Gọi V&Đ là ấn phẩm đặc biệt bởi vì nó vừa là sách vừa là tạp chí. Nói cách khác, nó là sách nhưng lại xuất bản kiểu tạp chí. Một quý ra một cuốn gọi là “chuyên đề” theo từng mùa, bắt đầu từ số chuyên đề mùa thu 2018. Đến nay V&Đ đã sang năm thứ tư, tính đến số chuyên đề mùa đông 2021 kỷ niệm ba năm ra sách thì đã có 13 cuốn được xuất bản. Mỗi cuốn V&Đ in thống nhất khổ 18x25cm, độ dày trên dưới bốn trăm trang.
Tại sao có V&Đ? Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, người chủ trương và chịu trách nhiệm thực hiện ấn phẩm này, trong “Thư ban biên tập” đã viết: “Chuyên đề VIẾT & ĐỌC ra đời chỉ như một nỗ lực dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng. Mỗi một nhà văn, nhà thơ, mỗi một họa sĩ, mỗi một nhà nghiên cứu, mỗi một người giảng dạy trong nhà trường… và mỗi một bạn đọc chính là mỗi người kể chuyện của thế gian này. Không còn cách nào khác, tất cả chúng ta hãy bước đi và cất tiếng về những điều tốt đẹp đang bị vùi lấp bởi chính con người”.
Ngôi nhà V&Đ đã được dựng lên vì thế. Ví như ngôi nhà thì cánh cửa đón bạn vào V&Đ là “Thư ban biên tập” hàng số do chính chủ biên Nguyễn Quang Thiều viết, mỗi bài một đầu đề riêng, ngắn gọn và lắng đọng những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả về một vấn đề của đời sống và văn hóa văn chương. Qua cửa bạn bước vào sảnh – “Ấn tượng 90 ngày” chính là tiếng nói nhà văn về thực tế cuộc sống trong một quý, khoảng cách giữa hai số V&Đ. Từ sảnh bạn sẽ đến phòng Văn, phòng Thơ, phòng Phê bình, phòng Văn Học Nước Ngoài, phòng Tư liệu, phòng Nghệ thuật. Ngôi nhà V&Đ có một phòng dành riêng cho việc đọc lại các tác phẩm nổi tiếng trong nước mà ngay số đầu truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã được đọc lại bởi sáu người. Rồi đến số tiếp sau, chuyên đề mùa đông 2018, là đọc lại truyện ngắn “Rừng mắm” của nhà văn Bình Nguyên Lộc.
VIẾT & ĐỌC CHUYÊN ĐỀ MÙA THU 2021
Nhiều tác giả
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn
Số trang: 350 (khổ 18x25cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 310.000
Hai phòng Văn – Thơ cố nhiên là hai phòng chính trong ngôi nhà V&Đ. Văn số đầu tiên đăng hai truyện ngắn của Trần Đức Tiến. Đến chuyên đề mùa đông 2019 V&Đ đã được nhà văn Bảo Ninh cho công bố lần đầu tiên trích đoạn cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình nhan đề “Đường về”. Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” lại xuất hiện ở số chuyên đề mùa hạ 2021 với truyện ngắn mới “Không tồn tại tức là tồn tại”. Cũng ở số này nhà văn Phan Thị Vàng Anh “tái xuất” với bốn bài ghi chép và tản văn, một thể loại chị viết rất độc đáo, ấn tượng. Trong chuyên đề mùa hạ 2020 nhà văn Y Ban cho ra mắt “Biệt đội Thiên Lý” khiến nhiều người đọc sững sờ. Thơ thì bên cạnh những cái viết mới của những nhà thơ quen thuộc, V&Đ chú trọng cho những cây viết mới, nhất là những tác giả mới và trẻ, với nhiều bài đăng để có thể “trình làng”, tạo dấu ấn gương mặt. Phần văn học nước ngoài cũng rất cập nhật và mới mẻ.
Cho đến hai số gần đây V&Đ có thêm mục ảnh văn nghệ sĩ của nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long chụp trong nhiều năm và mục trò chuyện với các nhà văn do nhà báo Yên Ba cũng thực hiện trong nhiều năm. Như bài hỏi chuyện nhà văn Trung Trung Đỉnh trong số mùa thu 2021 ở hai chặng thời gian ngày trước – bây giờ đọc vào thấy nhiều điều thú vị và giật mình. Cùng với sự chăm chút đầu tư từ đầu cho bìa sách/tạp chí này và các hình minh họa bên trong của nhiều họa sĩ nổi tiếng như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Trần Quân, Phạm An Hải, Phạm Hà Hải, Đỗ Trung Quân… và cả của người chủ biên V&Đ, việc có những bức ảnh chụp sắc nét góc cạnh ra thần chân dung người của Dương Minh Long làm cho V&Đ thêm chất lượng phần nhìn bên cạnh chất lượng phần đọc. Số chuyên đề mùa thu 2021 kỷ niệm ba năm V&Đ dành riêng cho các bài viết và dịch của những người tham gia làm nên ấn phẩm này. Và toàn bộ phần vẽ bìa và minh họa là do nhà thơ-họa sĩ Nguyễn Quang Thiều thực hiện.
Như thế “Viết & Đọc” là một ấn phẩm đặc biệt. Cầm nó lên tay thấy nặng về kích thước và trong lượng. Đọc vào nội dung của nó thấy nặng vì chất lượng các bài viết bài dịch và cách trình bày in ấn sáng tạo, ấn tượng. Nó là cuốn sách vì để dùng lâu được, không bị ảnh hưởng về thời gian tính. Nó là tạp chí ba tháng một để giúp nhà văn và người đọc có những chặng dừng và bước tiếp trong hành trình đọc và viết của mình theo mỗi mùa qua trong năm. Thực ra đúng tính chất của nó và mong muốn của những người làm ra nó thì V&Đ là một giai phẩm - ấn phẩm đẹp.
Tôi muốn nói một chút về người khởi xướng và chủ biên “Viết & Đọc” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Anh là người ham thích làm báo, mà phải là làm báo một cách hay và sang trọng. Người viết văn làm thơ phải biết và phải được nâng niu, trân trọng những sản phẩm bằng con chữ của mình làm ra. Một tờ báo, một tờ tạp chí, một cuốn sách làm đẹp làm hay là bệ bỡ nâng tầm cho cái viết văn chương, khơi niềm phấn hứng cho cả người viết và người đọc. Đó cũng là cách đóng góp và tác động đến đời sống văn chương đương đại. Hơn ba mươi năm trước Nguyễn Quang Thiều đã bắt đầu thực hiện ý nguyện này của mình khi anh cầm tờ “Văn Nghệ Trẻ”. Sau đó anh bước tiếp khi làm tờ “Nghệ Thuật Mới” lấy giấy phép phụ trương của báo “Người Hà Nội”. Cho đến “Viết & Đọc” hiện nay. Sau ba năm ra đời phát hành tự do, từ số chuyên đề mùa đông 2021 V&Đ sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam mua và phát cho các hội viên. Đây sẽ là một cách khơi nguồn tri thức cho các nhà văn nhà thơ nhà phê bình mà nếu ai biết tiếp nhận sẽ là rất bổ ích. Nhưng Nguyễn Quang Thiều không chỉ dừng lại ở V&Đ. Anh còn ấp ủ một ấn phẩm đặc biệt khác nữa, dày dặn bề thế hơn, và chỉ dành riêng cho thơ. Ấn phẩm đó đang chờ xuất hiện ở năm sau.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội 21/10/2021.