Ông Trần Ngọc Quân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Nông cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù tỉnh Đắk Nông không bị ảnh hưởng nặng nề như các tỉnh phía Nam nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến người lao động không có việc làm phải ngừng việc, nghỉ việc. Do đó, số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của tỉnh đã giảm không ít.
Bên cạnh đó, một số địa phương phải thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như TP Gia Nghĩa, huyện Cư Jút, Đăk Rlấp và một số xã của huyện Đăk Song, Krông Nô.
Vì vậy, công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây.
Trước dịch Covid-19, kênh truyền thông hiệu quả nhất của Đắk Nông là các hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách trực tiếp với bà con. Việc "đến gần" bà con sẽ giúp vận động và giải thích cặn kẽ những thắc mắc cho bà con hiểu và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, hiện nay, việc "tiếp xúc gần" không phù hợp với tình hình dịch Covid-19, do đó, BHXH tỉnh Đắk Nông đã kịp thời chỉ đạo BHXH các huyện đa dạng hóa các hình thức truyền thông như: tăng cường hình thức tuyên truyền qua hệ thống phát thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động, đẩy mạnh các tin, bài viết trên báo đài địa phương, tuyên truyền qua các tờ rơi, tờ gấp,…
Các kênh thông tin này tiếp tục duy trì sự quan tâm, chú ý của nhân dân đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong việc triển khai, thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng Internet thông qua việc thành lập trang fanpage và thành lập trang zalo của BHXH tỉnh. Qua thời gian triển khai, đi vào hoạt động, các kênh tuyên truyền trên đã hoạt động hết sức hiệu quả, phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid -19, qua đó đã thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp quan tâm, đăng ký để nhận các thông tin mới, cũng như giải đáp các khó khăn, vướng mắc thực tế của đơn vị, người dân trong việc tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Ông Quân chia sẻ, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT, cán bộ nhân viên BHXH tỉnh cần phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Quân, có 8 giải pháp trọng tâm cần vượt qua như: Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của ngành để xây dựng kế hoạch cụ thể hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng nhằm triển khai thực hiện kế hoạch đạt kết quả, hiệu quả cao nhất; thường xuyên báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT....
Đặc biệt, ông Quân cũng nhấn mạnh cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp cả phương thức tuyên truyền truyền thống và tuyên truyền qua mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT để mọi người tích cực, tự giác tham gia.
Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các địa phương đơn vị hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, thì tiếp tục tổ chức các đợt phát động tuyên truyền, Lễ ra quân để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. BHXH Việt Nam dự kiến tổ chức lễ ra quân phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT học sinh, sinh viên....
Đồng thời chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh, huyện và TP Gia Nghĩa tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị khách hàng để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.