệ thuật kể lại quá khứ của ông đã khắc họa những số phận con người khó hiểu nhất và lột trần thế giới của Đức Quốc xã"
"Khi các tác giả viết tác phẩm đa ngôn ngữ và đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau thì điều tạo ra sự khác biệt đó là liệu tác phẩm của họ có tiếng vang và có ý nghĩa về mặt chính trị hay không?", Koichiro Sukegawa, một giáo sư văn học Nhật Bản tại Đại học Nữ sinh Gifu, người đã nghiên cứu Murakami từ lâu cho biết.
Điều này mang lại cho các tác giả như Atwood và nhà văn Kenya Ngugi Wa Thiong'o lợi thế cạnh tranh so với Murakami. Trong khi Atwood thường gắn liền với nữ quyền, thì Ngugi bị bỏ tù vào những năm 1970 vì thuộc thành phần chống lại hệ thống cầm quyền.
"Những yếu tố như vậy không có trong các tác phẩm của Murakami" - Sukegawa nói. Cũng theo vị giáo sư này, thực tế với những hành động gần gây, Ủy ban Nobel có thể cho rằng, Murakami đang dần tự xa lánh các đề tài có mang tính chính trị.
Vào tháng 3, Murakmi đã hợp tác với tập đoàn Uniqlo của Nhật Bản, trong bối cảnh tập đoàn này bị cáo buộc lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Mặc dù vậy, Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, đã phủ nhận các sản phẩm của mình có liên quan đến bất kỳ vi phạm nhân quyền nào.
Murakami cũng đã phải đối mặt với tranh cãi về cách ông khắc họa phụ nữ và tình dục trong các tiểu thuyết của mình. Ví dụ, những cảnh quan hệ tình dục liên quan đến nhân vật nam chính và một cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên trong cuốn tiểu thuyết 3 tập năm 2009 "1Q84" của Murakami, được một số nhà phê bình coi là một rào cản đối với Ủy ban Nobel.
Sukegawa nói: "Việc tình dục hóa một cô gái vị thành niên, cũng như những mô tả chi tiết về sự gợi cảm trên cơ thể cô ấy, có thể được coi là có vấn đề trong bối cảnh văn học ngày nay". Thậm chí, một câu thoại trong bộ tiểu thuyết ba tập kể trên từng nhận đề cử cho Giải thưởng Tình dục tệ hại của một tờ tạp chí Anh.
Cũng có thể thấy, trong các tác phẩm của Murakami, nhân vật có thiên hướng "nhiễm" văn hóa phương Tây. Họ thường có phong cách sống đậm chất Tây như nghe nhạc phương Tây, mặc quần áo mát mẻ và ăn các đồ ăn phương Tây. Sukegawa cho biết, giới trí thức trên thế giới có xu hướng hoài nghi khi nhìn vào chủ nghĩa thương mại này, nhưng thay vì xa lánh nó, Murakami tích cực viết ra những tác phẩm như vậy đề chiều lòng các độc giả trẻ.
"Murakami ra mắt trong thời đại mà việc sống hưởng thụ, vật chất có thể ảnh hưởng tới vị trí xã hội của một người nào đó và ông đã thành công khi viết về đề tài đó" - Sukegawa nói thêm.
"Nhưng thời đại đó đang dần trôi qua. Tôi nghĩ sự nghiệp của Murakimi hiện đang ở một ngã rẽ, trừ khi ông ấy tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ thì cơ hội đoạt giải Nobel sẽ vẫn rất mong manh".