2 nhóm công việc với 119 vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4410 về việc ban hành Chuyên đề số 9 về thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59 của Chính phủ. Theo đó, có 2 nhóm công việc với 119 vị trí công tác thuộc danh mục phải định kỳ chuyển đổi.
Cụ thể, nhóm quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị (phân bổ ngân sách; kế toán; mua sắm công) có 3 vị trí.
Nhóm trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc (tổ chức cán bộ; tài chính, ngân hàng; công thương; xây dựng; giao thông; y tế; văn hóa - thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; đầu tư và ngoại giao; tư pháp; lao động - thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; quốc phòng; công an; thanh tra và phòng, chống tham nhũng) có 116 vị trí.
Theo UBND TP.Hà Nội, phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác bao gồm: Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, gồm: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên; người đang biệt phái; phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác.
Trường hợp không thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác: Không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu; chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt.
Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.
Theo UBND TP.Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020, có 2.032 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác.
TP.Hà Nội đánh giá, đa số cán bộ, công chức, viên chức khi được chuyển đổi vị trí đều an tâm công tác, nhanh chóng tiếp cận vị trí, công việc mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; một số đã được xem xét bổ sung vào nguồn quy hoạch cán bộ, làm cơ sở để các cấp, các ngành bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ lâu dài.
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị vẫn còn có hiện tượng triển khai mang tính đối phó, chưa có kế hoạch thực hiện định kỳ hoặc kế hoạch được xây dựng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu như chưa nêu được trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện;
Bên cạnh đó, kế hoạch không mang tính khả thi hoặc dựa trên những nhu cầu thực tế, không đúng với quy định pháp luật, nhận thức về ý nghĩa cũng như phương pháp, cách làm còn thiếu nhất quán.
"Cá biệt có cơ quan, đơn vị thực hiện lẫn lộn giữa chuyển đổi vị trí công tác với điều động, luân chuyển cán bộ gây xáo trộn tổ chức hoặc lợi dụng chủ trương chuyển đổi vị trí công tác để điều chuyển cán bộ đang làm tốt ở nơi này sang nơi khác chưa phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn nghiệp vụ", UBND TP.Hà Nội chỉ rõ.
Ngoài ra, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác trên thực tế thường không đạt được so với kế hoạch đề ra hàng năm.
Về nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND TP.Hà Nội cho rằng, một số công việc cần chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tế tại đơn vị, nhưng cơ cấu chỉ có 1 người đảm nhận thì khó tham mưu thực hiện định kỳ luân chuyển.
Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác gây khó khăn cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức do thiếu nguồn thay thế.
Cán bộ, công chức, viên chức đã quen việc với công tác chuyên môn ở lĩnh vực cần được chuyên sâu, song đến thời hạn lại phải chuyển đổi, cán bộ, công chức, viên chức khác đảm nhiệm ít có kinh nghiệm chuyên môn sâu sẽ gặp khó khăn trong công tác, tiến độ giải quyết công việc chậm.
Một số vị trí công chức cấp xã như Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường đang nắm được địa bàn, do chuyển sang xã khác nên cần phải có thời gian nghiên cứu, tích luỹ, nắm bắt địa bàn mới, nắm bắt hồ sơ địa chính. Việc xác nhận hoặc giải quyết tranh chấp đất đai ở địa bàn mới gặp khó khăn do không nắm được lịch sử, nguồn gốc mảnh đất đó…
Trong văn bản ban hành, TP.Hà Nội yêu cầu đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59 của Chính phủ phải được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Quan điểm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cùng với đó, bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với cơ cấu ngạch, chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác và điều kiện thực tế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và không gây tăng, giảm biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị…
"Phải chống biểu hiện bè phái, chủ nghĩa cá nhân, gây mất đoàn kết, làm xáo trộn sự ổn định trong cơ quan, đơn vị và không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức", văn bản của TP.Hà Nội nêu rõ.