Sáng 15/10, chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 8 đặt tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được lực lượng chức năng gỡ bỏ. Tuy nhiên đến thời điểm này, chính quyền Hà Nội vẫn chưa có quyết định nào về việc "rút" 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô.
Lý giải về việc gỡ bỏ chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 8 đặt tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trao đổi với PV Dân Việt, một lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho biết, chiều qua đơn vị nhận được văn bản của tỉnh Hưng Yên đề nghị Hà Nội rút chốt kiểm soát dịch số 8 nằm trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên về lại Hà Nội.
"Trước đó chốt kiểm soát dịch số 8 của TP.Hà Nội được đặt ở đường Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội) nhưng do nơi này mặt đường hẹp lại nhiều nhánh rẽ, không kiểm soát triệt để được phương tiện nên UBND TP.Hà Nội đã đề xuất tỉnh Hưng Yên cho mượn đất để cắm chốt vì chỗ đó rộng nhưng nay Hưng Yên thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, không đồng ý để Hà Nội cắm chốt trên địa phận của tỉnh nữa", lãnh đạo Công an Hà Nội cho hay.
Theo vị này, hiện tại lực lượng chức năng tạm thời dỡ chốt kiểm dịch số 8 để trả lại đất cho tỉnh Hưng Yên, còn 21 chốt kiểm dịch ở các vị trí cửa ngõ Hà Nội khác vẫn hoạt động bình thường. Công an TP đang chờ quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc duy trì hay giải phóng 22 chốt kiểm dịch ra, vào cửa ngõ Thủ đô.
"Nếu UBND TP.Hà Nội không đồng ý gỡ bỏ 22 chốt chúng tôi sẽ khảo sát địa điểm để đưa chốt kiểm dịch số 8 về TP.Hà Nội", vị này thông tin.
Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, sáng 15/10 nhiều chốt kiểm soát tại cửa ngõ Hà Nội vẫn hoạt động. Tuy nhiên, một số chốt kiểm soát dịch Covid-19 đã tạm dừng hoạt động. Đơn cư như tại vị trí đặt tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tất cả các phương tiện ôtô, xe tải, xe khách… đều được tự do di chuyển qua chốt mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
Anh Vũ Quốc Việt, thành viên tổ kiểm soát tại đây cho biết, từ sáng đến giờ, lực lượng kiểm soát tạm thời dừng các hoạt động tại chốt.
"Tất cả vẫn đang chờ chỉ đạo mới của UBND TP.Hà Nội. Nếu có chỉ đạo tiếp tục kiểm soát thì chúng tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ. Tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho bà con về quê, đi lại được thuận lợi. Những chốt này nếu có thể gỡ bỏ được thì sẽ rất thuận lợi cho bà con, lực lượng chúng tôi cũng đỡ vất vả," anh Việt bày tỏ.
Tuy nhiên tại nhiều chốt kiểm soát vẫn thực hiện nhiệm vụ bình thường, sáng 15/10, anh H.T (31 tuổi, kỹ sư xây dựng) xuất phát từ Hòa Bình ra Hà Nội kiểm tra công trường thi công, khi qua chốt kiểm soát Covid-19 ở Quốc lộ 6 (nơi giáp ranh giữa huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và huyện Chương Mỹ (Hà Nội), anh vẫn phải xuống khai báo y tế và xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19.
"Khi tôi hỏi lực lượng trực chốt kiểm soát rằng hiện Bộ Y tế không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân đi lại, thì cán bộ trực chốt cho biết hiện TP.Hà Nội vẫn chưa có thông báo gì về việc này nên vẫn phải thực hiện theo đúng quy định", anh T. nói và cho biết, thời gian này, mỗi tuần, anh phải đi lại giữa Hòa Bình - Hà Nội 3-4 lần để kiểm tra công trình, việc kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 thời gian qua phát sinh chi phí khá lớn.
Anh T. mong muốn cơ quan chức năng của TP.Hà Nội cần xem xét lại việc kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 bởi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong đó, có hướng dẫn không kiểm soát giấy xét nghiệm với người đi đường.
"Tôi đề nghị, chính quyền Hà Nội nên xem xét, nghiên cứu và có thông báo rõ vấn đề này. Đối với những người dân đã được tiêm 2 mũi vaccine nên cho qua chốt, không yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho người dân ra vào thành phố được thuận tiện và đúng tinh thần và hướng dẫn của Nghị quyết 128 của Chính phủ", anh T. nói.
Đưa quan điểm về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, thời điểm này, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Đến nay, Chính phủ cũng nêu rõ chúng ta tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong Nghị quyết 128 vừa được ban hành. Ccho nên các địa phương, trong đó có TP.Hà Nội nên bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ để thực hiện. Bởi, Nghị quyết 128 là nền tảng tạo ra sự thống nhất từ T.Ư đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách.
Theo ông Liên, thời gian qua, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố có các quy định khác nhau, trong đó giấy xét nghiệm được phản ánh nhiều nhất. Nơi quy định giấy xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực trong 3 ngày, nơi thì 7 ngày, gây khó khăn cho người dân...
"Khi Nghị quyết 128 được ban hành, các địa phương cần coi đây là "kim chỉ nam" để áp dụng, có kế hoạch triển khai các chính sách cụ thể, phù hợp. Tôi cho rằng, Hà Nội dù vẫn kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô nhưng không nên kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 đối với người dân và doanh nghiệp vận tải khi vào thành phố, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3", ông Liên nói.