Báo cáo tại Hội nghị, ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Giai đoạn 2016 - 2021, bình quân hàng năm Hội Nông dân Bắc Giang có trên 130.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm trên 60% so với tổng số hộ nông dân trong tỉnh.
Theo đó, số hộ nông dân SXKD giỏi năm 2016 là 114.100 hộ; năm 2017 là 106.699 hộ ; năm 2018 là 110.871 hộ; năm 2019 là 109.545 hộ; năm 2020 là 107.612 hộ.
Từ phong trào nông dân SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều hộ nông dân tiêu biểu có mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cho thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động; mô hình chăn nuôi lợn của ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động.
Mô hình sản xuất chế biến gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Sự, xã Hợp Đức (Tân Yên) thu nhập bình quân hàng năm 2,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động; mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Ngô Văn Ánh, xã Bảo Đài (Lục Nam) thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, Bắc Giang là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã vượt qua đại dịch, trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép của cả nước, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất, giữ vững tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh và chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khác trong cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
"Cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh Bắc Giang phát huy tinh thần tương thân, tương ái, góp công, góp của, góp hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn tấn nông sản giúp người dân vùng dịch; lập tổ đổi công giúp nhau chăm sóc mùa vụ, thu hoạch mùa màng và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Đặc biệt, nông dân Bắc Giang đã có một mùa vải bội thu, khẳng định chất lượng và thương hiệu vải thiều Bắc Giang", Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.
Ông Nam khẳng định, trong tình hình mới, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, giai cấp nông dân và các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tập trung nguồn lực hoàn thành các nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân năm 2021.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang duy trì tốt việc phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Công Thương thường niên hai năm một lần tổ chức tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh và tổ chức Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông. Những hoạt động này đã trở thành sân chơi quen thuộc cho những nhà nông sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
"Kết quả đó đã phản ánh sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm của của các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đóng góp vào thành tựu chung của tinh và của giai cấp nông dân cả nước. Thay mặt BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi biểu dương thành tích của tập thể cán bộ và hội viên nông dân tỉnh Bắc Giang trong những năm qua", ông Nam bày tỏ.
Để phong trào nông dân nói chung, cũng như phong trào nông dân SXKD giỏi tỉnh Bắc Giang đạt hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đề nghị, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang nắm chắc Nghị quyết Đại hội đại biểu XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII.
Hai là, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tập trung tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân thế hệ mới sẵn sàng liên kết, hợp tác để sản xuất hiệu quả; tích cực tham gia thực hiện chiến lược chuyển đổi số; lấy hội viên nông dân SXKD giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới và hình thành lực lượng doanh nhân nông thôn, phát huy tình đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, hỗ trợ hội viên nông dân khác cùng vươn lên làm giàu.
Khắc phục cho được tình trạng một bộ phận nông dân vẫn chưa nhận thức rõ tính tất yếu, đòi hỏi của sự phát triển sản xuất với quy mô lớn, liên kết, hợp tác; thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; từ năng suất, sản lượng chuyển sang chất lượng, giá trị tăng cao và an toàn thực phẩm; từ sản xuất ở mức độ hàng hóa thông thường; phương pháp tiêu thụ nông sản truyền thống sang sản xuất xanh, gắn với thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý, thương mại điện tử...
Ba là, nâng cao vai trò của hội trong hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo thông qua triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020 - 2025 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về khởi nghiệp sáng tạo trên báo, đài, bản tin sinh hoạt chi bộ, website, Fanpage của hội để tuyên truyền, phổ biển về khởi nghiệp sáng tạo, kiến thức về công nghệ sản xuất nông làm nghiệp, thủy sản; thông tin sản xuất, thị trường, giá cả, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương nông dân khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, nòng dân tỉ phú, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi,... để giúp cán bộ hỏi và hội viên nông dân hình thành ý tưởng làm giàu từ nông nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng và quyết tâm khởi nghiệp sáng tạo.
Bốn là, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo cho hội viên, nông dân. Nhất là những kiến thức về tổ chức sản xuất, quản trị kinh doanh, tài chính, marketing... Tổ chức các diễn đàn, các cuộc đối thoại giữa cán bộ hội, hội viên nông dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các ngành có liên quan để thúc đẩy việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong khởi nghiệp, lập nghiệp.
Năm là, huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân SXKD. Các cấp hội phải làm tốt vai trò là đầu mối liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng và các tổ chức tín dụng để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển SXKD; phát hiệu hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để hình thành và phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Quan tâm hướng dẫn nông dân đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ngay khi khởi nghiệp. Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, quảng bá và giới thiệu sản phân, cung cấp thông tin sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Sáu là, Hội Nông dân các cấp phải có quyết tâm cao, biện pháp tốt, cách làm mới chủ động, tích cực để chỉ đạo thực hiện, phát huy tốt vị trí vai trò cầu nối giữa Đảng với nông dân, làm nòng cốt trong phong trào, phát huy vai trò làm chủ của nông dân; nâng cao năng lực giám sát và phân biện xã hội; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập trung hỗ trợ, khuyến khích, đổi mới và phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho nông dân.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.