Để đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ này, chàng trai 9x luôn bám sát phương châm "dám nghĩ dám làm".
Ngành Lịch sử không hề khô khan
Sau khi tốt nghiệp song bằng, Quý Lâm (sinh năm 1999, quê Hưng Yên) lựa chọn ngành nghề liên quan đến Lịch sử, bởi đây chính là niềm đam mê lớn nhất của bản thân.
Trước ý kiến "ngành nghiên cứu khô khan, nhàm chán và thu nhập không cao, khó làm giàu", Lâm bộc bạch: "Ngành nghiên cứu không phải là lựa chọn phù hợp với những người mong muốn kiếm tìm một mức thu nhập cao và muốn làm giàu. Nhưng nhìn chung, ngành nghiên cứu, đặc biệt là ngành thiên về Khoa học Xã hội và Nhân văn như mình thì lại rất thú vị. Ngành học giúp mình có những cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn trước mọi vấn đề. Đặc biệt, ngành Lịch sử không hề khô khan, nhàm chán như mọi người nghĩ.
Đến với ngành Lịch sử bởi rất nhiều lý do, nhưng mình nghĩ hơn hết, đó là một cái "duyên". Bố mẹ mình định hướng học y vì mẹ đang công tác trong ngành này. Hơn nữa gia đình mình cũng không có ai theo ngành nghiên cứu. Mọi người cho rằng ngành Lịch sử khó xin việc. Tuy nhiên, bản thân mình có tính tự lập từ nhỏ, luôn tự chủ trong mọi công việc, những điều mình thích thì phải quyết tâm làm bằng được. Từ cấp 2, mình thích ngành học thiên về khoa học xã hội và lúc đó đã có mơ ước học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. May mắn là ước mơ ấy đã được hiện thực hóa rồi.
Mình rất thích tìm hiểu về lịch sử. Chính việc tìm hiểu về quá khứ đã đem lại cho mình nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, những bài học và kinh nghiệm có thể áp dụng sao cho phù hợp cho hiện tại và cả tương lai. Sau 4 năm đại học, bài học sâu sắc mình nhận được đó chính là sự quyết tâm. Mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua nếu như bản thân chúng ta thực sự nỗ lực, cố gắng hết mình".
Theo Quý Lâm, để có thể "vững nghề" trong lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử trước hết cần có tư duy tốt, sự kiên trì, tỉ mỉ và sáng tạo. Trong số đó, Lâm cho rằng tư duy tốt là tố chất quan trọng nhất, bởi nghiên cứu Lịch sử cần có sự logic, xâu chuỗi các vấn đề, sự kiện, thông tin.
Cũng theo chia sẻ của nam sinh Hưng Yên, lời bình phẩm "Học đại học mà không làm đúng ngành thì xem như vứt 4 năm phí hoài" đúng hay sai tùy vào quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, bản thân Lâm cho rằng 4 năm đại học được nhiều hơn mất. Bởi trong suốt quãng thời gian sinh viên, Lâm được học tập, rèn luyện trong môi trường năng động.
"Học đại học không chỉ được trang bị, trau dồi kiến thức chuyên ngành mà nếu biết tận dụng và nắm bắt cơ hội thì còn phát triển thêm rất nhiều những kỹ năng khác cần thiết và phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội như: kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng sống…
Với xã hội phát triển như bây giờ, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì kỹ năng mềm là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công trong công việc. Thế nên khi còn là sinh viên, thật đáng tiếc nếu trong suốt những năm tháng đi học chỉ chăm chăm vào việc học, mà không tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ và không dành thời gian học thêm những kỹ năng mềm.
Ngoài ra, sinh viên ra trường làm trái ngành rất nhiều, không phải ai cũng tìm được công việc đúng ngành mình đã học. Đôi khi không phải mình chọn nghề mà nghề chọn mình mới đúng. Suy cho cùng, mục tiêu của chúng ta là kiếm tiền và thỏa mãn đam mê.
Mình rất tâm đắc với câu nói "thái độ hơn trình độ"; việc nào cũng vậy, muốn bền và thành công thì trước hết thái độ với công việc phải thực sự nghiêm túc, làm việc phải thực sự có đam mê, có nhiệt huyết và có trách nhiệm với công việc mình lựa chọn. Dù mình không chọn làm nghề liên quan đến ngành Luật nhưng bản thân chưa từng hối hận khi đã nghiên cứu, học tập và tốt nghiệp lĩnh vực này", Lâm chia sẻ.
Áp lực thời gian là điều tất yếu khi học song bằng
Có một quãng thời gian Quý Lâm cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, cân bằng thời gian học và tham gia hoạt động chung. "Có lúc mình rất bận, vừa học song bằng, vừa sinh hoạt Đoàn, Hội lại muốn đi làm thêm. Học song bằng thì áp lực thời gian là điều tất yếu. Nhưng mình đã tập trung giải quyết mọi thứ có kế hoạch và lấy lại được cân bằng cuộc sống.
Kết quả là hiện tại mình đã hoàn thành xong chương trình của cả 2 ngành và có kết quả học tập loại Giỏi. Thế nên, đừng lo vỡ mộng khi học song bằng, vì tất cả mọi khó khăn đều được giải quyết khi có đủ quyết tâm, sự nỗ lực và sắp xếp khoa học.
Bản thân mình cho rằng, sinh viên có thể vừa học, vừa tham gia hoạt động chung để trải nghiệm và thử thách bản thân. Các bạn tân sinh viên hãy chú tâm vào học hơn là chơi bời, đồng thời hãy tham gia hoạt động tập thể để có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nhưng vẫn không bỏ bê việc học hành. Nếu muốn kiếm được một công việc tốt và theo ý mình thì hãy cố gắng tập trung chuyên môn và rèn thêm những kỹ năng mềm cần thiết", Lâm cho biết thêm.
Lâm cho rằng, bất cứ ai cũng từng mắc những sai lầm trong quá khứ, và đã từng ước rằng có cơ hội quay ngược thời gian để sửa chữa, làm lại một cách tốt hơn. Nhưng đến thời điểm hiện tại Lâm lại nghĩ khác. Bởi bất cứ những gì đã xảy ra, dù tốt hay xấu đều cũng có lý do và góp phần giúp con người ta trưởng thành. Anh trân trọng những trải nghiệm và cả những sai lầm ở ngày hôm qua đã "tôi luyện" nên một Quý Lâm bản lĩnh như ngày hôm nay.
Hình ảnh mà Quý Lâm hướng đến trong học tập, công việc là mẫu người đa năng, có trách nhiệm, nhiệt huyết và có thái độ làm việc chuyên nghiệp. Mỗi khi gặp áp lực Lâm thường nhìn nhận lại chặng đường đã qua, chỉ ra điều thiếu sót rồi dành thời gian tĩnh tâm, nói chuyện với bạn bè, sau đó mới quay trở lại giải quyết vấn đề.
"Mình muốn nhắn gửi đến các bạn sinh viên khi đang ở độ tuổi đẹp nhất thì hãy sống hết mình, theo đuổi đam mê, làm điều mình thích, không ngừng học hỏi và rèn luyện để sau này không phải hối tiếc".
Một số thành tích, hoạt động nổi bật của Vũ Quý Lâm:
Chức vụ từng giữ khi còn là sinh viên:
+ Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
+ Ủy viên Ban Chấp hành Hội sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
+ Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Lễ tân - sự kiện Garnet
+ Phó Bí thư Liên chi Đoàn Khoa Lịch sử
+ Liên chi Hội trưởng khoa Lịch sử
+ Bí thư chi Đoàn K62 Lịch sử
+ Lớp trưởng lớp văn bằng Kép 10 Luật học
- Thành tích học tập:
+ Bài tham luận tại tọa đàm khoa học: "Giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội" do Tạp chí Cộng sản tổ chức.
+ Thành viên nhóm sưu tập tư liệu phục vụ biên soạn sách về đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư thứ nhất đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
+ Thành viên tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021: "Kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất ở Việt Nam hiện nay".
+ Tham gia giao lưu, trao đổi sinh viên với trường Đại học Quảng Tây - Trung Quốc.
+ Khóa luận tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đạt 10 điểm
+ Học bổng Lê Văn Hưu năm học 2019-2020
+ Giải khuyến khích nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa năm học 2019-2020.
+ Top 5 và giải khuyến khích cuộc thi Cán bộ Đoàn - Hội xuất sắc lần thứ VI cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2020.
+ Giải Thí sinh triển vọng nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên thanh lịch Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ VI - Miss and Mr VNU 2019.
+ Giấy Khen của Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2018-2019.
+ Giấy Khen của Hội sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2018-2019.