2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lượng iPhone xách tay về nước giảm mạnh. Theo thống kê từ các hệ thống bán lẻ, số lượng iPhone xách tay về nước trong 2 năm qua chỉ bằng 1/10 so với thường lệ. Trước đó, lượng iPhone xách tay bán ra luôn đạt tỉ lệ 50:50 so với hàng chính hãng. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, việc di chuyển giữa các quốc gia gặp khó khăn, vận chuyển hàng hóa cùng vì đó bị đình trệ.
Đặc biệt là vào thời điểm iPhone 13 ra mắt, thị trường xách tay vô cùng ảm đạm. Lượng hàng về nhỏ giọt, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Không những vậy, giá iPhone 13 xách tay còn liên tục tăng cao, thậm chí hiện tại còn cao hơn so với giá các đại lý chính hãng nhận đặt trước. Do đó, dòng sản phẩm này gần như mất hết ưu thế cạnh tranh về lượng hàng và giá bán.
iPhone 13 xách tay có giá ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn hàng chính hãng
"Trước đây, iPhone xách tay thường rẻ hơn hàng chính dãng đến 5-6 triệu đồng, lượng hàng về cũng nhiều và có trước hàng chính hãng nên nhiều người muốn mua sớm. Tuy nhiên, giờ mức chênh lệch chỉ còn khoảng 1-2 triệu đồng, hàng về nhỏ giọt nên rất khó bán", anh Phong, một chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh đó, thị trường iPhone cũng có nhiều biến động liên quan đến chính sách bảo hành. Theo đó, iPhone xách tay sẽ gặp phiền phức nếu máy gặp sự cố, trong khi thời hạn bảo hàng thường chỉ khoảng 6 tháng. Trong khi đó, hàng chính hãng sẽ có chế độ bảo hành 12 tháng, một đổi một.
"Mình thấy giá iPhone xách tay giờ cũng không chênh lệch nhiều so với hàng chính hãng. Đằng nào cũng phải bỏ ra một số tiền lớn để mua, tất nhiên mình sẽ cân nhắc đến chế độ bảo hành. Vậy nên mua hàng chính hãng vẫn cảm thấy yên tâm hơn", chị Lệ, một người dùng iPhone cho biết.
Nghị định 98/2020 NĐ-CP có hiệu lực vào tháng 10/2020 đã quy định các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu phải chịu mức phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng tuỳ theo giá trị của từng loại hàng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt có thể tăng gấp đôi.
Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo hoặc hoá đơn chứng từ không hợp pháp cũng nằm trong diện bị xử phạt. Bởi vậy, nhiều cửa hàng cũng hạn chế hoặc quyết định ngừng kinh doanh mặt hàng iPhone xách tay.
"Từ khi có nghị định này, mỗi chiếc iPhone xách tay về Việt Nam cần phải khai báo và nộp thuế đầy đủ. Như vậy thì giá cả bỏ ra rất cao, cũng ngang với giá chính hãng. Còn nếu không làm đúng luật thì phải phạt số tiền rất lớn và vi phạm pháp luật", anh Tài, một chủ cửa hàng kinh danh iPhone tại Hà Nội chia sẻ.
Hiện tại, ở thị trường Việt Nam, Apple đã bắt đồng có những động thái "dọn dẹp" hàng xách tay cùng với những chính sách hỗ trợ cho các hệ thống bán lẻ chính hãng. Theo đó, Apple sẽ chiết khấu, cho phép đại lý nhập hàng giá tốt, tung nhiều chương trình khuyến mãi để kịch cầu.
Từ đó, có thể thấy, thị trường iPhone xách tay đang ngày càng thu nhỏ, "chết dần", đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh.