Dân Việt

Mỹ muốn phá thế gọng kìm: “Thị trường tiền điện tử bắt tay với hacker”

Huỳnh Dũng 11/10/2021 16:53 GMT+7
Mỹ có kế hoạch kêu gọi 30 quốc gia khác tham gia cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công ransomware ngày càng thường xuyên, và các loại tội phạm mạng khác, bao gồm cả việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử.

Trong thời gian gần đây, Chính quyền Biden đã nâng cao mức phản ứng đối với vấn đề an ninh mạng lên các cấp cao nhất, sau một loạt các cuộc tấn công trong năm nay đe dọa làm mất ổn định nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm của Mỹ.

Điển hình là vụ nhà sản xuất thịt JBS SA (JBSS3.SA) đã phải trả 11 triệu USD để chấm dứt một cuộc tấn công vào hệ thống của họ khiến việc sản xuất bị ngừng trệ, và được cho là bắt nguồn từ một nhóm tội phạm có liên kết với Nga.

Nhà Trắng đang xem xét giám sát trên phạm vi rộng đối với thị trường tiền điện tử để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của ransomware và tội phạm mạng. Ảnh: @AFP.

Nhà Trắng đang xem xét giám sát trên phạm vi rộng đối với thị trường tiền điện tử để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của ransomware và tội phạm mạng. Ảnh: @AFP.

Còn nhà cung cấp nhiên liệu chủ chốt Colonial Pipeline đã phải trả cho một băng nhóm hacker được cho là có trụ sở ở Đông Âu gần 5 triệu đô la để lấy lại quyền truy cập, một số trong số đó sau đó đã bị cơ quan thực thi pháp luật Mỹ xóa sổ. Tuy nhiên, điểm chung là cả hai công ty đều phải trả tiền chuộc bằng tiền điện tử.

Sau đó, Bộ Tài chính cho biết họ nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sàn giao dịch tiền ảo có tên là Suex, vì liên quan tới việc giao dịch đòi tiền chuộc này. Bộ còn cho biết, hơn 40% giao dịch của sàn giao dịch này có liên quan đến tội phạm.

Thậm chí, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định, các giao dịch tài chính bất hợp pháp qua tiền điện tử quá dễ dàng đã làm cơ sở cho các cuộc tấn công ransomware đã và đang diễn ra ngày cảng nghiêm trọng, phức tạp mà Chính phủ Mỹ vẫn đang xác định cách điều chỉnh.

"Ransomware và các cuộc tấn công mạng cùng công cụ trợ giúp như tiền điện tử đang kết nối chặt với nhau, làm nạn nhân của các doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ liên tục bị tấn công không hồi kết, và cũng là mối đe dọa trực tiếp đối với nền kinh tế của chúng ta," Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen cho biết trong một tuyên bố.

"Vì thế, Nhà Trắng đang phối hợp liên ngành để xem xét các cách chúng tôi có thể đảm bảo rằng tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác không được sử dụng để chống đỡ cho các tác nhân xấu, bao gồm cả tội phạm ransomware", Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Anne Neuberger cho biết.

Việc giám sát có thể bao gồm kèm một lệnh điều hành, Bloomberg News đưa tin. Nhưng nữ Phó Cố vấn An ninh Quốc gia không nói rõ lệnh hành pháp đó sẽ được áp dụng trong việc giám sát thị trường tiền điện tử ra sao.

Theo bà, các cuộc tấn công ransomware đòi tiền chuộc hoạt động bằng cách mã hóa dữ liệu của nạn nhân. Thông thường, tin tặc sẽ cung cấp cho nạn nhân một chìa khóa để đổi lại các khoản thanh toán bằng tiền điện tử có thể lên tới hàng trăm nghìn, hoặc thậm chí hàng triệu đô la.

Vì thế, sắp tới Tổng thống Joe Biden cho biết, các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ sẽ tập hợp các quan chức từ 30 quốc gia với kế hoạch chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của ransomware, và tội phạm mạng khác liên quan tới thị trường tiền điện tử.

Chính quyền Biden hy vọng rằng, nhóm liên kết mới gọi là Nhóm Sáng kiến Chống Ransomware sẽ giúp thúc đẩy hoạt động ngoại giao, bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga cũng như liên minh NATO và Nhóm G7 (diễn đàn của 7 đại cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới) trước vấn nạn tiền điện tử với tội phạm mạng xuyên quốc gia. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ quốc gia nào sẽ tham gia, hoặc thời điểm chính xác cuộc họp này sẽ diễn ra.

Joe Biden: Hoa Kỳ liên kết 30 quốc gia lại với nhau để ngăn chặn 'việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử'. Ảnh: @AFP.

Joe Biden: Mỹ liên kết 30 quốc gia lại với nhau để ngăn chặn 'việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử'. Ảnh: @AFP.

"Mỹ sẽ tập hợp 30 quốc gia lại với nhau để thúc đẩy sự hợp tác của chúng ta trong việc chống tội phạm mạng, cải thiện sự hợp tác thực thi pháp luật, ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử và can dự vào những vấn đề này về mặt ngoại giao", Tổng thống Biden nhận định.

"Chính phủ Liên bang cần sự hợp tác của mọi người Mỹ và mọi công ty Mỹ trong những nỗ lực này. Chúng ta phải khóa cánh cửa kỹ thuật số của mình - chẳng hạn như mã hóa dữ liệu tăng cường và sử dụng xác thực đa yếu tố, xây dựng nền công nghệ một cách an toàn nhất, và cho phép người tiêu dùng hiểu được rủi ro trong sử dụng công nghệ", Biden tiếp tục.

Ngoài ra, có một phiên họp trực tuyến do Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng tổ chức cũng sẽ nhằm "cải thiện sự hợp tác thực thi pháp luật" về các vấn đề như "việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử", Tổng thống Biden nói.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, họ đặc biệt mong muốn giải quyết "việc lạm dụng tiền ảo để rửa tiền chuộc" và nhờ đó để "điều tra và truy tố tội phạm ransomware", nhiều kẻ ẩn danh hay tấn công các tổ chức ở các quốc gia khác.

Còn Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết trong một tuyên bố với kênh CNN: "Các mối đe dọa an ninh mạng làm ảnh hưởng đến cuộc sống và kế sinh nhai của các gia đình và doanh nghiệp Mỹ. Sullivan cho biết chính quyền sẽ "tiếp tục xây dựng trên nỗ lực của toàn chính phủ Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng trong tương lai".

Ngoài ra, một số chuyên gia an ninh mạng còn cho biết sự đa dạng của các cuộc tấn công mạng có liên quan tới việc tiếp cận, giám sát các khoản thanh toán bằng tiền điện tử chưa thực sự chặt chẽ, triệt để. Michael Daniel, cựu quan chức chính quyền Obama hiện là giám đốc điều hành của Cyber Threat Alliance đồng nhận định: "Phải có một số trách nhiệm đi kèm với thế giới, khi tiền điện tử được hợp pháp hóa, và để làm được thì quốc tế phải bắt tay lại với nhau".